Vào thời cổ đại Trung Quốc, để bảo vệ đất nước của mình và duy trì ngai vàng trước những thế lực bên ngoài, các triều đại thường xây dựng các luật và quy định nghiêm ngặt, hà khắc để cai trị đất nước. Một trong những hình phạt khủng khiếp, man rợ nhất thời cổ đại Trung Quốc chính là tru di cửu tộc, toàn bộ chín đời từ cao tổ đến huyền tôn đều bị xử tử.
Nguyên nhân dẫn đến hình phạt này được hậu thế nhận định là do mối quan hệ gia đình truyền thống rất được xem trọng trong xã hội Trung Quốc xưa. Với những tội danh nặng nề gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ quân chủ chuyên chế ví như phản quốc, phạm thượng, tạo phản, soán ngôi thì tru di được cho là hình phạt thích hợp nhất, giúp quân vương "nhổ cỏ tận gốc" kẻ địch, đồng thời tạo tính răn đe cho những người khác đang có ý nhăm nhe phạm tội. Có một điều kỳ lạ là, tại sao gia đình và người thân của tội nhân không chạy trốn ngay khi biết người trong tộc bị kết tội “tru di cửu tộc”.
Thời xưa, người dân Trung Quốc sống hoàn toàn phụ thuộc vào trồng trọt, lấy lương thực để duy trì cuộc sống. Không có những khu công nghiệp, nhà xưởng để có thể trốn tránh và làm việc, lấy tiền mua lương thực. Khi tất cả người thân, dòng họ đã bị giết thì gần như người còn lại sẽ không biết trông cậy vào đâu, không biết làm gì để duy trì cuộc sống. Đồng thời lệnh truy nã sẽ được dán ở khắp mọi nơi, sớm muộn gì cũng sẽ bị bắt và xử tử.
Ngày xưa cơ hội sống sót không nhiều như bây giờ, nhà nào cũng thiếu cơm ăn áo mặc, không ai giúp được bạn, cũng không ai dám thu nhận bạn. Trong xã hội canh tác gắn bó với ruộng đất, bản năng con người nghĩ rằng bỏ ruộng đất là ngõ cụt nên thà chờ chết còn hơn trốn chạy.
Trong thời cổ đại Trung Quốc, các thị tộc thường sống theo nhóm, và cả một gia tộc thực sự sống rất gần nhau. Điều này giúp họ dễ dàng đề phòng khi gặp cướp, sơn tặc... Nhưng kết quả là khi một trong số họ bị kết tội lớn “tru di cửu tộc”, binh lính sẽ xông tới tộc này, bao vây và không ai có thể sống xót.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)