Nhiều người thắc mắc, thời đó chưa có camera giám sát, vì sao các kỹ nữ không tìm cách bỏ trốn để làm lại cuộc đời, mà lại cam chịu gom góp tiền bạc để chuộc thân? Thực tế, có ba lý do chính khiến họ không dám trốn chạy.
(Ảnh minh họa)
Thực ra, có ba hoàn cảnh phổ biến khiến phụ nữ thời xưa rơi vào chốn thanh lâu. Thứ nhất là do gia đình quá nghèo, cha mẹ buộc phải bán con gái cho tú bà để đổi lấy tiền sinh sống. Thứ hai là những gia đình bị liên lụy bởi án phạt (thường là quan lại phạm pháp), con cháu, đặc biệt là những cô gái có nhan sắc bị đưa vào thanh lâu làm quan kỹ. Thứ ba là các cô gái từ nhỏ đã được đào tạo múa hát, đàn ca, sau đó bị bán cho các thương nhân giàu có hoặc quan lại để phục vụ trong các bữa tiệc lớn, có khi được chọn làm thiếp.
Tuy mỗi người có một số phận riêng, song hầu hết các kỹ nữ đều là nạn nhân của hoàn cảnh. Họ không dám liều lĩnh bỏ trốn mà chọn cách gom tiền chuộc thân vì ba nỗi lo lớn.
Dù không có camera giám sát như thời hiện đại, các kỹ nữ thời xưa vẫn hiếm khi bỏ trốn khỏi thanh lâu mà chọn cách chấp nhận số phận, dành dụm tiền để chuộc thân (Ảnh minh họa)
Thứ nhất, thanh lâu quản lý rất nghiêm ngặt. Ngoài việc có bảo vệ canh gác, tú bà còn cài cắm nhiều tai mắt để theo dõi kỹ nữ. Nếu bị phát hiện có ý định bỏ trốn, họ có thể bị đánh đập, bị ép làm việc khổ sai hoặc bị bán cho nơi khác khắc nghiệt hơn.
Thứ hai, ảnh hưởng từ chế độ hộ tịch thời xưa khiến kỹ nữ không có quyền tự do cá nhân. Tất cả đều có khế ước bán thân nằm trong tay tú bà. Dù có chạy thoát, họ vẫn có thể bị bắt trở lại theo quy định pháp luật lúc bấy giờ.
Cuối cùng, nếu trốn thoát thành công, họ cũng khó có được cuộc sống yên ổn vì thân phận từng làm kỹ nữ thường bị xã hội khinh thường. Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, nơi dân cư ít biến động, người lạ mặt rất dễ bị phát hiện và nghi ngờ. Điều đó khiến việc tái hòa nhập cộng đồng gần như là điều không tưởng.
(Ảnh minh họa)
Chính ba nỗi lo này khiến phần lớn kỹ nữ thời xưa chọn cách chờ đợi cơ hội, dành dụm tiền chuộc thân để được sống một cuộc đời tự do, dù phải đánh đổi bằng nhiều năm tháng tuổi xuân.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)