Thảm án Lệ Chi Viên: Ai đã sát hại vua Lê Thái Tông?
Theo chính sử Việt Nam, vào một ngày tháng 7/1442, vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quan ở thành Chí Linh, Hải Dương. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Sau đó ít lâu, vua về đến Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định. Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi khi ấy đã vào tuổi 40.
Thị Lộ được vua Lê Thái Tông yêu quý vì sắc đẹp, văn chương hay nên luôn được vào hầu bên cạnh vua. Khi về đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ. Đến sáng hôm sau toàn thể văn võ bá quan nhận được tin vua băng hà. Lúc này Lê Thái Tông mới 20 tuổi.
Triều đình lúc đó đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua, dẫn đến việc Nguyễn Trãi và gia đình bị án tru di tam tộc. Đây chính là vụ thảm án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.
Sau này Nguyễn Trãi được vua Lê Thánh Tông rửa oan. Nhưng sử sách không đề cập gì tới việc điều tra cái chết, nguyên nhân tử vong hay thủ phạm sát hại vua Lê Thái Tông.
Theo ý kiến của một số nhà sử học sau này, chủ mưu của vụ ám sát vua lê Thánh Tông là Tuyên từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh, mẹ vua Lê Nhân Tông.
Lý do là Nguyễn Thị Anh rất căm giận Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ vì đã giúp bà phi Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ Lê Thánh Tông) thoát khỏi âm mưu sát hại của bà ta. Ngoài ra vào thời đó, nhiều người trong triều dị nghị rằng bà Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và Bang Cơ (Lê Nhân Tông) không phải là con vua Thái Tông, nên nhân lúc vua về thăm Nguyễn Trãi, sợ Nguyễn Trãi gièm pha đã sai người sát hại vua Thái Tông, rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi.
Bên cạnh đó, vụ thảm án Lệ Chi Viên có thể còn là do sự ghen ghét, đố kỵ của một bộ phận không nhỏ quan lại trong triều lúc bấy giờ trước tài năng lỗi lạc và tính tình ngay thẳng, cương trực của Nguyễn Trãi – điều luôn cản trở những việc làm mờ ám của họ.
Vua Lê Nhân Tông bị anh ruột ám sát để giành ngôi
Lê Nhân Tông (1441 – 1459) , vị vua thứ ba của nhà Lê sơ tên thật là Lê Bang Cơ. Dù chỉ là con trai thứ ba, nhưng ông được vua cha Thái Tông phong làm Hoàng Thái tử vào năm 1441, khi mới vài tháng tuổi.
Thái hậu Nguyễn Thị Anh làm Nhiếp chính cho ông từ khi mới lên ngôi báu cho đến khi ông tự thân chấp chính vào năm 1452. Lên ngôi lúc còn nhỏ, Lê Nhân Tông tỏ ra là vị Hoàng đế anh minh, biết thương dân, sùng kính Nho giáo, xem trọng nghề nông và kính cẩn tông miếu. Ông không có thói đam mê tửu sắc, và biết tôn trọng những người có công đối với Vương triều.
Dưới triều Nhân Tông, nước Đại Việt thái bình thịnh trị, đời sống nhân dân ổn định, bờ cõi được bảo vệ và mở rộng. Quân Đại Việt dưới thời Lê Nhân Tông đã thắng lớn trong cuộc tiến công Chiêm Thành, bắt sống được cả vua Chiêm và lập vua Chiêm mới lên thay. Lê Nhân Tông cũng sáp nhập đất của xứ Bồn Man vào lãnh thổ Đại Việt.
Ông cũng đối đãi tử tế với người anh khác mẹ là Lạng Sơn Vương Nghi Dân. Tuy vậy, Nhân Tông vẫn bị người anh cả oán hận và muốn đoạt ngôi vì ông chỉ là con thứ. Trong khi đó, bản thân vua Nhân Tông không đề phòng gì vì luôn coi Nghi Dân là anh ruột.
Ảnh minh họa.
Một đêm cuối năm 1459, Lê Nghi Dân cùng các thủ hạ đã bắc thang đột nhập vào cung cấm giết vua Nhân Tông. Khi đó ông mới 18 tuổi. Cái chết của ông khiến cho quan lại "nuốt hận ngậm đau", và thần dân "như mất cha mất mẹ”.
Chỉ sau đó 8 tháng, Nghi Dân đã phải trả giá. Kẻ giết hại em ruột đã bị các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng v.v... làm binh biến giết chết rồi lập người em út là hoàng tử Lê Tư Thành lên làm vua, tức là vua Lê Thánh Tông.
Vua Thánh Tông lên ngôi đã làm lễ chiêu hồn cho vua anh Nhân Tông và an táng cho ông ở Mục Lăng, Lam Sơn. Ông được tôn miếu hiệu là Nhân Tông, thụy hiệu là Tuyên Hoàng Đế.
Dương Chấp Nhất trá hàng hạ độc thủ Nguyễn Kim
Nguyễn Kim (1468-1545) là một danh tướng Việt Nam thời nhà Lê sơ và là người đặt nền móng cho sự thành lập nhà Lê trung hưng.
Năm 1527, khi nhà Lê bị nhà Mạc tiếm ngôi, con cháu nhà Lê chạy trốn. Lúc bấy giờ, hầu hết các cựu thần nhà Lê ngả về họ Mạc hoặc bỏ đi nơi khác, chỉ có Nguyễn Kim là lo chiêu tập hào kiệt bốn phương lánh lên vùng đất Sầm Châu lập bản doanh phò Lê diệt Mạc. Sau đó ông đã tìm được con vua Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh và đưa sang Sầm Châu tôn lên ngôi vua là Lê Trang Tông (1533-1548).
Nguyễn Kim đã giúp vua Lê từng bước đánh chiếm lại các vùng đất đã mất và được vua Lê phong làm Thái sư, Hưng Quốc công, nắm giữ tất cả binh quyền.
Năm 1545, Nguyễn Kim bị ám sát sau kế trá hàng của Dương Chấp Nhất, một võ tướng của nhà Mạc.
Khi thấy chủ của mình là Mạc Đăng Doanh luôn phải lo đối phó với thanh thế nhà Lê, Dương Chấp Nhất đã hiến kế xâm nhập vào nội bộ nhà Lê để phá hoại và đích thân mình thực hiện nhiệm vụ này.
Để thực hiện mưu kế, Dương Chấp Nhất đã giao nộp cả gia đình cho nhà Lê và tỏ ý hàng phục. Vua Lê tỏ rõ vui mừng khi biết mình đã thu phục được một tướng tài của nhà Mạc, không mảy may nghi ngờ âm mưu của Nhất.
Dương Chấp Nhất nhanh chóng lấy được lòng tin của vua Lê và các quan đại thần trong triều, đặc biệt là Thái sư Nguyễn Kim. Bởi vậy, khi Nhất mở tiệc thiết đãi, Nguyễn Kim đã vui vẻ đến dự mà không biết đó là một cảm bẫy chết người.
Đồ ăn thức uống dành cho Nguyễn Kim đã bị tẩm độc, và vị tướng lỗi lạc của nhà Lê đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Một vật cản lớn của nhà Mạc đã bị loại bỏ. Sau đó Dương Chấp Nhất đã trốn thoát và được Mạc Đăng Doanh trọng thưởng vì công trạng của mình.
Kiến thức