Chân dung "góa phụ đen" chuyên giết chồng và con.
Bên ngoài một ngôi nhà bình thường trong làng Durham, Tây Auckland có vẻ yên tĩnh và không có gì khác biệt so với những ngôi nhà xung quanh đó. Nhưng bên trong ngôi nhà lại ẩn chứa cả một quá khứ kinh hoàng.
Số nhà cũ đã được thay đổi, có thể vì những người sinh sống ở đó không muốn tội ác xảy ra trong căn nhà cách đó hàng trăm năm trở thành cái dớp cho các thế hệ về sau. Trong tâm trí của những người dân tò mò nhất ở nơi đây, cũng chỉ còn vài người biết về Mary, hầu như những gì thuộc về kẻ giết người này đều bị xóa sạch trong lịch sử.
Đây từng là ngôi nhà của Mary Ann Cotton – kẻ giết người hàng loạt đầu tiên của nước Anh. Đây là nơi bà đã gây ra tội ác với nạn nhân cuối cùng, và cũng là nơi bà đã bị bắt, và sau đó bị hành quyết tại nhà tù Durham vào tháng 3/1873.
Rất ít người biết về kẻ giết người thường được gọi là “góa phụ đen” này. Bà là một người vợ, một góa phụ, một người mẹ, một người bạn và là một y ta nhưng lại giết ít nhất là 21 người. Hai thập kỷ trước khi Jack Máy Xẻ tấn công các khu phố ở London, Mary Ann Cotton đã là một cỗ máy giết người, với danh sách nạn nhân dài dằng dặc, gồm có: 8 người con đẻ của bà, 7 người con riêng của chồng, mẹ đẻ của bà, ba người chồng, một tình nhân và một người bạn.
Một người phụ nữ đáng lý phải trở thành một tượng trưng cho tội ác thì nay chỉ là còn là nhân vật trong câu hát dọa đám trẻ con khi đi ngủ. “Hát lên nào, ôi tôi có thể hát về điều gì? Mary Ann Cotton đang bị treo cổ bằng sợi thừng”.
Mary Ann sinh năm 1832 tại Low Moorsley, một ngôi làng nhỏ gần thị trấn Hetton-le-Hole. 20 năm sau, bà kết hôn với một công nhân mỏ than là William Mowbray. Đến năm 1860, vợ chồng Marry Ann chuyển tới vùng Đông Bắc, và cũng tại nơi đây, chuỗi thảm sát bắt đầu.
Một giả thiết đặt ra cho việc giết người không ngừng này là, Mary Ann muốn tìm một người đàn ông có thu nhập ổn định, sống với họ cho tới chừng nào cảm thấy chán thì giết. Những đứa trẻ - không ai rõ chính xác là bao nhiêu – đều bị sát hại một cách nhẫn tâm.
Chất độc mà Mary Ann lựa chọn là thạch tín. Trong suốt nhiều thế kỷ, thạch tín là chất độc mà nhiều kẻ giết người ưa dùng. Vì chất độc này tan ra trong các loại đồ uống, lại có sẵn ở nhiều cửa hàng. Mặc dù lúc này các nhà chức trách đã ban hành lệnh kiểm soát việc bán thạch tín, nhưng vẫn có nhiều cửa hàng bán loại hóa chất này, dưới dạng “xà phòng mềm” để tẩy rửa trong gia đình.
Lý do thứ ba khiến cho Mary Ann lựa chọn thạch tín là vì bà hiểu rõ, triệu chứng khi nhiễm độc là nôn mửa, tiêu chảy và mất nước. Một bác sĩ bận rộn và không chút ngờ vực thường có xu hướng chuẩn đoán các triệu chứng này là các bệnh liên quan tới đường ruột – đặc biệt là với các bệnh nhân nghèo và thiếu dinh dưỡng; chứ không mảy may nghi ngờ rằng đây là một vụ mưu sát.
Nơi hành quyết Mary Ann Cotton
Theo các giấy chứng tử và mai tang, tất cả các nạn nhân của bà đều chết vì bệnh liên quan tới dạ dày. Và dường như bà cũng thành công trong việc đóng vai một người vợ đau khổ, một người mẹ bất lực khi bảo vệ chồng và con mình. Nhưng cũng chính điều này đã khiến cho việc tìm hiểu chính xác số người mà Mary Ann đã giết hại.
