Nói về thú sưu tầm voi, rồi cưỡi voi đi săn... có nhiều nguyên nhân sâu xa, nhưng tựu trung bắt nguồn từ sự bất mãn. Sau khi trở về nước, chính thức lên ngôi một thời gian ngắn, Bảo Đại đưa ra bao nguyện vọng cải cách thì gặp bấy nhiêu tư tưởng bảo thủ trong triều phản đối. Chán chường trước cảnh làm vua bù nhìn, ông đã tìm đến nhiều thú vui xa xỉ…
Một cuộc cưỡi voi đi săn của vua Bảo Đại. Ảnh tư liệu
Ông vua “thích chơi ngông” bậc nhất này đã cho lập một cánh đồng voi rộng lớn ở giữa buôn Liên, huyện Lắc (nay là thị trấn Lắc, tỉnh Đắc Lắc), để làm nơi chăn thả đàn voi hàng trăm con của mình. Những thớt voi đẹp nhất được vua Bảo Đại tập hợp từ tất cả các buôn làng trong Tây Nguyên, dưới hình thức cống tiến. Mỗi buôn trong vùng phải đóng góp cho vua và phải cắt cử những thợ voi giỏi nhất làm nài huấn luyện đàn voi của ông.
Thớt voi trắng to lừng lững, đẹp như một bức tranh. Với người Tây Nguyên, voi trắng là vua của các loài voi, không chỉ bởi dáng vẻ oai phong, bệ vệ, mà còn bởi nó là một trong những linh vật trong đời sống tâm linh. |
Theo một số tài liệu, trong số những thước voi hùng dũng nhất của đại ngàn Tây Nguyên, ông hoàng Bảo Đại có một con voi trắng (Bạch tượng) do tù trưởng R' Leo K' Nul (sinh năm 1877, cháu của Vua săn voi Khunjunob, tên thật là N' Thu K' Nul) hiến tặng. Thậm chí, R' Leo K' Nul còn thành lập cho vị vua này một đội voi săn "Hoàng Gia Bảo Đại".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, theo Le Dragon d’ Annam, lời kể của bà Mộng Điệp và một viên quản tượng của Bảo Đại, cho biết: Mỗi con voi của Bảo Đại đều có một tiểu sử ly kỳ. Đặc biệt nhất là voi trắng – còn có tên là Buôn Con (voi đực, cao đến 3m) - được Bảo Đại thương nhất và ông đã cưỡi trong các cuộc săn voi. Mỗi năm, nhà vua còn tổ chức một cuộc săn voi rừng một lần, hay tổ chức đua voi vượt hồ Lắc.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, lần đầu đến bản Đôn, Bảo Đại được tù trưởng R' Leo K' Nul cho mượn Buôn con để đi săn. Thấy Buôn con tinh khôn cực kỳ, Bảo Đại mê hết sức và ngỏ ý muốn mua bằng bất cứ giá nào. Nhưng không ngờ, vị tù trưởng này từ chối quây quẩy và kêu lên: “Người ta có thể lấy vợ tôi, con gái tôi, nhưng không thể lấy Buôn con của tôi đi được”. Bảo Đại hết sức thất vọng, nhưng cuối cùng, với sự điều đình của viên công sứ sở tại, sau khi tổ chức nhiều buổi hội hè, R' Leo K' Nul mềm lòng tặng Buôn con cho nhà vua. Bảo Đại mừng rỡ liền cử một đoàn quản tượng đưa ngay Buôn con ra nhập với bộ sưu tập thú rừng của ông, lúc bấy giờ ở miền Tây Quảng Trị.
Buôn con nghe được nhiều thứ tiếng, tiếng Thượng, tiếng Kinh và cả tiếng Pháp. Nó rất quen thuộc các động tác của vua Bảo Đại. Mỗi khi đi săn, bao giờ nó cũng dừng lại cách con mồi khoảng 40m. Đó là khoảng cách mà nhà vua bắn hữu hiệu nhất… Tuy nhiên, vì được ông hoàng Bảo Đại quá cưng chiều, Buôn con rất tự cao tự đại, từ chối làm việc, kể cả việc đi lấy thức ăn cho mình. Biết ý, Bảo Đại điều một con voi cái từ Huế ra để lo đi lấy thức ăn và phục vụ “tươi mát” cho Buôn con. Được “phái đẹp” phục vụ, Buôn con chấp nhận và chịu ăn. Còn chuyện “tươi mát” thì nó không cần. Tiếc thay, con voi cái này lại rất lười biếng. Nó chỉ phục vụ tốt được một vài tuần, sau đó nó tìm cách tránh trách nhiệm. Lợi dụng lúc đi tìm thức ăn cho Buôn con, nó tảng vào rừng và tìm đường trốn mất. Cứ mỗi lần con voi cái bỏ đi, Buôn con lại phải cùng với viên quản tượng đi tìm dẫn nó về. Đến lần thứ bảy, Buôn con và viên quản tượng lại đi tìm và bắt được con voi cái vô kỷ luật này. Rồi thật kỳ lạ, Buôn con đã giận dữ kỷ luật kẻ phục vụ mình bằng cách quật con voi cái chết tươi...
Sau cách mang tháng 8/1945, Bảo Đại thoái vị và ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ VNDCCH, Buôn con được trở lại rừng xanh. Cả bộ sưu tập thú rừng cũng được giải phóng để trở về sống tiếp cuộc đời hoang dã. Sau năm 1949, Bảo Đại trở lại cộng tác với Pháp, ông cho người đi tìm Buôn con. Năm 1950, Bảo Đại lập “tân sở” ở Buôn Mê Thuột, ông đưa Buôn con lên quần tụ với đàn voi ở buôn Liên, gần biệt điện ở hồ Lắc. Người già trong buôn kể lại, đàn voi của Bảo Đại đông đúc chưa từng có và được neo giữ ngoài bìa rừng cạnh buôn Liên. Buôn Liên trở thành cánh đồng voi lớn nhất Tây Nguyên thuở ấy và cho đến tận bây giờ.
Hiện, biệt điện của vua Bảo Đại ở hồ Lắc trở thành một điểm tham quan du lịch của thị trấn Lắc, vẫn lưu giữ những bức ảnh đen trắng chụp những buổi săn voi của nhà vua, cùng những cuộc diễu hành voi hoành tráng tưởng như rung chuyển cả đại ngàn.
Đất Việt