Cách thức cúng ông Công ông Táo
Để cúng ông Công ông Táo về chầu trời, các gia đình cần chuẩn bị 3 con cá chép đỏ và thả vào chậu nước, đặt cạnh mâm cỗ. Cá chép ở đây mang ý nghĩa là “cá chép hóa rồng” để đưa ông Công ông Táo về chầu trời.
Gia chủ cần chuẩn bị văn khấn ông Công ông Táo đầy đủ và chuẩn nhất. Sau khi khấn xong, hương cháy được 2/3 thì đem vàng mã ra hóa, khi cháy hết thì đổ 3 chén rượu vào tro. Cuối cùng thì mang cá chép ra hồ để phóng sinh.
3 điều không nên khi cúng Táo quân
Về những điều không nên khi cúng Táo quân, các chuyên gia phong thủy cũng lưu ý 3 điều sau:
Tránh cúng tiền âm phủ, đốt mã quá nhiều
Theo quan niệm dân gian, các Táo ở đây chỉ gồm 2 Táo ông và 1 Táo bà. Điều này lý giải vì sao các gia chủ cần chuẩn bị đủ 3 bộ mũ áo vàng mã cho 3 vị, nhưng tránh đốt mã quá nhiều gây lãng phí không cần thiết.
Tránh xin tài lộc khi cúng Táo Quân
Theo tích xưa, Táo quân về trời nhằm báo cáo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong năm của gia chủ với Ngọc Hoàng, gồm cả việc tốt lẫn việc xấu. Bởi vậy với nghi thức này, ta chỉ nên thành tâm cúng lễ, hoan hỷ khép lại chuyện cũ, hướng tới những điều khởi sắc hơn vào năm mới.
Tránh phóng sinh cá chép sai cách
Cá chép cúng ngày 23 tháng Chạp được quan niệm như phương tiện giúp các vị Táo quân về trời. Điều này cũng mang tính tâm linh, chúng ta tránh tùy tiện khi phóng sinh gây ra những hệ lụy không hay.
Khi phóng sinh thả cá, ta cần chọn nơi nước sạch, nơi cá có thể tiếp tục sinh tồn, tránh xa nơi xú uế, ô nhiễm, tù túng. Ngoài ra, cũng cần lựa nơi gần mặt nước, tránh thả cá từ trên cao, khiến cá dễ bị chết. Đặc biệt, tránh việc thả cả túi nilon đựng cá, gây hệ quả xấu về môi trường.
Hóa vàng mã cúng ông Công ông Táo cho đúng cũng là điều các gia đình cần phải lưu ý. Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn 2/3 là có thể xin phép hạ lễ hoá vàng, thả cá chép ra ao, sông… để ông Táo lên chầu Trời.
* Thông tin trong bài mang tính chất tham khảo
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)