Marry Ann sinh ra 4 người con với William Mowbray. Ba trong số 4 đứa trẻ đã chết từ sớm. William chết năm 1865, và để lại cho Mary Ann 35 bảng tiền bảo hiểm, tương đương với 6 tháng lương. Với số tiền này, Marry Ann chuyển về Cảgn Seaham để được sống gần với người tình là Joseph Nattrass. Nattrass đi đâu, Marry theo đến đó. Nhưng cuối cùng thì Nattrass cũng trở thành nạn nhân của Mary.
Mary trở thành y tá tại bệnh viện Sunderland, và gặp George Ward – một bệnh nhân tại đây. Hai người sau đó kết hôn và George trở thành chồng thứ hai của Mary. Chưa đầy một năm sau, George chết và lại để cho Mary một khoản tiền bảo hiểm.
Giờ thì trong tình cảnh gái một con, Mary Ann quả là ứng viên hoàn hảo cho vị trí giúp việc cho người đàn ông góa vợ James Robinson ở Sunderland. Mary nhận công việc này vào tháng 11/1866 và chỉ sau đó vài tuần, đứa con của Robinson qua đời.
Robinson đã tìm đến Mary giải khuây và khiến cô mang bầu. Nhưng mẹ của Mary bị ốm và cô đã đến chăm sóc mẹ. Chỉ 9 ngày sau khi Mary trở về nhà, mẹ cô qua đời. Sau đó thì đứa con gái riêng của Mary là Isabella cũng qua đời. Hai đứa con riêng khác của Robinson cũng lần lượt ra đi. Ba đứa trẻ được chôn cất vào hai tuần cuối của tháng 4/1867.
Bốn tháng sau đó, Robinson cưới Mary Ann. Con riêng của hai người là Mary Isabella sinh ra vào tháng 11 cũng sớm qua đời vào tháng 3 năm sau đó. Robinson là người quá may mắn khi không trở thành nạn nhân của Mary. Ông nghi ngờ khi Mary yêu cầu khoản tiền bảo hiểm nhân thọ của ông và phát hiện ra vợ mình có một món nợ lên tới 60 bảng. Sau đó, Robinson đã tống cổ Mary ra khỏi nhà.
Nhưng không lâu sau đó, Mary lại tìm được một người đàn ông khác nhờ có người bạn là Margaret Cotton giới thiệu cho người anh trai tên là Frederick. Margaret chăm sóc anh trai và hai người con của anh. Nhưng rồi, Margaret đã mất năm 1870 vì chứng đau dạ dày, và khu rửa than của anh em nhà Margaret rơi vào tay của Mary.
Cuộc hôn nhân giữa Mary và Frederick đã mang lại cho họ cậu con trai tên là Robert, sinh năm 1871. Cuối tháng 12 năm đó, Frederick chết. Tất nhiên, khoản tiền bảo hiểm nhân thọ của ông cùng với các con ông đều rơi vào tay Mary. Ngay sau đó, Nattrass – người tình lâu năm của Mary – chuyển đến sống cùng bà.
Tuy nhiên, Mary tìm được công việc làm y tá cho một viên chức tên là John Quick-Manning. Mary sau đó mang thai với ông này (con gái của hai người được sinh ra trong thời gian Mary ngồi tù chờ thi hành án). Nhưng Mary vẫn thấy phiền hà với lũ trẻ của bà trong cuộc hôn nhân thứ ba. Một trong số các con riêng của chồng bà đã mất vào tháng 3/1872, cậu con trai riêng của bà cũng mất không lâu sau đó. Ngay sau khi xem xét lại di chúc theo nguyện vọng của Mary, người tình Nattrass cũng lâm bệnh và qua đời vào tháng tư cùng năm.
Cuộc sống khó khăn cùng với khối lượng công việc nặng nhọc, thiếu ăn, đã tiếp tay cho âm mưu đen tối của “góa phụ” giết người không ghê tay Mary Ann. Trong khi đó, Mary lại là một y tá, nên bà biết rõ cách thức dàn dựng mọi chuyện êm xuôi. Nhưng, cái kim trong bọc không giấu được mãi, cuối cùng, tội ác của Mary đã bị vạch trần.
Mary Ann Cotton đã bị hành quyết vào ngày 24/3/1873 tại nhà tù Durham.
Vietnamnet