Một bức tranh mô tả tình cảm đồng giới nam thời xưa tại Trung Quốc.
(ảnh minh họa)
Nhiều sử liệu đã chứng thực sự tồn tại của những mối tình đồng tính nữ với muôn hình vạn trạng cách thức thể hiện tình cảm và dục vọng của phái đẹp. Trên thực tế, xã hội Trung Quốc xưa còn chứng kiến không ít câu chuyện thú vị về những mối tình đồng tính nam. Giữa những đấng nam nhi cũng tồn tại thứ tình cảm đặc biệt như uyên ương cá nước. Kinh qua nhiều triều đại phong kiến và ở những nơi chốn, bối cảnh khác nhau, tình yêu đồng giới vẫn âm thầm tồn tại. Đó là chuyện tình tai tiếng của bậc thiên tử với một “mỹ nam”, là tình thân giữa một danh sĩ và nam ca kỹ, thậm chí có cả chuyện hồ ly hóa trai đẹp để ve vãn đàn ông…
Bắc Kinh
Kể từ thời Minh, triều đình bắt đầu hủy bỏ chế độ kỹ nữ phục vụ cho quan lại vốn rất thịnh hành trong triều Tống, Đường. Điều ấy đồng nghĩa với việc, quan viên không được phép công khai vui thú với gái lầu xanh như trước. Quy định này được thực thi hết sức nghiêm ngặt tại chốn kinh thành.
Nhưng khi “nữ sắc” bị hạn chế lại là thời điểm thuận lợi để “nam sắc” có cơ hội nở rộ trong xã hội. Không ít nam giới xưa vừa mãi nghệ vừa mãi sắc. Đời Minh có tiểu xướng, đời Thanh có tương công. Trong những năm trị vì của vua Càn Long, xã hội Trung Quốc từng chứng kiến mối thân tình đặc biệt giữa danh sĩ Tất Nguyên và nam ưu (ý chỉ người bán dâm nam hạng sang) Quế Quan. Hai người họ tương ngộ tương tri, kẻ thì khổ luyện kinh thư, kẻ ân cần phục thị. Về sau, khi Tất Nguyên đỗ đạt trạng nguyên, Quý Quan bèn được người đời gọi là “phu nhân trạng nguyên”. Câu chuyện của họ trở thành ví dụ điển hình cho mối tình đồng tính giữa hai đấng nam nhi.
Tây An
Tây An thời xưa cũng là nơi ghi dấu nhiều chuyện tình đồng tính công khai trong xã hội. Đặc biệt, thời Tây Hán, dường như mỗi vị hoàng đế đều giữ bên mình một “người tình” bí ẩn, ấy là Hán Văn đế và Đặng Thông, Hán Vũ đế và Hàn Yên, Lý Diên Niên, đặc biệt hơn cả là Hán Ai đế và Đổng Hiền. Mối thân tình quân – thần giữa họ quả thực thắm thiết.
Đổng Hiền dù mang phận nam nhi, nhưng lại sở hữu gương mặt thanh tú như một mỹ nhân, từ lời nói tới cử chỉ đều y tạc đàn bà, tính tình lại nhẹ nhàng, e ấp. Vì lẽ ấy, Hán Ai đế luôn sủng ái, cưng nựng Đổng Hiền như với một cô gái liễu yếu đào tơ.
Hán Ai đế và "mỹ nam" Đổng Hiền từng một thời mặn nồng, thắm thiết.
(ảnh minh họa)
Tương truyền, có lần “mỹ nam” ngủ ngày, đầy gối lên tay áo Ai đế. Vì không muốn “người tình” phải tỉnh giấc nồng, nhà vua bèn lấy dao cắt tay áo rồi khẽ khàng trở dậy. Từ ấy về sau, trong dân gian Trung Quốc lưu truyền điển cố “đoạn tu” (cắt tay áo). Đây là cách biểu đạt tiêu chuẩn nhất, thường thấy nhất về chuyện tình đồng tính trong lịch sử phong kiến xưa kia. Theo ghi chép của sử sách, khi Ai đế băng hà, Đổng Hiền trở nên bơ vơ và bị Vương Mãng hoàng đế ghét bỏ ra mặt. Để tránh gặp họa, cũng là để đền đáp thứ ân tình sâu nặng của đấng quân vương với mình, “mỹ nam” cùng vợ con tự sát tại tư gia.
