Ngày hội ngộ không nước mắt
Tháng 12/1954, bà Lâm Thị Phấn cùng chồng là Trần Hiến tập kết ra Bắc. Ở đây, bà đã sinh cho chồng một người con gái xinh xắn, kháu khỉnh. Đó chính là chị Trần Hồng Hạnh bây giờ. Chị cũng chính là người con gái duy nhất của Người đẹp Tây Đô với ông Trần Hiến. Cũng trong thời gian này, bà lấy bằng tốt nghiệp trường Đại học Kinh Tế và trường Tình Báo tại Liên Xô. Tháng 10/1962, cùng với việc xây dựng Trung ương cục miền Nam, bà lại được đưa vào Nam hoạt động tình báo. Từ đó, bà nhờ bên ngoại chăm sóc bé Hạnh mới vừa lên 2 tuổi. Cũng từ ngày ấy, bà mất hẳn liên lạc với người con gái còn thơ dại.
Gần 15 năm ròng xa mẹ, chị Trần Hồng Hạnh sống cùng ông ngoại Lâm Văn Phận ở miền Bắc. Hằng ngày, Hạnh chỉ biết đi học, thời gian rảnh rỗi thì quấn quýt lấy ông ngoại tìm vui. Có thể nói, từ lúc lên hai, Hạnh không hề biết mẹ là ai, còn cha thì luôn bận bịu với công tác cũng ít có thời gian bên chị. Hình ảnh về người mẹ trong tâm trí Hạnh chỉ là cái bóng rất mờ hiện lên trong trí tưởng tượng qua lời kể của ông và những người đồng đội từng công tác và chiến đấu cùng bà. Do vậy, ngoài giờ đi học, lúc nào chị cũng lẽo đẽo theo sau ông ngoại. Ôông Phận đi họp, đi vận động tăng gia sản xuất chị cũng đi theo. Mọi người thường nói vui rằng Bé Hạnh là cái đuôi của ông giáo Phận.
Chị Trần Hồng Hạnh - con gái người đẹp Tây Đô
Năm 1975, khi vừa tròn 15, lần đầu tiên Hạnh được nghe tin mẹ ra Hà Nội. Hôm ấy, khi đang học trong lớp, Hạnh nghe cô giáo báo tin và dặn: "Hạnh tí nữa ra trước cổng bệnh viện gặp mẹ em nhé". Nghe tin ấy, Hạnh nửa mừng nửa lo xen lẫn háo hức chờ đợi phút giây gặp lại mẹ sau mười mấy năm xa cách. Chị lo lắng không biết mẹ thế nào, làm sao nhận ra mẹ, liệu mẹ có giống trong cách tưởng tượng của mình không.
Giữa trưa trước cổng bệnh viện, một mình chị đứng dáo dác tìm mẹ. Nhìn xung quanh, Hạnh chỉ thấy toàn đàn ông. Mãi chị mới thấy một người phụ nữ rất cao, cao hơn cả những người đàn ông đang có mặt quanh chị. Bà có dáng người thanh nhã, mặt nghiêm nghị, đặc biệt trông rất có uy.
Lúc này, chị Hạnh bạo dạn tới gần người phụ nữ ấy và hỏi: "Bác có phải là mẹ của cháu không?". Người phụ nữ xinh đẹp ấy thoáng chút bỡ ngỡ, chậm rãi bước đến gần và nhìn chị. Kể đến đấy, chúng tôi thoáng thấy những nét cảm xúc trên đôi mắt rất đẹp của chị: "Kỹ năng tình báo đã thấm sâu vào tư tưởng của mẹ nên mặc dù đã cảm nhận được sự thân quen từ cô con gái vừa mới gặp lại, bà vẫn từ tốn hỏi han để xác định cho chính xác", chị kể.
Bà hỏi chị là cháu tên gì, mẹ cháu tên gì, cháu ở với ai?. Khi đã xác minh được chính xác đứa con gái ruột của mình đang đứng trước mặt, Người đẹp Tây Đô vội vàng ôm con gái vào lòng và khóc nức nở và nói trong nghẹn ngào rằng: "Bác là mẹ của con đây".
Quá đỗi bất ngờ, Hạnh đứng chôn chân ngơ ngác. Một cảm xúc có thể là hạnh phúc là vui mừng rộn lên trong tim chị, nhưng đôi mắt không rơi một giọt nước mắt nào. Trả lời việc này, chị thẳng thắn chia sẻ: "Ngày bé xem cải lương, xem phim ảnh thấy con gặp lại mẹ, mẹ con ôm nhau khóc nức nở. Chẳng biết sao lúc ấy chị không khóc được, có nhớ mẹ có mong mẹ đấy nhưng sự lạ lẫm nó lấn át, choáng hết tâm trí chị. Chị tròn mắt nhìn người mẹ mà chị luôn mong chờ đang đứng trước mặt, uy nghiêm, đĩnh đạc, niềm tự hào dâng lên dạt dào trong chị”.
Sau hôm hội ngộ ấy, ngày 5/5/1975, mẹ Phấn dẫn Hạnh theo đoàn quân giải phóng vào tiếp quản miền Nam Việt Nam. Và từ đó, chị ở lại miền Nam bên người mẹ, người phụ nữ vĩ đại sau 15 năm mới hội ngộ cho tới khi có những thành công như bây giờ.
