Từ vị vua đầu tiên là Hạ Vũ (nhà Hạ) cho đến vị vua cuối cùng – Phổ Nghi (nhà Thanh), Trung Quốc đã trải qua 67 triều đại với 446 Hoàng đế. Hoàng đế là tước vị tối cao của một vị vua, thường là người cai trị Đế quốc. Dù là vua một nước, nhưng họ cũng có những đam mê riêng như bao người đàn ông khác.
1. Đường Túc Tông - Hoàng đế mê cờ tướng
Đường Túc Tông, tên thật Lý Hanh, là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Khi quân nổi dậy An Lộc Sơn chiếm được kinh đô Trường An (756), cha ông là Đường Huyền Tông Lý Long Cơ phải chạy sang Thành Đô; Lý Hanh được các đại thần và dân chúng tôn xưng làm Hoàng đế ở Linh Vũ vào ngày 12/8/756.
Đường Túc Tông.
Lúc sinh thời, Đường Túc Tông là một người có niềm say mê cuồng nhiệt với Cờ tướng. Ông thậm chí còn vì chơi cờ tướng mà bỏ bê các tấu chương của đại thần về tình hình chiến trường trong cuộc nổi loạn. Để tránh những cận thần nghe được âm thanh chơi cờ của mình, vua còn thay đổi vật liệu làm các quân cờ tướng từ kim loại thành gỗ.
Trong sáu năm trị vì, hoạt động chính trị chủ yếu của ông tập trung vào việc đánh dẹp loạn An Sử. Tuy nhiên, do Túc Tông quá tin tưởng hoạn quan Lý Phụ Quốc, nên đến cuối đời ông, Lý Phụ Quốc đã trở thành quyền thần trong triều, mở ra nạn hoạn quan tham chính trong các triều đại tiếp theo. Năm 762, không bao lâu sau cái chết của Thượng hoàng Huyền Tông, Túc Tông vì quá đau buồn mà sinh bệnh rồi qua đời.
2. Đường Hy Tông - Hoàng đế đá bóng
Đường Hy Tông, nguyên danh Lý Nghiễm, đến năm 873 cải thành Lý Huyên, là một Hoàng đế nhà Đường. Ông là ngũ Hoàng tử của Đường Ý Tông và là Hoàng huynh của Đường Chiêu Tông. Đường Hy Tông là một vị vua nổi tiếng giỏi Cuju.
Hình ảnh chơi Cuju thời cổ đại.
Cuju (Hán Việt: Xúc Cúc) là một trò chơi bóng của Trung Quốc cổ đại và được FIFA coi là hình thức chơi bóng đá sớm nhất của nhân loại. Đường Hy Tông đam mê bộ môn này đến nỗi thường đá trong suốt vài giờ, thậm chí quên cả ăn. Ông cũng liên tục ra lệnh cho các quan chức địa phương chiêu mộ người tham gia vào đội bóng. Nhiều người trong số họ đã được thăng quan tiến chức nhờ khả năng chơi Cuju giỏi. Tuy nhiên, cũng không ít người mất mạng khi mắc sai lầm trong quá trình chơi với Hoàng đế.
Trong thời gian ông trị vì, đế quốc đã bị tàn phá do các cuộc khởi nghĩa nông dân của Vương Tiên Chi và Hoàng Sào. Đến cuối triều đại của Đường Hy Tông, Đại Đường đã hầu như tan rã, các quân phiệt độc lập cai quản lãnh địa của họ, tình trạng này tiếp tục duy trì khi nhà Đường diệt vong vào năm 907.
3. Lý Dục - Hoàng đế thi ca
Nam Đường Hậu Chủ, tên thật là Lý Dục, thông gọi Lý Hậu Chủ, là vị vua cuối cùng nước Nam Đường thời Ngũ Đại Thập Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì từ năm 961 đến năm 976, khi bị bắt giữ bởi quân đội nhà Tống hùng dũng tấn công vào đất nước của mình. Ông bị đầu độc bởi lệnh của Tống Thái Tông sau 2 năm bị giam lỏng.
Dù là một vị vua được cho là thiếu bản lĩnh và kém cỏi, nhưng ông được biết đến rộng rãi là một nhà thơ, từ, họa sĩ và nhà thư pháp lỗi lạc nổi tiếng của Trung Quốc trong thế kỷ 10. Ông được xem là một người uyên thâm thể loại từ vào hàng bậc nhất, do đó được xưng tụng là Thiên cổ từ đế. Ông trị vì từ năm 961 đến năm 976, rồi bị bắt giữ bởi quân đội nhà Tống hùng dũng tấn công vào đất nước của mình. Về sau, Tống Thái Tông ra lệnh đầu độc chết Lý Hậu Chủ, kết thúc cuộc đời sau 2 năm bị giam lỏng vị cựu hoàng này.
4. Minh Vũ Tông - Hoàng đế mê săn bắn và nghiện rượu
Minh Vũ Tông tên thật là Chu Hậu Chiếu, sinh năm 1491. Chu Hậu Chiếu là con trưởng của Minh Hiếu Tông, thân mẫu là Trương thái hậu. Năm 1505, đời Minh Hiếu Tông Hoằng Trị, Chu Hậu Chiếu được lập làm Thái tử, cũng trong năm đó Minh Hiếu Tông mất. Chu Vũ Tông mới 14 tuổi. Năm sau Minh Vũ Tông lấy hiệu là Chính Đức và đây cũng là niên hiệu duy nhất của Minh Vũ Tông.
