Con người là loài động vật “kỳ lạ” theo nhiều cách. Những khả năng đặc biệt của loài người, chẳng hạn như bộ não lớn và ngón tay cái đối nghịch đã cho phép chúng ta thay đổi thế giới của mình một cách đáng ngạc nhiên và thậm chí vượt ra khỏi không gian hành tinh ta đang sống.
1. Nói chuyện
Có thể nói con người là loài động vật thich "buôn dưa lê" nhất. Nhưng tại sao loài vượn, họ hàng gần nhất của chúng ta lại không thể nói chuyện như chúng ta? Trong khi đó, các nghiên cứu so sánh đã phát hiện ra rằng hình dạng và chức năng của thanh quản khá giống nhau ở các loài linh trưởng, bao gồm cả con người.
Câu trả lời cho sự khác biệt này nằm ở bộ não của con người.
Một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Frontiers in Neuroscience cho thấy, các loài linh trưởng thường có âm vực rộng hơn khi hai đặc điểm của não, bao gồm các khu vực liên kết vỏ não kiểm soát tự nguyện đối với hành vi và các thân trung tâm não liên quan đến việc kiểm soát các cơ chi phối quá trình tạo ra giọng nói - lớn hơn. Ở người, những đặc điểm này lại lớn hơn nữa so với các loài linh trưởng khác.
Đồng nghiên cứu của báo cáo trên - Jacob Dunn, phó giáo sư Sinh học tiến hóa tại Đại học Anglia Ruskin (Anh) viết: “Nói một cách dễ hiểu, các loài linh trưởng có vùng liên kết vỏ não lớn hơn có xu hướng tạo ra nhiều âm thanh hơn”. Các yếu tố khác, chẳng hạn như di truyền và giải phẫu của đường thanh quản cũng có thể có ảnh hưởng tới giọng nói.
2. Tư thế đứng thẳng
Con người là duy nhất trong số các loài linh trưởng có thể đứng thẳng vì phương thức vận động chính của chúng ta là đi đứng hoàn toàn.
Cách di chuyển này giải phóng đôi tay của chúng ta để có thể sử dụng các công cụ. Tuy nhiên, những thay đổi trong khung xương chậu giúp chúng ta di chuyển bằng hai chân, kết hợp với những em bé trong bụng có bộ não lớn (khi phụ nữ mang thai) khiến việc sinh nở của con người trở nên nguy hiểm hơn so với phần còn lại của thế giới động vật.
Không giống như các loài linh trưởng khác, con người có một đường cong thắt lưng ở phía dưới lưng, giúp chúng ta giữ thăng bằng khi đứng và đi lại, nhưng nó cũng khiến chúng ta dễ bị đau và căng ở lưng dưới, theo Live Science.
3. Ít lông hơn
Con người trông khá "trần trụi" so với những “người anh em” họ vượn.
Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là trung bình da người có chứa số lượng nang lông tương đương với da của tinh tinh, theo một nghiên cứu năm 2018 trên Tạp chí Sự tiến hóa của loài người cho thấy. Chỉ là con người thường có những sợi lông mỏng hơn, ngắn hơn và nhẹ hơn trên hầu hết cơ thể so với các loài linh trưởng khác.
Tại sao con người lại chỉ có một “bộ lông” ngắn, mỏng gần như không thể nhìn thấy? Quay về quá khứ 2 triệu năm về trước, một sự thích nghi đã khiến các thành viên thuộc giống ngườ Homo thu nhỏ lông trên cơ thể trong khi một sự thích nghi khác đã làm tăng số lượng tuyến mồ hôi, đặc điểm mà hầu hết các loài động vật có vú chỉ có ở lòng bàn tay và lòng bàn chân của chúng.
Những thay đổi này giúp người Homo dễ dàng giải phóng nhiệt độ khi di chuyển nhiều vì khả năng đặc biệt có thể đổ nhiều mồ hôi.
Nếu con người được bao phủ bởi một lớp lông dày, giống như loài vượn, mồ hôi sẽ phủ lên lông, điều này khiến mồ hôi khó bay hơi hơn, đó là cách mồ hôi làm mát chúng ta. Đây là một điều tốt khi chúng ta có một bộ lông thu nhỏ.