Đến cả vị minh quân Hán Văn đế cũng bị đồn là có mối tư tình đồng giới với Đặng Thông. Hai người họ quấn quít như đôi sam tối ngày. Nhà vua vì yêu mến, đã hào phóng ban cho ông ta nhiều vàng bạc, khiến Đặng Thông nhanh chóng trở thành kẻ giàu có nức tiếng trong thiên hạ. Mức độ sủng ái của Hán Văn đế dành cho họ Đặng lên tới đỉnh điểm khi nhà vua lệnh đem một núi đồng ở Nghiêm Đạo, quận Thục tặng riêng cho Đặng Thông, rồi cho phép tri kỷ của mình tự đúc tiền để dùng. Về sau, thiên hạ lưu truyền câu nói “tiền họ Đặng”, nguyên do cũng xuất phát từ mối tình sâu nặng ấy.
Lúc hoàng đế lâm bệnh, trên lưng xuất hiện cái nhọt lớn, máu mủ chảy ròng ròng, Đặng Thông ngày ngày ra vào cung, tận tình thăm nom, ân cần chăm sóc cho đấng quân vương. Để tỏ tấm lòng thành và sự báo đáp của mình, họ Đặng không ngại máu mủ tanh hôi, dùng miệng hút sạch thứ ấy khỏi người hoàng đế, giúp chúa thượng bớt đau đớn, nhức nhối. Mối thân tình cảm động giữa đấng minh quân Văn đế và Đặng Thông được người thời ấy và sau này hết lời ca ngợi.
Lâm Truy
Doanh Khâu (tức thuộc quận Lâm Truy, thành phố Truy Bác, tỉnh Sơn Đông ngày nay) vốn là kinh đô của nước Tề thời Xuân Thu. Tương truyền, vào thời Tề Cảnh Công cũng xuất hiện câu chuyện thú vị về tình cảm đặc biệt giữa bậc thiên tử và kẻ tôi tớ. Tại một buổi tiệc rượu linh đình trong cung, Tề Cảnh Công vô tình bắt gặp ánh nhìn đắm đuối của một người hầu phụ trách cờ xí với mình, khuôn mặt kẻ ấy lộ rõ vẻ ngưỡng mộ.
Thấy lạ, Tề Cảnh Công liền sai người hỏi rõ căn nguyên. Kẻ kia đáp rằng: “Nói cũng chết, không nói cũng chết. Chúa công thực có dung mạo hoàn hảo, nô tài nhìn ngắm suốt đời cũng không thấy đủ”. Nghe thấy thế, Tề Cảnh Công nổi cơn thịnh nộ. Ông không ngờ một tiểu thần lại cả gan coi đấng quân vương là đối tượng để ngắm nghía. Giận sôi người, Tề Cảnh Công định giết chết kẻ “to gan lớn mật”. May thay, tể tướng Yến Anh vào cung, trông thấy cảnh ấy bèn tìm cách khuyên giải: “Hạ thần nghe nói cự tuyệt niềm ham muốn, khát khao của người khác với mình là không thuận đạo lý, ghét bỏ sự yêu mến của người khác sẽ không cát tường. Người này tuy có chút bất kính với đại vương nhưng cũng vì lòng ngưỡng mộ mà ra, quả không đáng giết”. Cảnh Công nghe xong cũng dịu lòng, cảm được tình ý của kẻ kia, bèn lên tiếng gợi ý: “Nếu đúng là vậy thì đợi lúc quả nhân đi tắm, hãy để hắn vào hầu hạ kỳ lưng cho trẫm”.
Hoạt huyện
Xưa kia, Hoạt huyện, tỉnh Hà Nam được gọi là Sở Khâu. Nơi đây là kinh đô của nước Vệ thời Xuân Thu. Khi Vệ Linh Công lên ngôi trị vì, dù sở hữu vô vàn mỹ nữ trong cung, ông vẫn hết mực sủng ái “mỹ nam” Di Tử Hà.
Di Tử Hà từng có "mối tình chia đào" với Vệ Linh Công. (ảnh minh họa)
Họ Di vốn có quan hệ ruột rà với Tử Lộ - học trò cưng của Khổng Tử, lại sẵn tư chất thông minh, ngoại hình tuấn tú sáng sủa, khiến Vệ Linh Công mê mẩn không rời. Một đêm, khi Di Tử Hà đang ở lại trong cung, có người báo tin mẫu thân anh ta đột nhiên lâm bệnh. Di vội vàng lấy xe của vua để về thăm mẹ. Theo luật của triều đình nước Vệ, nếu tự tiện dùng xe của hoàng đế sẽ bị chặt đứt hai chân, nhưng khi biết chuyện, Vệ Linh Công chẳng hề trách mắng, mà hết lời ca tụng: “Thật là người con hiếu thuận, vì mẹ mình mà không sợ bị cắt bỏ đôi chân”.