Mặc dù bị sử sách miêu tả là một vị Hoàng đế gian dâm, phóng đãng và có nhiều sở thích quái lạ. Tuy nhiên, cũng có nhiều bằng chứng chứng tỏ ông là một vị Hoàng đế có năng lực, quyết đoán, như việc ông giết gian hoạn Lưu Cẩn, bình định Ninh vương chi loạn...
Chân dung Minh Vũ Tông.
Hàng ngày, ông đều buông thả bản thân trong các hoạt động như cưỡi ngựa và săn bắn, không màng đến việc triều chính. Vị vua này còn là kẻ nghiện rượu, ông tuyên bố cứ hai ngày mỗi khuya là dắt hoạn quan Lưu Cẩn ra ngoài hoàng cung uống rượu và "vui vẻ" với một vài mỹ nhân. Minh Vũ Tông cho rằng làm Hoàng đế thì không hề vui vẻ gì, nên ông quyết định phong cho mình làm Đại tướng. Còn đích thân dẫn quân ra chiến trường giết giặc. Sau khi khải hoàn trở về, hài lòng vì mình đã "lập công", Minh Vũ Tông phong cho mình lên chức Thái Sư (một tước vị cao trong triều đình Trung Hoa cổ đại).
Năm 1521, vị Hoàng đế không màng triều chính, hoang dâm vô độ Minh Vũ Tông đã bị bệnh nặng, nhưng vẫn ra sức chơi bời nên sức khỏe kiệt quệ nhanh chóng. Bệnh nặng vào đến cốt tủy, tháng 2 năm Tân Tỵ 1521, Minh Vũ Tông thổ ra cả huyết và băng hà, hưởng dương 30 tuổi.Sau khi chết, Minh Vũ Tông được chôn ở Khang Lăng, miếu hiệu thường được gọi là Minh Vũ Tông. Tổng cộng Minh Vũ Tông ở ngôi đế được 16 năm từ năm 1505 đến năm 1521.
5. Tống Huy Tông - Hoàng đế thích vẽ tranh và thư pháp
Ông là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Tống và là một trong những Hoàng đế nổi tiếng của triều đại này. Huy Tông nổi tiếng vì sự sùng tín Đạo giáo của mình. Ông tự xưng là "Giáo chủ Đạo Quân Hoàng đế" hay "Đạo Quân Thái thượng Hoàng đế". Ông cũng là nhà thơ, họa sĩ, nhà thư pháp và nhạc công có tài. Ông bảo trợ cho nhiều nghệ sĩ trong cung và trong danh lục bộ sưu tập Hoàng gia của ông có tới trên 6.000 bức họa đã được biết đến.
Huy Tông cũng là người say mê trà. Tự tay ông viết cuốn sách Đại Quan trà luận khoảng những năm 1107-1110 gồm 20 chương, với những miêu tả chi tiết và bậc thầy nhất về các kiểu pha chế và thưởng thức trà cầu kỳ thời nhà Tống. Là một nghệ sĩ thực thụ, Huy Tông bỏ bê quân đội và khiến nhà Tống ngày càng trở nên suy yếu hơn. Cuộc đời ông trải qua những điều xa hoa, tinh tế và nghệ thuật nhưng kết thúc trong bi kịch.
6. Minh Thế Tông - Hoàng đế mê thuật trường sinh
Thời nhà Minh, nước Trung Quốc đạt được những tiến bộ đáng kể. Văn hóa phát triển rực rỡ nhưng các vua chúa vẫn rất tin tưởng vào tiên đan trường sinh bất lão mà không biết nhìn các tấm gương đời trước. Điển hình trong các ông vua nhà Minh có Minh Thế Tông (niên hiệu Gia Tĩnh). Ông say mê thuật trường sinh đến nỗi bỏ luôn cả việc chính sự. Lý do Thế Tông bỏ việc triều đình là vì ông còn bận ở hậu cung để thực hiện phép trường sinh do một đạo sĩ tên là Đào Trọng Văn bày cho.
Thuật "trường sinh" mà Đào Trọng Văn dạy Thế Tông được gọi là phương thuốc bí truyền ngự nữ. Các sách vở không nói cụ thể nhưng đại khái nội dung thuật này là hưởng thụ các nữ nhân trinh nguyên để bồi bổ nguyên khí cho nhà vua. Để làm theo cách do Đào Trọng Văn chỉ bảo, Minh Thế Tông đã bắt rất nhiều trinh nữ vào hậu cung để hưởng thụ. Người ta thống kê: chỉ trong năm Gia Tĩnh thứ 31, riêng ở kinh sư đã có 300 trinh nữ từ 8 đến 14 tuổi bị đưa vào cung cho vua hưởng thụ.
7. Minh Hy Tông - Hoàng đế không biết chữ, làm thợ mộc giỏi hơn trị nước
Minh Hy Tông là vị vua đặc biệt nhất trong lịch sử nhà Minh nói riêng và trong lịch sử Trung Quốc nói chung bởi người ta cho rằng ông là vị vua không có học và ông cũng không hề biết chữ. Người ta còn cho rằng Minh Hy Tông không thể phê duyệt tấu sớ, cũng không thể coi việc triều chính, khiến cho nhiều nước lân bang khinh thường nhà Minh.
Vua Hy Tông chỉ biết suốt ngày chơi bời, không ham chính sự. Đặc biệt, ngay từ nhỏ, vua đã thích thú với việc chạm khắc gỗ, nên mặc dù đang tại vị, Minh Hy Tông suốt ngày chỉ biết khắc chạm, vẽ lên gỗ, nghệ thuật điêu khắc gỗ của vua rất khéo và tinh xảo. Vị Hoàng đế này cũng chính là người đã xây dựng mô hình mẫu Cung Càn Thanh.
Ngọc Anh (TH/Theo nld.com.vn)