Dúi má đào là một trong số những loài chuột lớn, một loài gặm nhấm trong họ Spalacidae. Loài này sinh sống ở Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đây là loài dúi lớn nhất, dài từ 40-50 cm, nặng từ 3-4 kg, ngang một con chó nhỏ hoặc một con mèo to. Chế độ ăn điển hình của dúi má đào bao gồm rễ tre, sắn và mía.
Anh Lê Văn Lâm - Chủ tịch hợp tác xã chăn nuôi và nhân giống bảo tồn động vật Thái Nguyên, cho biết dúi má đào là loài vật nuôi khó tính nhưng biết cách chăm sóc, con vật này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Lâm cho biết dúi má đào hiện bán giá 800.000 đồng/kg thương phẩm.
Theo anh, dúi giống và dúi thịt hiện rất được ưa chuộng, giá thành cũng khá cao. Dúi thịt bán ra thị trường giá từ 800.000 đồng/kg, loại này 1 con sẽ nặng khoảng 5-6kg. Còn giá dúi giống bán theo độ tuổi, thông thường dúi 5 tháng tuổi, đạt trọng lượng 1kg/con sẽ có giá 5 triệu đồng/cặp. Còn dúi sinh sản cần chăm sóc khoảng 10 tháng, chúng sẽ nặng khoảng 3-4kg. Loại dúi sinh sản thì cần phối 4 con đực và 6 con cái để đạt hiệu quả tốt nhất. Mỗi cặp dúi sinh sản sẽ có giá bán hơn 10 triệu.
Hợp tác xã của anh hiện tại có hàng nghìn con dúi, mỗi tháng xuất bán ra thị trường cả dúi giống và dúi thịt. Anh cho biết nguồn cung không đủ cầu nên có bao nhiêu cũng bán hết.
Dúi thương phẩm hay dúi giống có bao nhiêu cũng bán hết.
“Nhu cầu thị trường rất lớn, chúng tôi khi bán giống sẽ chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng liêt kết, bao tiêu đầu ra dúi thịt, dúi giống”, anh nói.
Nói về những lưu ý khi nuôi dúi, anh cho biết những người mới nuôi dúi cần chú ý xây dựng chuồng trại khép kín, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Nhiệt độ phát triển phù hợp từ 20 - 28 độ C, còn nhiệt độ dành cho dúi thương phẩm là từ 18 - 32 độ C. Dúi là loại động vật ăn ít, thức ăn rất dễ kiếm, sẵn có, chủ yếu là mía, ngô, thân cây tre. “Do giá thức ăn rẻ nên mọi người không nên tận dụng các loại thức ăn đã dập nát, mốc sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của con dúi", anh Lâm chia sẻ.
Theo đó, dúi cũng cần phải có kỹ thuật chăm sóc, để ý tới môi trường và nhiệt độ, thức ăn cho chúng.
Mỗi ngày dúi ăn hai lần là buổi sáng và buổi chiều, mỗi lần một khúc mía hoặc tre, không cho chúng ăn quá no, cũng không để chúng quá đói. Người nuôi con vật này cũng không cần phải để nước trong chuồng vì chúng không uống nước. Mỗi năm, dúi sẽ sinh sản hai lần, mỗi lần 4-5 con. Với số lượng này, một con mẹ sinh sản có thể mang lại giá trị đến 20 triệu đồng/năm cho người nuôi.
Giá trị kinh tế của con vật này cao nhưng anh Lâm cho biết vốn đầu tư cũng khá lớn. Đó cũng là trở ngại khiến nhiều gia đình không thể đầu tư nuôi loài vật này nên nguồn cung luôn không đủ cầu. Hiện, hợp tác xã của anh có hàng chục hộ nuôi. Có hộ nuôi nhiều nhất khoảng 200 con dúi, giá trị trại nuôi lên đến cả tỷ đồng.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)