Theo các học giả, những yếu tố giúp Võ Tắc Thiên lên được đỉnh cao quyền lực trong một xã hội trọng nam kinh nữ là nhan sắc chim sa cá lặn, tài năng tuyệt đỉnh, sự thông minh hơn người và lòng dạ ác nghiệt. Trong đó, nhan sắc và sự khôn khéo chính là yếu tố là bước đệm quan trọng nhất, khởi đầu cuộc đời “lừng lẫy” của Võ Tắc Thiên. Nhan sắc và khả năng thiện giải ý người đã giúp Võ Tắc Thiên làm được điều không tưởng, là vợ của cả cha và con. Điều vô tiền khoáng hậu này đã giúp bà trở thành Nữ vương duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Võ Tắc Thiên từ nhỏ đã là một cô bé thông minh lanh lợi, có tài ứng biến và hiểu biết hơn người. Cha bà thấy con gái có tố chất nhân tài nên đã dày công dạy dỗ. Điều này trở thành lợi thế giúp Võ Tắc Thiên hiểu việc đời và thông thuộc sử sách hơn hẳn những phụ nữ cùng thời. Mới chỉ 13 tuổi, nhưng Võ Tắc Thiên đã đọc qua rất nhiều sách. Bà cũng là người có trí nhớ đặc biệt tốt và có tài năng về thơ ca.
Năm Trinh Quan thứ 11, tức năm 637 công nguyên, Võ Tắc Thiên 14 tuổi đã được tuyển vào cung làm Tài Nhân do có nhan sắc vượt trội. Sau khi vào cung, Võ Tắc Thiên giỏi về mọi mặt, thiện giải ý người, thêm vào đó lại có nhan sắc, nên được Đường Thái Tông rất mến mộ và phong làm Mi Nương. Một thời gian sau, Thái Tông phát hiện Võ Tắc Thiên rất có học thức, thông hiểu lễ nghi nên đã điều vào ngự thư phòng hầu hạ việc nghiên bút. Sự thay đổi này là cơ hội để Võ Tắc Thiên tiếp xúc với công văn hoàng gia, nắm được một số việc lớn trong cung đình, được đọc các pho điển chương quý hiếm, khiến tầm nhìn càng thêm mở rộng và dần dần hiểu biết đường lối chính trị, quyền thuật chốn quan trường.
Năm 649 công nguyên, sau khi Đường Thái Tông băng hà, Võ Tắc Thiên và tất cả các cung phi được đưa vào chùa Cảm Nghiệp ở Tràng An làm ni cô. Lý Trị người con trai thứ 9 của Thái Tông lên nối ngôi, vì trước kia đã từng có gian díu với Võ Tắc Thiên, nên hai năm sau lại điều Võ Tắc Thiên vào cung phong làm Chiêu Nghi, hiệu Thần Phi. Từ đó, Võ Tắc Thiên bắt đầu lao vào cuộc tranh sủng với Vương hoàng hậu và Tiêu Thúc phi.
Tháng 10 năm Vĩnh Huy thứ 6, tức năm 655 công nguyên, Cao Tông ban chiếu phế bỏ Vương Thị, chính thức lập Võ Tắc Thiên làm Hoàng hậu. Từ đó, mọi quyền hành trong hoàng cung đều lọt vào tay Võ Tắc Thiên.
Năm Hiển Khánh thứ 5, tức năm 660 công nguyên, Đường Cao Tông mắc bệnh nhức đầu không nhìn rõ được vật gì, phải ủy thác Võ Tắc Thiên giúp xử lý chính sự. Từ đó, Võ Tắc Thiên chính thức tham gia chính sự và dùng nhiều thủ đoạn để chuyển từ tư cách tham chính chuyển sang chấp chính. Lúc này, Võ Tắc Thiên dù chưa phải người nắm quyền chính thức, nhưng bà là người giật dây toàn bộ thực quyền trong triều đình.
Từ năm Thượng Nguyên thứ nhất ,tức năm 674 công nguyên, Võ Tắc Thiên với danh nghĩa "Thiên Hậu" bắt đầu chấp chính. Trong 16 năm sau đó, Võ Tắc Thiên đã làm rất nhiều việc để chuẩn bị đoạt ngôi Hoàng đế. Trong đó có cả việc đầu độc con trai cả và phế truất 3 con trai thứ để lên ngôi vua.
Năm 690 công nguyên, Võ Tắc Thiên bước lên ngôi báu, đổi nhà Đường thành nhà Chu, tự hiệu "Thánh Thần Hoàng Đế", đổi Đông Đô Lạc Dương thành Thần Đô. Lúc này, Võ Tắc Thiên đã 67 tuổi và trở thành Nữ vương duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Theo Depplus.vn/MASK