Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, khoảng cách giàu nghèo không chỉ thể hiện qua lối sống, trang phục hay nơi ở, mà thậm chí đến cả… cách chết cũng khác nhau một trời một vực. Trong khi thường dân khi chọn cái chết chỉ có thể dùng đến những phương pháp đơn sơ như treo cổ, uống thuốc độc thảo mộc hay trầm mình dưới sông, thì giới quý tộc và nhà giàu lại có cách "ra đi" vừa kỳ lạ vừa tốn kém đó là: "thôn kim" - nuốt vàng để tự sát.
Trong xã hội phong kiến Trung Hoa, cái chết cũng mang màu sắc phân tầng giai cấp. Nếu người thường lặng lẽ ra đi, thì giới quý tộc lại chọn cách tự tử đầy "sang trọng" - nuốt vàng (Ảnh minh họa)
Thoạt nghe có vẻ kỳ lạ, vì vàng vốn là kim loại quý không độc. Ngày nay, vàng thậm chí còn được dùng để trang trí thực phẩm, chẳng hạn như lá vàng trong rượu champagne hay bánh ngọt. Vậy tại sao người xưa lại có thể chết khi nuốt vàng?
Theo y thư Bản Thảo Cương Mục của danh y Lý Thời Trân thời Minh, một loại "sinh kim" - vàng thô chưa qua tinh luyện có độc tính cao. Do kỹ thuật luyện kim thời xưa chưa hoàn hảo, trong vàng thường còn lẫn các tạp chất độc hại như thủy ngân, chì hay asen. Khi nuốt vào cơ thể, những chất này ngấm dần, gây ngộ độc và tử vong.
Ngoài yếu tố hóa học, cái chết còn đến từ "cơ học", tức là sự tổn thương vật lý do nuốt phải kim loại rắn, sắc nhọn như khuyên tai, nhẫn, trâm vàng... Khi đi vào đường ruột, các vật thể này không thể tiêu hóa, gây đau đớn, thủng nội tạng, xuất huyết và tử vong trong quằn quại.
Cũng có thuyết cho rằng vàng được tẩm sẵn độc dược, lợi dụng vẻ ngoài vô hại và sang trọng để che giấu cái chết. Người nuốt tưởng như ôm lấy vinh quang, nhưng thực chất là chọn một cái chết đầy dằn vặt.
Tác phẩm Hồng Lâu Mộng từng miêu tả bi kịch của nhân vật Uông Nhị Tỷ, người phụ nữ chịu nhiều uất ức trong tình yêu, cuối cùng chọn nuốt vàng để kết thúc cuộc đời. Hành động ấy không chỉ là tuyệt vọng, mà còn thể hiện một cách "đẹp đẽ" hóa cái chết theo quan niệm thẩm mỹ bi thương thời bấy giờ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nhiều trường hợp gọi là "thôn kim" thực ra không dùng vàng thật, mà là các kim loại khác như đồng hoặc sắt vốn phổ biến và dễ gây tổn thương hơn.
Dẫu bằng cách nào, "nuốt vàng tự tử" vẫn là một minh chứng kỳ lạ cho lối sống xa hoa, bi kịch tinh thần, và sự chênh lệch sâu sắc giữa các tầng lớp xã hội thời cổ đại. Ngay cả cái chết, với người giàu, cũng được tô điểm bằng ánh sáng lấp lánh của kim loại quý giá.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)