Nhắc tới thời kỳ Khang Ung Càn (Khang Hy - Ung Chính - Càn Long), ấn tượng của mọi người có lẽ đều sẽ cho rằng họ đều là những vị vua, những nhà chính trị tài ba. Dưới sự trị vì của họ, triều Thanh cực kỳ thịnh vượng. Nhưng đằng sau những hào quang mà mọi người nhìn thấy, thực ra vẫn còn rất nhiều những góc khuất, ví dụ như vấn đề thiếu thốn lương thực khắp cả nước.
Quan chức địa phương cai quản đáng lẽ phải có trách nhiệm
Vào thời nhà Thanh, các tổng đốc được thành lập để giám sát hai tỉnh trở lên, cùng với các tổng trấn đứng đầu các tỉnh hợp thành các chức quan địa phương có quyền cao nhất ở các địa phương, phụ trách nhiệm vụ giữ đất và phục vụ dân. Với tư cách là quan chức, đáng lẽ họ phải tạo phúc cho dân. Nhưng trong chính thời kỳ hưng thịnh của Khang Hy, trong “Thanh thực lục” đã ghi chép rất rõ ràng rằng tình hình Trung Quốc khi ấy xuất hiện rất nhiều tình trạng các kho lương thực ở các địa phương liên tục thiếu thốn, người dân đói khát trầm trọng, thu hút được sự chú ý, quan tâm rất nhiều từ triều đình.
Khi triều đình phát hiện nhiều nơi bị thiếu lương thực thì tình hình đã trở nên rất nghiêm trọng. Ngoài tỉnh Sơn Đông - tỉnh lớn không xảy ra tình trạng thiếu hụt lương thực ra thì tất cả các tỉnh khác ở Trung Quốc lúc bấy giờ ít nhiều đều xuất hiện vấn đề này. Đầu năm 1698, Hộ bộ cấp sự trung (một chức quan thời Thanh) Khương Túc đã dâng tấu lên triều đình, Thiểm Tây, Trường An đều xuất hiện tình trạng thất thoát tài chính rất lớn. Khang Hy sau khi được tấu mới nhận ra tính nghiêm trọng của sự việc, lập tức hạ lệnh cho hai vị đại quan viên ở trung ương là Hình bộ thượng thư và Tả đô ngự sử tới Thiểm Tây, họp điều tra với các đô đốc ở địa phương.
Trải qua việc điều tra trong vòng nửa năm, những người điều tra trình kết quả điều tra lên triều đình. Theo điều tra, hai huyện Trường An và Vĩnh Thọ không hề có hiện tượng thiếu hụt nhưng ở huyện Hoa Âm lại kỳ lạ là một chính quyền địa phương trực thuộc triều đình, tình trạng thiếu hụt tiền và lương thực ở Hoa Âm đã kéo dài những 8 năm. 2 năm sau đó, 2 tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc lại một lần nữa bùng phát vụ việc thiếu hụt lương thực trầm trọng, vấn đề thiếu hụt từ cấp chính quyền huyện triển khai tới chính quyền cấp tỉnh. Lần thiếu hụt này khiến Khang Hy cực kỳ phẫn nộ, cách chức tất cả các quan viên có liên quan, đồng thời còn ra lệnh tất cả các quan văn võ ở 2 tỉnh cùng nhau bồi thường.
Quan nhà Thanh lên nhậm chức thì làm sao có thể không thiếu hụt được
Sau khi khu vực Thiểm Tây xuất hiện tình trạng thiếu hụt, thất thoát tài chính, vấn đề tài chính ở các địa phương trong triều Thanh như thể một cơn lũ lớn ập tới, liên tục nổ ra, bao gồm Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Nam, Cam Túc,… Thậm chí là những tỉnh giàu như Triết Giang và nòng cốt đế quốc là Trực Lệ, ít nhiều đều xuất hiện tình trạng thiếu hụt, thất thoát lương thực. Thậm chí có nơi còn thiếu hụt lương thực cả 10 năm nhưng vẫn không được triều đình phát hiện. Có thể thấy, tình trạng thiếu hụt lương thực trong triều Thanh đã kéo dài từ rất lâu và vẫn chưa được xử lý.
Kho lúa tại Thiểm Tây thời nhà Thanh.
Nếu như nói rằng một nơi hoặc một vài nơi xuất hiện tình trạng này thì còn có thể là do quan chức tham ô, nhưng cả triều Thanh to lớn như vậy mà nơi nào cũng đều xuất hiện tình trạng này thì cho dù mức độ có nặng hay nhẹ cũng đã thể hiện rằng triều Thanh đã có vấn đề rất lớn. Logic bình thường của chúng ta sẽ cho rằng tài chính xảy ra vấn đề, chắc chắn là vì quan tham, nếu như thay đổi thành quan thanh liêm thì chắc chắn sẽ không xảy ra vấn đề này. Nhưng logic này không hợp lý.
Khang Hy cũng đã biết những vấn đề về mối quan hệ giữa việc thiếu hụt lương thực và quan tham. Trương Bằng Cách có tiếng là “thiên hạ đệ nhất thanh liêm” trong triều đình nhà Thanh, nhưng cho dù Khang Hy có coi trọng, tin tưởng sự thanh liêm của ông thì khi Trương Bằng Cách nhậm chức đô đốc ở vùng Triết Giang vẫn khiến tài chính ở vùng đất Giang Nam này trở nên tồi tệ. Trương Bằng Cách là một viên quan “lơ ngơ” về kinh tế tài chính. Năm 1709, Khang Hy đã nói thẳng: “Ở đâu có quan thanh liêm thì ở đó lại càng thất thoát nhiều”.
"Đệ nhất thanh quan thời nhà Thanh" Trương Bằng Cách.
