Thời Tam Quốc, quần hùng tứ khởi, quốc gia sóng gió loạn lạc bất an, dân chúng không được sinh sống an ổn. Công việc chủ yếu của đàn ông là đánh trận, lựa chọn những “ông chủ” khác nhau để làm công, giống như việc lựa chọn công việc của chúng ta thời nay, chẳng qua là công việc của họ phải lên tiền tuyến đánh trận, có nguy hiểm đến tính mạng. Còn phụ nữ ở nhà chăm sóc cha mẹ già và con cái, chờ đợi chồng đánh trận chiến thắng trở về.
Trong thời Tam Quốc, có không ít người phụ nữ phải hy sinh cho chính trị. Ví dụ như để lấy lòng Đổng Trác, Vương Doãn đã đem nghĩa nữ (con gái nuôi) của mình là Điêu Thuyền hứa hôn cho hắn. Tôn Quyền vì liên minh với Lưu Bị mà đem em gái Tôn Thượng Hương hứa hôn cho Lưu Bị. Tào Tháo vì lấy cớ thay thiên tử giành lại giang sơn đã đem 3 người con gái của mình hứa hôn cho Hán Hiến Đế Lưu Hiệp. Trong nửa cuối thời Tam Quốc, Đông Ngô vì muốn duy trì quan hệ hữu hảo với nước Ngụy đã có rất nhiều trường hợp gả phụ nữ của Đông Ngô cho nước Ngụy.
Đầu tiên là Điêu Thuyền. Vương Doãn đã lợi dụng dung nhan xinh đẹp của Điêu Thuyền để đạt được mục đích chính trị của mình, thành công ly gián quan hệ giữa Đổng Trác và Lữ Bố, tiêu diệt Đổng Trác. Thế nhưng, cả đời của Điêu Thuyền đã bị hủy hoại. May thay, sau này Lữ Bố đã không bỏ rơi Điêu Thuyền, họ chung sống cùng nhau. Nhưng sau cùng Lữ Bố vẫn bị Tào Tháo giết hại, Điêu Thuyền lại trở thành người phụ nữ không chốn nương thân. Trong cuốn “Tam quốc diễn nghĩa” có viết, Tào Tháo sau khi giết Lữ Bố, gặp được Điêu Thuyền đã muốn đưa nàng về làm của riêng nhưng Điêu Thuyền không đồng ý, đành phải từ bỏ. Cuối cùng Điêu Thuyền đã tự sát.
Tiếp đến là cuộc hôn nhân giữa Lưu Bị và Tôn phu nhân. Khi ấy Tôn Quyền và Chu Du chỉ là nói chơi để dụ Lưu Bị vào bẫy. Kết quả thành "chữa lợn lành thành lợn què", bị thua mất “Tôn Phu Nhân” lại còn bị tổn hao binh lực. Theo lẽ thường, cách nhau những 30 tuổi rất khó có thể liên hôn nhưng vì chính trị, cả hai đã kết hôn. Sau này, vì tranh đoạt Hình Châu, hai bên không ai nhường ai, cuối cùng vẫn là lợi ích chiến thắng hôn nhân, Tôn Quyền đón em gái về Đông Ngô. Quan hệ hai nhà rạn nứt, Tôn Thượng Hương trở thành vật hy sinh. Sau này, trong sách sử cũng không có bất kỳ ghi chép gì về Tôn Phu Nhân. Còn trong cuốn “Tam quốc diễn nghĩa” thì có viết: "Tôn Thượng Hương sau khi trở về Đông Ngô không hề tái hôn, u uất mà qua đời".
Cuối cùng là những cô con gái của Tào Tháo, họ có kết cục ra sao? Nhằm củng cố quan hệ giữa nhà Tào với hoàng thất nhà Hán, Tào Tháo đã gả 3 người con gái của mình cho Hán Hiến Đế, trong đó 1 người còn được làm Hoàng hậu. Sau này, Hán Hiến Đế đã nhường ngôi cho Tào Phi, Lưu Hiệp (Hán Hiến Đế) trở thành Trần Lưu Vương, tới sống ở phong địa của mình. Con gái của Tào Tháo cùng Hán Hiến Đế tới phong địa sinh sống. Tuy con gái của Tào Tháo được gả cho Hán Hiến Đế vì chính trị nhưng may mắn là tình cảm của bà với Lưu Hiệp cũng khá tốt, cuối cùng vẫn bên nhau tới già. Cũng coi như là một kết cục may mắn.
Từ xưa tới nay, hôn nhân chính trị là chuyện rất bình thường, nhất là trong thời cổ đại. Ví dụ như trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, các nước chư hầu kết thành liên minh, khi ấy xã hội cũng khá ổn định, kết cục của phụ nữ cũng khá tốt. Thời Tây Hán cũng có nhiều người phụ nữ phải hy sinh cho chính trị. Ví dụ như Vương Chiêu Quân, kết cục của bà cũng được coi là có hậu.
Nhưng thời kỳ Tam Quốc loạn lạc, chiến tranh giữa các chư hầu liên miên, những cuộc hôn nhân chính trị trong thời này thực sự là lành ít dữ nhiều, hoàn toàn có thể nói là hên xui. Một khi quan hệ hai bên rạn nứt thì người phụ nữ sẽ trở thành vật hy sinh.
Thực ra, trong thời Tam Quốc, nội bộ các nước Ngụy, Thục, Ngô cũng có không ít trường hợp hôn nhân chính trị. Ví dụ như con gái của Trương Phi được gả cho Hậu chủ Lưu Thiện. Các đại thần nước Ngụy gả con gái cho nhà Tào cũng là chuyện rất bình thường. Cái kết của của họ đa phần là có hậu, vì lợi ích giống nhau, không tồn tại tranh chấp.
Nhưng dù sao phụ nữ vẫn là phái yếu, sinh ra trong thời loạn lạc, trở thành vật hy sinh cho chính trị, chỉ có thể nói là số phận không may, sinh ra nhầm thời chỉ có thể nói là do thiên mệnh.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)