Theo quy định mới tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (bao gồm cả xe máy điện) và các loại xe tương tự sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng nếu thực hiện một trong các hành vi sau:
- Không đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông;
- Chở người không đội mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn, trừ các trường hợp đặc biệt gồm: chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi hoặc áp giải người vi phạm pháp luật.
Từ năm 2025: 3 trường hợp không đội mũ bảo hiểm nhưng không bị CSGT xử phạt (Ảnh minh hoạ)
Theo Điểm b, Khoản 5, Điều 12 của Nghị định 168, người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy nếu không đội mũ bảo hiểm đúng chuẩn cũng sẽ bị xử phạt với cùng mức tiền: từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Người lái xe đạp máy cũng chịu mức phạt tương tự nếu: Không đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn; Chở người không đội mũ bảo hiểm, ngoại trừ các trường hợp: chở người đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi hoặc áp giải người vi phạm pháp luật.
Ba trường hợp đặc biệt được miễn trừ xử phạt
Như vậy, mặc dù mức phạt được điều chỉnh tăng lên đáng kể, Nghị định 168/2024/NĐ-CP vẫn duy trì 03 trường hợp ngoại lệ mà người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm sẽ không bị xử phạt. Các trường hợp này bao gồm:
- Chở người bệnh đi cấp cứu.
- Chở trẻ em dưới 06 tuổi.
- Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Tiêu chuẩn mũ bảo hiểm "đạt chuẩn" cần lưu ý
Để tránh bị xử phạt và quan trọng hơn là đảm bảo an toàn cho bản thân, người dân cần lưu ý lựa chọn và sử dụng MBH đạt Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5756:2017. Theo đó, một chiếc MBH "đạt chuẩn" phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về cấu tạo, chất liệu và độ an toàn.
Có bốn loại mũ phổ biến: Mũ nửa đầu, mũ ba phần tư đầu, mũ che cả đầu và tai, mũ trùm kín đầu, tai và hàm.
(Ảnh minh hoạ)
Mũ phải được làm từ vật liệu bền chắc, không bị biến dạng do thời tiết, hóa chất hoặc mồ hôi. Quai và khóa mũ phải an toàn, không gây tổn thương da. Trọng lượng mũ cũng được quy định rõ: Mũ trùm kín đầu: tối đa 1,5 kg (cỡ đầu 4–9) và 1,2 kg (cỡ đầu 1–3); Các loại mũ còn lại: không vượt quá 1,0 kg (cỡ 4–9) và 0,8 kg (cỡ 1–3).
Vỏ mũ phải nhẵn, không có cạnh sắc hoặc đầu đinh tán nhô quá 2 mm. Không được dùng ốc vít kim loại để lắp ráp. Nếu có kính chắn gió, kính phải chịu lực tốt, không gây biến dạng hình ảnh. Kính trong suốt phải truyền sáng tối thiểu 85%, kính màu nhạt ít nhất 50% và chỉ được sử dụng ban ngày.
Ngoài ra, một số mũ được thiết kế thêm lỗ thông gió và khe nghe để tăng sự thoải mái.
Quy định mới về số người được chở trên xe máy
Song song với những thay đổi về MBH, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15, cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, mang đến những điều chỉnh trong quy định về số người được phép chở trên xe máy. Theo luật mới, người điều khiển xe mô tô hai bánh hoặc xe gắn máy chỉ được phép chở một người.
Tuy nhiên, luật đã mở rộng các trường hợp được phép chở tối đa hai người, bao gồm:
(Ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên, có thể chở tối đa hai người trong các trường hợp sau:
- Chở người bệnh đi cấp cứu;
- Áp giải người vi phạm pháp luật;
- Chở trẻ em dưới 12 tuổi;
- Chở người già yếu hoặc người khuyết tật.
So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy định mới này được đánh giá là nhân văn hơn, phù hợp hơn với thực tế đời sống và các nhu cầu di chuyển đặc thù của người dân, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn giao thông.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)