Vì sao cần tiến hành nghi lễ tạ mộ cuối năm?
Người Việt từ xưa có câu “Sống cái nhà, chết cái mồ”. Người Việt coi trọng mộ phần, coi đây là nhà của người đã khuất.
Cứ mỗi khi năm hết Tết đến, người ta cần sửa sang, quét dọn nhà cửa cho khang trang đẹp đẽ để đón Tết, thì đối với mộ phần của người thân cũng cần được sửa sang như vậy. Vì thế, các gia đình thường duy trì tục lệ đi tạ mộ cuối năm.
Ý nghĩa lễ tạ mộ cuối năm là nhớ ơn tổ tiên, mời người thân đã khuất về ăn Tết. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường cố gắng trở về cố hương vào dịp này để tạ mộ, sum họp với gia đình.
Đây cũng là cách để con cháu cảm ơn thần linh, thổ địa khu vực có mộ phần suốt thời gian qua đã chiếu cố cho người thân của mình. Việc này tương tự như con cháu làm lễ tạ thần linh, thổ địa gia tiên, tiền chủ nơi nhà đang sống dịp cuối năm.
Ảnh minh họa.
Theo quan niệm dân gian, sở dĩ có lễ tạ mộ vào dịp cuối năm không chỉ đơn giản là cúng lễ tạ “các cụ” nhà mình, mà nên hiểu đủ là tạ ơn phật thánh, quan thần linh bản địa, chư vị tôn thần… đã cho các cụ nương nhờ mảnh đất đó. Nhờ vậy các cụ mới dễ dàng "đi về" mà phù hộ cho con cháu sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt.
Người Việt ta có tín ngưỡng tâm linh, tin tưởng sâu sắc vào mối liên kết đặc biệt giữa 2 phần Âm - Dương. "Âm siêu, Dương thái", nếu như chăm sóc tốt phần Âm thì sẽ được ông bà tổ tiên phù hộ, còn nếu thờ cúng bê trê, bỏ bê chăm sóc mộ phần thì người cõi trần có thể phải gánh chịu những hậu quả nặng nề khi không được tổ tiên che chở.
3 ngày linh nhất trong tháng Chạp 2024 đi tạ mộ cuối năm
Trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp năm Giáp Thìn này, có 3 ngày linh thiêng, rất đẹp để tiến hành nghi lễ tạ ơn, mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu này. Đó là các ngày 23, 26 và 28 âm.
Chi tiết về ngày thiêng, khung giờ đẹp, tuổi kỵ đi tạ mộ cuối năm Giáp Thìn 2024 như sau:
• 23 tháng Chạp (22/1/2025). Giờ tốt: 5h-7h; 11h-13h; 13h-15h;17h-19h. Tuổi kỵ: Quý Dậu, Kỷ Dậu, Ất Sửu, Ất Mùi.
• 26 tháng Chạp (25/1/2025). Giờ tốt: Chấp 5h-7h; 11h-13h; 13h-15h;17h-19h. Tuổi kỵ: Mậu Tý, Nhâm Tý, Canh Dần.
• 28 tháng Chạp (27/1/2025). Giờ tốt: 7h-9h; 9h-11h; 13h-15h. Tuổi kỵ: Giáp Dần, Nhâm Dần, Nhâm Thân, Nhâm Tuất, Nhâm Thìn.
Ảnh minh họa.
Lưu ý các ngày trong khoảng thời gian từ 20 đến 30 tháng Chạp năm Giáp Thìn 2024:
Các ngày 21 và 29 tháng Chạp âm là ngày bình thường, không tốt cũng không xấu. Nếu không sắp xếp đi tạ mộ đúng 3 ngày đẹp kể trên, bạn cũng có thể cân nhắc lựa chọn 1 trong 2 ngày này.
Các ngày 22, 24, 25 và 27 tháng Chạp 2024 là ngày xấu (vì đều rơi vào ngày Tam Nương, Sát Chủ hoặc Không Vong), nên tránh đi tạ mộ.
Lưu ý quan trọng:
Không nên tiến hành nghi thức đi lễ tại mộ cuối năm Giáp Thìn 2024 khi trời đã tối - đặc biệt là sau giờ Dậu (19h - 21h).
Theo quan điểm người xưa đây là thời điểm âm khí vượng, dễ khiến cho sức khỏe con người bị ảnh hưởng xấu, gây ra các hiện tượng đau đầu, mệt mỏi hoặc tinh thần bất ổn. Nên chọn thời gian đi tạ mộ khi trời còn sáng, có nắng càng tốt.
Kiêng kỵ khi đi tạ mộ cuối năm
Dưới đây là những điều kiêng kỵ tạ mộ cuối năm mà ai cũng cần ghi nhớ để tránh bất kính với tổ tiên, ông bà.
• Ở nghĩa trang có nơi thờ Thần linh, Thổ địa riêng thì nên bày lễ 2 nơi, tùy theo phong tục địa phương mà có điều chỉnh thích ứng. Nhưng tránh dâng cúng những đồ sát sinh trong lễ cúng tâm linh.
• Tạ mộ vào giờ nào tùy vào điều kiện, thời tiết thuận lợi, và sức khỏe cho phép. Nhưng tốt nhất nên chọn ngày tạnh ráo, ấm áp, tránh ngày mưa rét, sấm chớp.
• Tránh đi tạ mộ quá sớm hay quá muộn. Bởi thời điểm này âm khí nặng nề, không tốt cho sức khỏe.
• Nghi lễ tạ mộ không nên làm linh đình, tốn kém để khoe mẽ. Cũng không nặng về hình thức, đốt vàng mã lớn kiểu mê tín.
Ảnh minh họa.
• Tuyệt đối không cười đùa, cợt nhả, cãi cọ, đánh chửi nhau khi đi làm lễ.
• Kiêng kỵ việc ăn đồ cúng ở nghĩa trang, vì dễ bị lạnh bụng, ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa (chưa kể đến vấn đề tần số tâm linh).
• Kiêng kỵ việc nô đùa, ngồi lên những ngôi mộ vì bị coi là bất kính.
• Kiêng việc ngồi thiền, tập dưỡng sinh, thể dục ở đó vì uế khí dễ xâm nhập vào cơ thể.
• Đi tạ mộ về, nên hơ lửa hoặc tắm nước gừng để thanh lọc các trược khí, âm khí bám vào người và quần áo…
(*)Thông tin trong bài mang tính tham khảo.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)