4. Quần áo
Tất cả chúng ta đều mặc quần áo, nó đã trở thành một điều đương nhiên nhưng đây cũng là đặc điểm khiến chúng ta trở thành độc nhất trong thế giới động vật.
Một báo cáo vào năm 1998 cho thấy một con tinh tinh hoang dã đã đeo một chiếc “vòng cổ” được làm từ thức ăn thừa của một con tinh tinh khác đã chết. Trong khi một con tinh tinh bị nuôi nhốt ở Zambia đã bắt đầu đeo “bông tai” bằng cỏ - một xu hướng thời gian đã ảnh hưởng đến những con tinh tinh khác cùng khu vực.
Tuy nhiên, những món đồ này không thể so sánh với các yếu tố như quần áo của con người. Con người cũng đã phát minh ra quần áo cho động vật, nhưng sự thật thì không phải lúc nào chúng cũng thích mặc quần áo.
5. Bộ não phi thường
Không nghi ngờ gì nữa, đặc điểm khiến chúng ta đặc biệt nhất với thế giới động vật chính là bộ não phi thường. Một trong những vùng não được đánh giá cao nhất của con người là vỏ não; nó chiếm hơn 80% khối lượng não và được cho là chứa 100 tỷ tế bào thần kinh, theo một nghiên cứu năm 2009 trên tạp chí Frontiers in Human Neuroscience.
Vỏ não liên quan đến tư duy phức tạp cao hơn, chẳng hạn như ra quyết định, kiểm soát điều hành, điều chỉnh cảm xúc và ngôn ngữ. Mặc dù bộ não của con người chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể, nhưng nó tiêu thụ hơn 25% năng lượng tổng thể của cơ thể chúng ta, một nghiên cứu năm 2018 trên Tạp chí Sự tiến hóa của loài người cho thấy.
Con người không có bộ não lớn nhất trên thế giới (kỷ lục này thuộc về cá nhà táng). Bộ não của con người, chỉ nặng khoảng 1,3 kg ở người lớn nhưng lại cho chúng ta khả năng phân tích và suy nghĩ vượt xa khả năng của phần còn lại của thế giới động vật.
6. Bàn tay
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, con người là động vật duy nhất sở hữu ngón tay cái đối nghịch nhưng thực tế thì hầu hết các loài linh trưởng đều vậy. Thậm chí, không giống như con người, loài vượn còn có những ngón chân cái đối nhau trên bàn chân của chúng.
Điều khiến con người trở nên đặc biệt là cách chúng ta có thể đưa ngón cái chạm đến khắp bàn tay, đến cả ngón áp út và ngón út. Nói cách khác, ngón cái đối nghịch của chúng ta dài hơn nhiều so với ngón cái của các loài linh trưởng khác, theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ (AMNH) ở New York, Hoa Kỳ.
Ngón tay cái dài và khả năng dễ dàng chạm vào các ngón tay khác giúp chúng ta có thể cầm nắm và thao tác một cách chắc chắn các đồ vật. Chúng ta cũng có khả năng kiểm soát các cơ tốt, nghĩa là chúng ta có thể thực hiện các hoạt động đa dạng bằng tay, chẳng hạn như ném một quả bóng hoặc cầm bút để ký tên,...
7. Dùng lửa
Khả năng kiểm soát lửa của con người mang lại sự khác biệt quan trọng, giúp tổ tiên của chúng ta nhìn thấy thế giới vào ban đêm và ngăn chặn những kẻ săn mồi vào ban đêm.
Hơi ấm của ngọn lửa cũng giúp mọi người giữ ấm trong thời tiết lạnh giá, giúp chúng ta có thể sống ở những nơi siêu băng giá.
Và đương nhiên, lửa giúp chúng ta nấu chín thức ăn, điều mà một số nhà nghiên cứu cho rằng đã ảnh hưởng đến sự tiến hóa của con người - thức ăn nấu chín dễ nhai và tiêu hóa hơn, có thể đã góp phần làm giảm kích thước răng và ruột của con người.
Có bằng chứng cho thấy con người biết dùng lửa từ cách đây 1 triệu năm về trước, nhưng bằng chứng khảo cổ cũng cho thấy việc dùng lửa trở nên phổ biến hơn ở châu Phi, châu Á, châu Âu và Trung Đông khoảng 400.000 năm trước, theo Live Science.
