Cố gắng là điều vô cùng quan trọng nhưng đôi lúc lựa chọn còn quan trọng hơn cả sự cố gắng, nếu như lựa chọn sai phương hướng thì cho dù có cố gắng phấn đấu như thế nào thì cũng rất khó có thể thành công được. Hôn nhân cũng là một điều vô cùng quan trọng đối với phụ nữ, lấy được người chồng có ngoại hình xuất chúng, gia thế hiển hách chưa chắc đã hạnh phúc, quan trọng là nằm ở nhân phẩm và tiềm năng của họ, nếu không thì tương lai có hối hận cũng không kịp. Con người có thể tạm thời nghèo khó, chỉ cần chịu hy sinh, cố gắng phấn đấu, rồi cũng sẽ có một ngày đổi đời, cười lên và nói rằng: "Tôi của năm xưa, cô khinh thường, không coi ra gì. Tôi của bây giờ, cô có muốn cũng không thể với tới".
Thời cổ đại Trung Quốc có một cô gái con nhà giàu, vốn dĩ đã được hứa hôn cho Tú tài Đào Chú nhưng cô ta lại chê chàng chỉ là tên nhà nghèo, thà chết cũng không chịu lấy chàng. Khi ấy tỳ nữ bên cạnh cô lại nói: "Cô không lấy thì em lấy". Và thế là Đào Chú thành thân với tỳ nữ, sau này nhờ chăm chỉ học hành đã thi đỗ Tiến sĩ, được triều đình bổ nhiệm làm Tổng đốc Lưỡng Giang, còn cô tỳ nữ năm nào nay đã trở thành Tổng đốc phu nhân.
Đào Chú sinh ra trong một gia đình bình thường ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Gia cảnh cũng chẳng khá giả gì, cũng có một vài mảnh ruộng, phụ thân là thầy giáo trong thôn, mẫu thân tuy không biết chữ nhưng cũng được coi là hiền lương thục đức. Đào Chú thuở nhỏ cũng rất ham chơi, trèo cây bắt tổ chim, xuống sông mò cua bắt cá cũng là những việc mà ông thường làm. May thay phụ thân ông kịp thời dạy dỗ, định hướng khiến ông đã ngày càng yêu thích học hành.
Đào Chú vốn thông minh lanh lợi, thêm vào sự bồi dưỡng tận tình của phụ thân, sự nghiệp học hành của ông tiến bộ nhanh chóng, thơ Đường, từ Tống, tứ thư ngũ kinh đều thuộc làu làu. 16 tuổi thi đỗ Tú tài, trở thành thanh niên tài năng trong mắt của mọi người trong thôn. Cùng năm ấy, địa chủ họ Hoàng của làng bên nhờ bà mối tới nhà Đào Chú hỏi cưới, mong muốn có thể chiêu mộ Đào Chú trở thành con rể của mình. Tuy điều kiện hai nhà có sự chênh lệch không nhỏ, môn không đăng, hộ không đối, nhưng ông cho rằng Đào Chú trong tương lai có tiềm năng rất lớn.
(Ảnh minh họa)
Địa chủ Hoàng cũng là người tư tưởng phóng khoáng, vào một ngày đẹp trời, ông đã sắp xếp cho con gái gặp mặt Đào Chú để hai người làm quen. Hoàng tiểu thư quả thực rất xinh đẹp, khí chất cũng hơn những cô gái bình thường khác rất nhiều, còn Đào Chú thì kích động tới nỗi không biết nói gì, rất hài lòng về hôn sự này. Hoàng tiểu thư cũng không ý kiến gì nên hôn sự đã được quyết định năm sau kết hôn.
Nửa năm sau ở quê của họ xảy ra hạn hán, ruộng vườn đất đai gần như chẳng thu hoạch được gì, chỉ có thể dựa vào số tiền dạy học ít ỏi của cha ông để nuôi cả nhà. Hoàng địa chủ chẳng nói gì nhưng con gái ông ta lại không hề vui vẻ, cho rằng nếu như gả cho Đào Chú thì sau này chắc chắn sẽ phải chịu khổ. Ăn sung mặc sướng từ nhỏ như cô ta không thể tưởng tượng ra cuộc sống sau này sẽ như thế nào. Có một lần, cô ta tự mình lên phố mua một ít son phấn, gặp được công tử nhà họ Lưu, người này ngoại hình cao lớn, tuấn tú, hơn nữa còn có gia cảnh ưu việt, Đào Chú hoàn toàn không thể sánh bằng.
(Ảnh minh họa)
Lưu công tử cũng phải lòng Hoàng tiểu thư, ánh mắt chạm nhau, cả hai cũng hiểu được lòng đối phương, cho dù cô ta biết Lưu công tử đã thành thân cũng không hề quan tâm, còn định là cho dù làm lẽ cũng còn được ăn sung mặc sướng, còn hơn là phải lấy tên khố rách áo ôm Đào Chú. Sau khi về nhà, Hoàng tiểu thư đã đưa ra đề nghị hủy hôn, còn định lấy cái chết ra để ép cha mình. Hoàng địa chủ cũng chỉ có một cô con gái là cô, bất lực đành phải hủy hôn với nhà họ Đào.
Bên cạnh Hoàng tiểu thư có 1 tỳ nữ, cực kỳ không đồng tình với cách hành xử của cô ta, trong suy nghĩ của tỳ nữ, Đào Chú là người rất đáng tin, chủ động tìm tới Đào Chú, nói rằng mình muốn gả cho chàng. Đào Chú cũng cảm thấy tỳ nữ rất tốt, ít nhất là đáng tin hơn Hoàng tiểu thư, vài ngày sau đó thì cả hai đã cử hành hôn lễ. Sau khi thành thân, cuộc sống tuy khó khăn nhưng tỳ nữ lại chẳng một lời oán trách, quán xuyến mọi việc trong nhà đâu vào đó, giúp chồng chuyên tâm học hành.
(Ảnh minh họa)
Đào Chú cũng cảm kích thê tử vô cùng, học hành càng chăm chỉ hơn trước, cuối cùng đã thi đỗ Tiến sĩ năm 23 tuổi, đầu tiên là đảm nhiệm công việc biên soạn tại viện hàn lâm, sau này được chuyển tới Phúc Kiến làm Tri phủ, Tuần phủ, năm 50 tuổi được bổ nhiệm làm Tổng đốc Lưỡng Giang. Còn Hoàng tiểu thư năm xưa lại khá thê thảm, luôn bị chính thất của Lưu công tử chèn ép, nhất là sau khi Lưu công tử qua đời càng bị hành hạ khổ cực hơn, ngày ngày chỉ chìm trong hối hận và tự trách, cuối cùng đã dùng một đoạn dây thừng để tự vẫn.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)