1. Trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm
Một trong những khoản trợ cấp quan trọng dành cho người nghỉ hưu trước tuổi là trợ cấp hưu trí một lần. Khoản này được tính toán dựa trên số tháng nghỉ sớm so với tuổi nghỉ hưu theo quy định. Mức trợ cấp cụ thể phụ thuộc vào thời gian nghỉ hưu sớm và thời điểm nghỉ hưu trong năm đầu tiên thực hiện tinh giản bộ máy.
Trường hợp còn từ đủ 2 đến đủ 5 năm đến tuổi nghỉ hưu
Nếu nghỉ hưu trong 12 tháng đầu tiên kể từ khi thực hiện tinh giản bộ máy: Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng x 1,0 x Số tháng nghỉ sớm.
Nếu nghỉ hưu từ tháng thứ 13 trở đi: Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng x 0,5 x Số tháng nghỉ sớm.
Trường hợp còn trên 5 đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu
4 khoản tiền người nghỉ hưu trước tuổi được nhận (Ảnh minh hoạ)
Nếu nghỉ hưu trong 12 tháng đầu tiên: Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng x 0,9 x 60 tháng.
Nếu nghỉ hưu từ tháng thứ 13 trở đi: Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng x 0,45 x 60 tháng.
Trường hợp còn dưới 2 năm đến tuổi nghỉ hưu
Nếu nghỉ hưu trong 12 tháng đầu tiên: Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng x 1,0 x Số tháng nghỉ sớm.
Nếu nghỉ hưu từ tháng thứ 13 trở đi: Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng x 0,5 x Số tháng nghỉ sớm.
2. Trợ cấp cho số năm nghỉ hưu sớm
Bên cạnh trợ cấp theo số tháng, người nghỉ hưu trước tuổi còn được hưởng trợ cấp theo số năm nghỉ sớm. Mức trợ cấp này được tính dựa trên số năm nghỉ sớm và mức lương hiện hưởng.
- Trường hợp còn từ đủ 2 đến đủ 5 năm đến tuổi nghỉ hưu: Mỗi năm nghỉ sớm (đủ 12 tháng) được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng x 5 x Số năm nghỉ sớm.
- Trường hợp còn trên 5 đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu: Mỗi năm nghỉ sớm (đủ 12 tháng) được trợ cấp 4 tháng tiền lương hiện hưởng.
Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng x 4 x Số năm nghỉ sớm.
3. Trợ cấp theo thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc
(Ảnh minh hoạ)
Một khoản trợ cấp quan trọng khác là trợ cấp theo thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc. Khoản này ghi nhận sự đóng góp của người lao động trong suốt quá trình công tác và được tính theo nguyên tắc:
20 năm đầu đóng BHXH: Được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Từ năm thứ 21 trở đi: Mỗi năm được trợ cấp thêm 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Công thức tính mức trợ cấp như sau: Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng x 5 (đối với 20 năm đầu) + 0,5 x Số năm công tác có đóng BHXH bắt buộc còn lại (từ năm thứ 21 trở đi).
Điều đáng chú ý là công thức này áp dụng cho cả trường hợp còn từ đủ 2 đến đủ 5 năm và trên 5 đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu.
4. Lương hưu hàng tháng
Điểm khác biệt lớn nhất của việc nghỉ hưu do tinh gọn bộ máy so với nghỉ hưu tự nguyện là người lao động sẽ được hưởng ngay lương hưu theo quy định của Luật BHXH mà không bị trừ tỷ lệ do nghỉ hưu trước tuổi.
Theo Điều 56 Luật BHXH 2014
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc.
Tỷ lệ hưởng lương hưu được tính như sau:
Lao động nam: Đóng đủ 20 năm BHXH được hưởng 45%, sau đó mỗi năm thêm 2% và tối đa 75%.
Lao động nữ: Đóng đủ 15 năm BHXH được hưởng 45%, sau đó mỗi năm thêm 2% và tối đa 75%.
Theo Điều 66, Điều 72 Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ 1/7/2025)
Mức lương hưu hàng tháng = (Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng) x (Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH).
Tỷ lệ hưởng lương hưu được tính như sau:
- Lao động nam
Đóng đủ 20 năm BHXH: được hưởng 45%, sau đó mỗi năm thêm 2% và tối đa 75%.
Có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm - dưới 20 năm: mức lương hưu hàng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
- Lao động nữ: Đóng đủ 15 năm BHXH được hưởng 45%, sau đó mỗi năm thêm 2% và tối đa 75%.
Như vậy, người nghỉ hưu trước tuổi do tinh gọn bộ máy không chỉ được đảm bảo quyền lợi về lương hưu mà còn nhận được nhiều khoản trợ cấp khác, thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với những người lao động trong quá trình tái cơ cấu hệ thống. Việc nắm rõ các quy định này sẽ giúp người lao động chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho giai đoạn nghỉ hưu của mình.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)