Lại có lần vua tôi hai người cùng dạo chơi trong vườn quả, Di Tử Đào đưa tay hái một trái đào, ăn thấy rất ngọt, bèn đưa phần còn lại cho Vệ Linh Công thưởng thức.
Theo quy định trong triều, kẻ tôi tớ cả gan ăn trước vua sẽ bị khép vào tội khi quân phạm thượng, thậm chí mất mạng. Nhưng đấng quân vương đứng đầu thiên hạ ấy lại hân hoan đón nhận trái đào cắn dở, miệng không ngớt khen ngợi: “Di Tử Hà quả rất yêu quý ta! Rõ ràng là vẫn muốn ăn nhưng vì trẫm mà phải bỏ dở cơn thèm thuồng của mình”. Kể từ đó, thiên hạ thường gọi mối tình đồng tính giữa Vệ Linh Công và Di Tử Hà là “mối tình chia đào”.
Khai Phong
Khai Phong thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay. Thời phong kiến, nó có tên gọi là Đại Lương – kinh đô của nhà Ngụy thời Chiến Quốc. Ngụy An Ly Vương cũng từng vướng vào thứ tình yêu đồng giới tai tiếng với “mỹ nam” Long Dương Quân.
Anh chàng mặt đẹp Long Dương Quân. (ảnh minh họa)
Có lần, nhà vua cùng kẻ sủng thần Long Dương Quân đi câu cá. Long Dương Quân tỏ ra thành thục với thú tiêu khiển này, chỉ trong chớp mắt đã câu được hơn chục con. Đang chơi vui, Long Dương Quân bỗng lệ rơi đầy mặt. Ngụy Vương thấy vậy bèn lo lắng dò hỏi nguyên do. Long Dương Quân vừa khóc vừa bẩm rằng: “Chính là vì lũ cá này. Khi mới câu được, thần thấy rất vui, nhưng cứ câu được con cá to hơn thì thần lại muốn vứt bỏ những con trước đó. Thần lại nghĩ đến thân phận mình, lẽ nào thần cũng như lũ cá kia. Trong cõi bốn bể nhân gian này, mỹ nhân nhiều không đếm xuể. Họ đem lòng đố kỵ với tiểu thần vì được nhà vua sủng ái. Cũng vì lẽ ấy, đám người này đua chen để được ở gần đại vương. Xem ra, tiểu thần rồi cũng sẽ như lũ cá kia, bị vứt bỏ lãng quên, nghĩ đến cảnh ấy, thần không buồn không khóc sao được?”.
Ngụy Vương nghe thấy vậy, cảm động vô cùng, vội vàng an ủi Long Dương Quân rồi ban lệnh: “Từ này về sau, kẻ nào dám ca tụng, tiến cử mỹ nhân, sẽ bị tru di cả họ”. Thủ đoạn ấy của Long Dương Quân thật quá cao tay, khiến đám mỹ nhân trong cung khó bề tiếp cận bậc thiên tử. Người đời sau thường dùng thành ngữ “Long Dương” hay “mê Long Dương” để chỉ mối tình đồng giới.
Hàng Châu
Hàng Châu là chốn sơn thủy hữu tình, người lẫn vật phong lưu đa cảm. Tương truyền, vào những năm Vạn Lịch triều Minh, nơi đây xảy ra một câu chuyện ma mị. Tại cầu Mao Nhi có con hồ ly đực, đêm đêm hóa thành chàng thiếu niên mặt đẹp như ngọc, chuyên ve vãn, mê hoặc những kẻ dâm phu, những người đi một mình qua khu vực này. Nhiều người trở nên mê đắm “mỹ nam” bí ẩn, hằng đêm lần mò đến đây để được gặp gỡ, tâm tình cùng người trong mộng cho thỏa nhớ mong.
Chuyện ấy cho thấy, quan hệ đồng giới thời xưa không hề hiếm hoi. Đến cả hồ ly cũng thích hóa thành “mỹ nam” để vui vầy “cá nước” với đám đàn ông trong thiên hạ.
Đất Việt