Khang Hy có suy nghĩ như vậy thực ra cũng là điều dễ hiểu. Trong môi trường xã hội ngày đó, “nước trong thì không có cá”, quan lớn địa phương quá thanh liêm sẽ chèn ép những cấp dưới về vấn đề tài chính, khiến họ tìm kiếm cách thức tham ô mới, khiến vấn đề tham ô càng nghiêm trọng hơn, vấn đề tài chính cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn. Thất thoát tài chính đương nhiên có liên quan rất nhiều tới tham quan, nhưng ngọn nguồn của vấn đề lại không nằm ở quan viên mà là ở nguyên nhân khác.
Tại sao vấn đề thất thoát, thiếu hụt lại liên tục xảy ra?
Ngoài việc quan viên tham ô, thối nát, bòn rút của công khiến địa phương thiếu hụt, thất thoát lương thực, còn có một nguyên nhân cực kỳ quan trọng, đó chính là chế độ kho trữ địa phương của thời kỳ đó. Chế độ kho trữ địa phương của triều Thanh tương đối hoàn thiện, chủ yếu có chính quyền kiểm soát kho quan, kho thường và kho xã, kho nghĩa do dân chúng quản lý. Trong khi đó, lương thực dự trữ trong kho lương thực là một phần vô cùng quan trọng trong thể hệ lương thực của địa phương. Nhưng cho dù là bị chính phủ kiểm soát thì mục đích của nó là để nhằm dự trữ phòng bị lương thực khi có thiên tai gây ra nạn đói.
Tham ô chốn quan trường vốn không phải chuyện lạ lùng gì thời nhà Thanh.
Nhưng vấn đề kho trữ nằm ở chỗ không thể nào duy trì được “quá trình trao đổi chất” của lương thực trong kho trữ, lương thực dễ bị hư hỏng, thối, mốc, đặc biệt là miền nam, khí hậu ẩm thấp, phần lớn lương thực chưa được sử dụng thì đã đều thối, mốc trong kho hết. Quan chức địa phương không thể duy trì việc lấy mới thay cũ, thêm vào đó, chính phủ lại không có nhân viên và cơ cấu giám sát quản lý chế độ kho trữ, thế nên cùng với thời gian, lương thực trong kho dự trữ cũng chỉ trở thành vật trưng bày, chứ đừng có nói là nhiều quan chức lợi dụng sơ hở trong quản lý của triều đình mà tự tư, tham ô, vụ lợi.
Trong xã hội phong kiến, năng lực đối ứng khẩn cấp của chính quyền địa phương không cao, một khi xảy ra thiên tai, chế độ kho dự trữ có hoàn thiện hay không đã trở thành chỉ tiêu quan trọng để triều đình sát hạch các quan chức chấp chính. Để tránh bị triều đình xử phạt, các quan chức địa phương thường lấy công quỹ để mua lương thực mới thay thế vào số lương thực cũ để đối phó với việc điều tra trước khi triều đình cử người tới.
Cứ như thế, cùng với việc các quan chức to gan tham ô tiền của công quỹ địa phương, chế độ kho dự trữ cũng đã cho các quan tham cơ hội, vì thế thể hệ lương thực địa phương lấy lương thực kho dự trữ làm phần chính thường ở trạng thái suy sụp, thiếu hụt. Còn các quan chức, để trốn tránh xử phạt lại lấy một lượng lớn tiền công quỹ để mua lương thực mới bù vào kho. Cứ như vậy, đủ thứ vấn đề chồng chất lên nhau, khiến triều Thanh xuất hiện tình trạng thiếu hụt lương thực và tiền của một cách trầm trọng.
Thể hệ lương thực và công quỹ địa phương có hoàn thiện hay không có liên quan trực tiếp tới lợi ích của mỗi một người dân. Triều Thanh xuất hiện tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng như vậy khiến thời kỳ “Khang Càn thịnh thế” đã xuất hiện vấn đề xã hội nghiêm trọng mà ít ai để ý. Cho dù là xưa hay nay, vấn đề lương thực địa phương đều là thứ đảm bảo cuộc sống của người dân, duy trì nền tảng cơ bản vững chắc, việc cũ bày ra trước mắt, không phải là ngày nay càng phải cẩn thận hơn sao?
Giống như trong tập đầu tiên của phim “Vương triều Ung Chính” có kể, những năm cuối Khang Hy trị vì, sông Hoàng Hà một lần nữa vỡ đê, Khang Hy vốn định điều động lương thực trong kho của các tỉnh xung quanh để cứu đói thiên tai. Đồng thời thông qua Hộ bộ để rút khoản cứu tế dân gặp thiên tai, nhưng ông không ngờ rằng lương thực trong các kho dự trữ của các tỉnh xung quanh đã cạn kiệt, quốc khố của cả Đại Thanh chỉ còn lại 50 vạn lượng bạc.
Dù chỉ là tình tiết trong phim nhưng lại phản ánh được lỗ hổng trị vì cực lớn trong xã hội quân chủ. Dưới tình trạng quyền lực tập trung chủ yếu vào tay một người, hơn nữa dân số lại đông, thiếu thốn năng lực xử lý dữ liệu thông tin hiện đại như triều Thanh thì rất khó có thể kiểm soát có hiệu quả các địa phương.
Người ta nói: “Thả ra thì hư mà quản quá thì chết”, chính quyền nhỏ một khi gặp phải thiên tai thì sẽ rất dễ rơi vào ngõ cụt “cần cái gì thì cái đó không có”. Và tình trạng đó xảy ra liên miên, tuần hoàn, chỉ có thể dựa vào việc xử phạt nghiêm các quan khâm sai đại thần, một khi quốc gia khôi phục lại trạng thái hòa bình, yên ấm thì vòng tuần hoàn đó lại lặp lại.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)