Ấm áp mối tình đẹp của mẹ
Khi được chúng tôi đề cập về mối tình đẹp của Người đẹp tình báo với ông Lê Văn Thích nguyên là giám đốc Sở Lâm nghiệp tỉnh Hậu Giang, chị không ngần ngại trải lòng: Sau giải phóng, chị Hạnh theo học ở Đại học Cần Thơ, rồi lên học tiếp ở Đại học Kinh Tế Sài Gòn. Đến năm 1981, do phải làm việc ở Sài Gòn nên chị ít về thăm mẹ. Mặc khác, ở thời điểm đó, đường sá đi lại khó khăn, từ TP. Hồ Chí Minh về Cần Thơ phải qua 2 chuyến phà. Chị ít về thăm nhà, ông Trần Hiến mất đi, bà Phấn sớm hôm thủ thỉ với mỗi người mẹ tuổi đã cao. Mỗi lần chị Hạnh về thăm nhà, Bà Phấn tỏ vẻ giận dỗi, trách yêu con gái là: "Mày về thăm bà ngoại chứ thăm gì mẹ".
Được biết, ông Lê Văn Thích, SN 1916, nguyên là giám đốc Sở Lâm Nghiệp tỉnh Hậu Giang, cũng là cán bộ hưu trí. Bà Lâm Thị Phấn và ông sinh hoạt Đảng chung với nhau, cả hai đều là thương binh. Mới đầu, họ đến với nhau là tình đồng chí, đồng đội sau là tình bạn già và thêm phần ông Tám Thích (tên thường gọi của ông Lê Văn Thích) từ lâu mến mộ tài sắc của Người đẹp Tây Đô nên khi được tạo điều kiện từ phía anh em trong ban hưu trí, họ dần nghĩ đến mái nhà với hai cái đầu bạc sớm chiều có nhau.
Ông Thích và người đẹp Tây Đô
Chị Hạnh chậm rãi nhớ lại vào ngày giỗ, cậu Tám Thích cũng có mặt ở đó, bà Phấn quyết định dò hỏi ý kiến của chị về việc kết hôn. Bà nói: "Mẹ già rồi, sớm hôm có một mình, nay mẹ muốn tìm người bầu bạn. Cậu Tám đây trước là tình đồng chí sau là bạn bè hiểu nhau nên mẹ thấy thích hợp. Con nghĩ sao, mẹ thấy nếu mẹ lấy ông thì con cũng có thêm được một người thương yêu con".
Mặc dù biết được mình không thể kề cận bên mẹ mỗi ngày, có người để mẹ bầu bạn lúc tuổi xế chiều cũng là điều nên làm, nhưng cái ích kỉ của một người con trỗi dậy. Chị không muốn bất cứ ai xen vào, cướp đi tình cảm bấy lâu mẹ chỉ dành cho chị, cho ba chị tức ông Trần Hiến. Chị không thích phải chia sẻ tình cảm ấy với bất kì ai. Chị quyết phản đối chuyện cưới xin của mẹ mặc dù chị rất thương bà.
Được biết, con cái của cậu Tám Thích cũng không gật đầu đồng ý chuyện kết tóc se tơ của đôi bạn già. Thế nhưng, đám cưới của hai người bạn già vẫn diễn ra. Cô dâu chú rể, ai cũng ngoài bảy mươi, đám cưới được ban hưu trí đứng ra tổ chức đơn giản nhưng ấm áp tình đồng đội. Mọi người trong ban luôn mong hai người bạn già sống với nhau có tình có nghĩa lúc cuối đời. Ngày cưới của mẹ, chị không về tham dự, chị giận, giận lắm và nghe đâu, con của cậu Tám cũng không tham gia.
Bà Phấn lúc 80 tuổi mắc phải bệnh tiểu đường và bị khối u ở lách. Bác sĩ đề nghị mổ nhưng chị Hạnh không đồng ý vì mổ khi tuổi bà đã cao và thêm bệnh tiểu đường thì vô cùng nguy hiểm. Chính cậu Tám là người kịch liệt phản đối việc thực hiện ca mổ lấy khối u, vì không ai khác hiểu ý muốn của bà Phấn ngoài ông. Kể từ ngày đó, ông ra sức sưu tầm các loại thuốc nam quí hiếm như trinh nữ hoàng cung, nha đam trồng khắp vườn nhà. Ngày nào, cậu Tám Thích cũng chăm chỉ, tẩn mẩn nhặt từng cái lá úa, con sâu cho vườn thuốc nam. Tuy tuổi cao nhưng hai người rất ngọt ngào tình tứ, mỗi lần xay nha đam xong, ông lại bảo: "Em, em nha đam anh xay rồi nè, em uống đi".
Trong những ngày cuối đời, bà Phấn có tâm sự với chị Hạnh: "Người chồng của mẹ là bố con, nhưng người mà mẹ nương tựa nhiều nhất là cậu Tám Thích. Khi mẹ chết, con hãy yêu thương và chăm sóc ông như chính người cha thân thương".
Chị bảo: "Từ lâu chị đã xem cậu Tám là người ruột thịt. Con rất kính nể và yêu mến ông vì cái tình cái nghĩa dành cho mẹ". Tháng 4/2010, người phụ nữ được quân đội Pháp đặt biệt danh là Thần Vệ Nữ phương Đông Lâm Thị Phấn đã ra đi vĩnh viễn trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí. Nhưng người đẹp Tây Đô vẫn sống mãi trong lòng cô gái nói riêng và bao thế hệ người Việt nói chung.
Người Đưa Tin