Bàn thờ luôn là nơi linh thiêng nhất trong ngôi nhà nên trong quá trình dọn nhà cuối năm, gia chủ thường rất chú trọng đến khu vực này.
Trong đó, bát hương là vật phẩm quan trọng trên bàn thờ. Vật này được coi là thứ tạo nên sinh khí, tụ lộc, nơi kết nối tâm linh giữa tổ tiên và con cháu. Bát hương cũng là nơi gửi gắm các ước nguyện về cuộc sống may mắn, bình an, mong bề trên che chở.
Tùy theo văn hóa và quan niệm, gia đình có thể chọn dùng 1 bát hương, 3 bát hương hay nhiều hơn. Thông thường, trường hợp dùng 3 bát hương là phổ biến nhất. Trong đó, bát ở giữa có kích thước lớn nhất thờ Quan thần linh; hai bát hai bên nhỏ hơn, nhìn từ ngoài vào, bát bên phải thờ gia tiên, bát bên trái thờ bà Cô, ông Mãnh.
Kiêng kỵ về bát hương trên bàn thờ gia chủ nên biết:
Tránh dịch chuyển bát hương
Sau khi bốc bát hương, gia chủ cần đặt bát hương ở vị trí cố định ở trung tâm bàn thờ. Mặt nguyệt của bát hương sẽ quay ra ngoài. Trong quá trình thờ cúng, tuyệt đối không xê dịch.
Bát hương được coi là nơi ngự của thần linh và gia tiên nên nếu bát hương bị xê dịch thường xuyên thì linh khí trên bàn thờ sẽ bị ảnh hưởng.
Trong quá trình lau chùi bát hương, gia chủ cần sử dụng khăn sạch, nước sạch, lau nhẹ nhàng và không làm xê dịch bát hương.
Không dùng bát hương sứt mẻ
Bát hương là tụ khí, tụ phúc, mang lại sự êm ấm cho gia đạo. Do đó, bát hương cần được giữ sạch sẽ, trang nghiêm. Khi bát hương bị sứt mẻ, nứt vỡ, gia chủ nên thay mới ngay.
Không dùng bát hương bằng đá
Bát hương có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau. Tuy nhiên, với việc thờ cúng trong gia đình, gia chủ nên tránh sử dụng bát hương bằng chất liệu đá. Bát hương đá thích hợp để thờ ở đình chùa. Bát hương ở gia đình cần sự ấm cúng, tụ khí vì vậy các chất liệu khác ngoài đá sẽ phù hợp hơn.
Với quy mô thờ cúng trong gia đình, gia chủ có thể chọn bát hương bằng gốm sứ hoặc đồng...
* Thông tin mang tính chất tham khảo
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)