Phạm Trọng Yêm, một vị quan nổi tiếng thời Bắc Tống, có tước vị là học giả kiêm quan đầu tiên qua các thời đại. Ông là người có đức tính cao quý, siêng năng và tiết kiệm, không xa hoa, có thể được mô tả như một hình mẫu cho các quan chức.
Phạm Trọng Yêm từng đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau. Nhưng một trong những công lao nổi bật của vị quan này chính là việc ông từng đích thân cầm quân đi dẹp loạn, đồng thời hiến kế cho triều đình đánh đuổi Tây Hạ. Ngoài ra, ông cũng đề xuất cải cách việc triều chính, trong đó có thể kể đến những cải cách nổi bật như bổ nhiệm, bãi nhiệm rõ ràng, tu sửa võ bị, giảm lao dịch...
Tương truyền rằng vào thời điểm Phạm Trọng Yêm qua đời, cả triều đình nhà Tống trên dưới đều vô cùng thương tiếc, bách tính muôn dân bấy giờ đều khóc thương.
Nhìn lại cuộc đời của Phạm Trọng Yêm, không khó để nhận thấy bản thân ông đã trở thành một tên tuổi nổi bật trong dòng chảy của lịch sử Trung Hoa. Tuy nhiên điều đáng nói còn nằm ở chỗ, chính danh tiếng của vị quan họ Phạm này đã nhiều lần giúp cho hậu duệ của ông thoát khỏi tình cảnh nguy cấp.
Vào đầu thời nhà Minh, Chu Nguyên Chương từng nghiêm trị những tham quan và xử tử rất nhiều vị quan lớn nhỏ. Một viên chức Ngự sử trong những năm Hồng Vũ đã lên tiếng khuyên nhủ và kháng chỉ nên bị xử án chém đầu.
Tuy nhiên, vào ngày hành quyết, Hoàng đế Chu Nguyên Chương đột nhiên hỏi người tử tù sắp bị hành quyết rằng tên là gì? Điều kỳ lạ là sau khi biết tên và thân thế của người này, Chu Nguyên Chương đã tha chết cho ông.
Cụ thể, trước đó danh sách các phạm nhân bị tử hình đều được trình lên cho Hoàng đế Chu Nguyên Chương xem xét một lượt. Khi nhìn thấy tên và quê quán của Phạm Văn Từ, nhà vua không khỏi hoài nghi, liền lập tức phái người đi điều tra thân thế của tử tù này.
Không lâu sau đó, Phạm Văn Từ được dẫn giải tới trước mặt nhà vua. Sau khi tử tù này nói rằng ông tên là Phạm Văn Từ, đồng thời là hậu duệ đời thứ 12 của Phạm Trọng Yêm, Hoàng đế đã ra lệnh ân xá cho ông. Sở dĩ Hoàng đế Chu Nguyên Chương làm như vậy vì ông rất ngưỡng mộ tài năng và nhân phẩm của Phạm Trọng Yêm.
Bởi vậy mà người thời bấy giờ cho rằng Phạm Văn Từ nhờ vào danh tiếng tổ tiên mà có thể thoát được tử tội, âu cũng có thể xem là kỳ tích.
Dương Huyền (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)