8. Đỏ mặt
Con người là loài duy nhất có thể đỏ mặt, một hành vi mà nhà khoa học nổi tiếng Charles Darwin gọi là “hành vi kỳ lạ nhất và giống con người nhất trong tất cả các đặc điểm”.
Đỏ mặt là hiện tượng biểu lộ cảm xúc tự nhiên ở con người. Chúng ta đỏ mặt khi rơi vào trạng thái căng thẳng hoặc xấu hổ là do tác động của hormone adrenaline.
Từ góc độ tiến hóa, có lẽ đỏ mặt báo hiệu rằng ai đó đã làm sai nhưng đang thừa nhận sai lầm của họ để tránh đối đầu. Ray Crozier, giáo sư của Trường Khoa học Xã hội thuộc Đại học Cardiff, (Anh) nói với BBC rằng nó cũng có thể là một chỉ số về trí tuệ cảm xúc (EQ).
Ông Crozier nói: “Điều kiện tiên quyết cho sự bối rối là có thể cảm nhận được cảm giác của người khác - bạn phải có sự đồng cảm, thông minh với hoàn cảnh xã hội”.
9. Tuổi thơ dài
Chúng ta thường được hưởng sự chăm sóc của cha mẹ lâu hơn nhiều so với các loài linh trưởng khác. Ví dụ, thời gian để con người trưởng thành kéo dài gần gấp đôi thời gian trưởng thành của loài tinh tinh.
Câu hỏi đặt ra là tại sao con người hiện đại lại mất quá nhiều thời gian để trưởng thành, trong khi nó có thể có ý nghĩa tiến hóa hơn nếu chúng ta có thể đẻ nhiều con cái hơn? Lời giải thích có thể là bộ não lớn của chúng ta, đặc biệt là số lượng tế bào thần kinh vỏ não cao.
Các động vật khác có số lượng lớn các tế bào thần kinh trong vỏ não, chẳng hạn như một số loài chim và động vật có vú, cũng có tuổi thơ dài và tuổi thọ kéo dài, theo một nghiên cứu năm 2018 trên Tạp chí So sánh Thần kinh học cho thấy.
“Sự chậm trễ cũng mang lại cho những loài có nhiều tế bào thần kinh ở vỏ não có nhiều thời gian hơn để học hỏi kinh nghiệm, khi chúng tương tác với môi trường”, trích từ nghiên cứu trên.
10. Tồn tài một thời gian dài sau khi ngừng sinh sản
Hầu hết các loài động vật sinh sản cho đến khi chúng chết, việc sinh sản ở đây bao gồm cả vai trò của con đực.
Có thể bạn chưa biết, trong các cá thể thuộc loài Chuột Antechinus, con đực sẽ “điên cuồng” giao phối đến khi chúng chết, chúng chỉ có một mục tiêu là các bạn tình đẻ được nhiều con của nó càng tốt. Đó là lý do vì sao sau mùa sinh sản thì số lượng loài này giảm rõ rệt.
Ngoài ra, cũng có trường hợp con đực chết ngay sau khi giao phối và con cái chết sau khi chăm sóc trứng của chúng như loài bạch tuộc chẳng hạn.
Tuy nhiên, ở người, chúng ta có thể sống rất lâu sau khi ngừng sinh sản. Điều này có thể là do các mối quan hệ xã hội của con người. Trong các gia đình nhiều thế hệ, ông bà có thể giúp đỡ con cái chăm sóc các cháu một thời gian dài khi họ đã bước qua tuổi mà bản thân họ có thể có con.
Cái gọi là “hiệu ứng bà ngoại” là có thật (việc ông bà phụ giúp chăm sóc con cháu đã kích thích phần nào ý muốn sinh con ở người trẻ cũng như tăng tỷ lệ sống sốt cho trẻ nhỏ sau khi sinh).
Một nghiên cứu năm 2009 trên tạp chí Current Biology phân tích về các ca sinh và tử vong trong khoảng thời gian từ năm 1731 đến năm 1890 ở Phần Lan cho thấy, trẻ sơ sinh có cơ hội sống sót cao hơn nếu bà của chúng có tuổi thọ từ 50-75 tuổi.
Thanh Ngọc (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)