Trong xã hội phong kiến xưa, chuyện hôn nhân thường tuân theo nguyên tắc "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó", với sự can thiệp của bà mối. Nam nữ trong cuộc hôn nhân ấy đôi khi chỉ là những người đứng bên lề của chính cuộc đời mình. Đặc biệt là phụ nữ, họ hầu như không có tiếng nói. Trong khi đàn ông có thể chủ động tìm vợ, thì phụ nữ lại bị giam trong khuôn phép, ít ra khỏi nhà và gần như không thể phản đối sự sắp đặt của cha mẹ. Đối với con gái nhà thường dân là vậy, thì con gái nhà quyền quý lại càng không thể quyết định số phận mình.
Và số phận của 7 người con gái nhà Tào Tháo - nhân vật nổi tiếng trong thời Tam Quốc chính là minh chứng điển hình. Mỗi người đều sở hữu nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, thông minh và sắc sảo. Thế nhưng, tất cả đều bị cha mình - Tào Tháo gả cho cùng một người đàn ông: Hán Hiến Đế Lưu Hiệp.
Việc Tào Tháo gả 7 cô con gái xinh đẹp, thông minh của mình cho Lưu Hiệp không đơn thuần là chuyện hôn nhân, mà là một nước cờ chính trị đầy tính toán. (Ảnh minh họa)
Động thái này của Tào Tháo không chỉ thể hiện quyền lực tuyệt đối trong tay người cha, mà còn lột tả tham vọng chính trị không giới hạn của một nhà quân sự, chính trị lỗi lạc thời bấy giờ. Ông không cần biết con gái có vui hay không, hạnh phúc hay đau khổ, điều ông quan tâm là lợi ích và thế lực. Việc gả con cho Lưu Hiệp là cách ông củng cố quyền lực và gia tăng ảnh hưởng trong triều đình nhà Hán đang suy yếu.
Lưu Hiệp (còn gọi là Hán Hiến Đế) là hoàng đế cuối cùng của nhà Đông Hán, trị vì từ năm 189 đến năm 220 sau Công nguyên. Ông lên ngôi trong bối cảnh triều đình rối ren, quyền thần thao túng, và không có thực quyền. Tuy nhiên, dù không có sức mạnh quân sự, Lưu Hiệp vẫn nắm giữ một thứ vũ khí tối thượng trong chính trị thời đó: danh nghĩa thiên tử và ngọc tỷ truyền quốc.
Tào Tháo - một nhà quân sự, chính trị kiệt xuất thời Tam Quốc hiểu rất rõ điều đó. Sau khi tiêu diệt các thế lực như Đổng Trác, Viên Thiệu, ông đã đưa Lưu Hiệp từ tay các thế lực khác về Hứa Xương, rồi danh nghĩa là "phò tá thiên tử", nhưng thực chất là giam lỏng và kiểm soát triều đình. Tào Tháo được phong làm Thừa tướng, sau đó là Ngụy Vương, nắm trọn quyền lực trong tay, nhưng vẫn giữ Lưu Hiệp như một lá chắn chính trị.
(Ảnh minh họa)
Tào Tháo không phải người dễ động lòng vì tình cảm cá nhân. Việc ông gả không chỉ một, mà đến bảy cô con gái xinh đẹp, thông minh của mình cho Lưu Hiệp không đơn thuần là chuyện hôn nhân, mà là một nước cờ chính trị đầy tính toán. Mỗi một người con gái gả đi, là một lớp dây ràng buộc chặt hơn giữa nhà Tào và hoàng thất Hán.
Với nhan sắc nổi bật và trí tuệ hơn người, các cô gái nhà họ Tào nhanh chóng chiếm được sự sủng ái của Hán Hiến Đế. Điều này khiến hoàng hậu vốn đã không được vua yêu lại càng thêm ghen tị, đến mức bày mưu hãm hại, thậm chí giả truyền thánh chỉ mưu sát Tào Tháo. Tuy nhiên, âm mưu bị phát hiện và Lưu Hiệp đã ra tay trừng trị, hoàng hậu phải chịu kết cục thảm khốc.
Sau khi hoàng hậu bị phế, các cô con gái của Tào Tháo càng được sủng ái hơn trong hậu cung. Nhưng đằng sau vẻ ngoài được ân sủng ấy là một số phận không thể làm chủ, là sự đánh đổi bằng tự do và hạnh phúc cá nhân để phục vụ cho tham vọng quyền lực của người cha. Liệu trong lòng họ có oán trách hay không? Điều đó chẳng ai biết, và có lẽ cũng chẳng ai quan tâm.
Tào Tiết là con gái của Tào Tháo. (Ảnh minh họa)
Khi Tào Tháo qua đời, con trai ông là Tào Phi tiếp tục kế thừa dã tâm và tham vọng. Tào Phi không ngần ngại đối đầu với hoàng hậu để tranh giành quyền lực. Trong bối cảnh nhiễu nhương đó, huyết thống, danh nghĩa không còn quan trọng. Ai giữ được ngọc tỷ truyền quốc, người đó sẽ định đoạt vận mệnh thiên hạ. Cuối cùng, ngọc tỷ cũng bị Tào Tiết - một trong các con gái Tào Tháo ném vỡ, mở ra hồi kết cho một triều đại.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)