Hạ mình để tiếp cận người đẹp
Trong số rất nhiều giai thoại tiêu biểu về nhà quân sự, nhà kinh tế và nhà thơ lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam Nguyễn Công Trứ, người ta có nhắc đến giai thoại về chuyện "cưa gái" của ông. Câu chuyện về người đàn ông đa tài, đa tình và đa đoan này gắn liền với một người đẹp có tên là Hiệu Thư.
Nguyễn Công Trứ sinh ra ở làng Uy Viễn, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ngay từ thuở hàn vi, ông đã thể hiện là người mê ca hát, nhất là hát phường vải và ca trù.
Ngay gần làng Uy Viễn có làng Cổ Đạm - một phường ca trù nổi tiếng vào loại nhất nước. Đây cũng là nơi quy tụ rất nhiều đào nương tài giỏi và xinh đẹp, trong số đó có nàng Hiệu Thư.
Chân dung Nguyễn Công Trứ (Ảnh: Internet).
Tương truyền cô đào Hiệu Thư có phong tư diễm lệ, tài hoa xuất chúng, giọng hát tuyệt hay, nhưng có lẽ vì vừa xinh đẹp, vừa tài giỏi nên tính tình rất kiêu kì. Thông thường, nàng chỉ tiếp những vương tôn công tử, những người nổi danh mà thôi.
Ngày ấy, trong giới đàn ca hát xướng, Nguyễn Công Trứ cũng biết giá trị của mình. Ông nổi tiếng khắp vùng là người đàn hay, đánh trống chầu chưa ai trách, ứng tác bài hát thì đến giới ca nhi không ai không phục. Tài năng là thế, lại rất say mê Hiệu Thư mà nàng vẫn chẳng ngó ngàng đến. Nguyễn Công Trứ đành phải “kính nhi viễn chi”.
Sau ông nghĩ kế hạ mình xin vào làm kép cho Hiệu Thư, hễ nàng đi hát ở đâu thì ông cũng được đi theo gảy đàn.
Hiệu Thư liền đồng ý ngay. Vậy là bước đầu trong kế hoạch chinh phục người đẹp của Nguyễn Công Trứ đã thành công. Nhưng vì lần nào đi hát, gánh hát cũng đông đúc nên ông chưa thể thổ lộ được tình cảm với nàng.
Một tối nọ, gánh hát ca trù làng Cổ Đạm được mời sang hát ở Vĩnh Yên, cách đó khá xa. Hiệu Thư được điều đi phục vụ và nàng xin ông bầu gánh hát mời Nguyễn Công Trứ đi theo để vừa họa đàn, vừa đặt lời ca.
Trên đường đi, không hiểu vì sao hai người bị tụt lại sau mọi người trong đoàn. Nhận thấy đây chính là cơ hội vàng cho ông nhưng lại vướng bởi có một đứa tiểu đồng nhỏ theo hầu. Đến giữa cánh đồng vắng vẻ, Nguyễn Công Trứ giả vờ sửng sốt vì phát hiện mình đã bỏ quên dây đàn ở nhà.
Tưởng thật, Hiệu Thư sai chú tiểu đồng chạy về lấy hộ. Thế rồi trên cánh đồng lúa vắng vẻ, chỉ còn đôi trai tài gái sắc, ông đã buông lời tán tỉnh, trêu ghẹo Hiệu Thư. Cô đào xinh đẹp chỉ “ứ hự” chứ không từ chối hay mắng nhiếc gì. Nhưng mối quan hệ giữa hai người cũng chỉ lưng chừng ở đó.
Nhiều năm trôi qua, Nguyễn Công Trứ đã trở thành Tổng đốc Hải An (Hải Dương ngày nay). Một lần, ông cho tổ chức cuộc hát xướng tại tư dinh, có mời các danh ca đến phục vụ. Không ngờ trong số những người được mời đến lại có cả cô đào Hiệu Thư năm xưa.
Khi bước ra trình diễn, Hiệu Thư nhận ra quan Tổng đốc đang ngồi nghe hát ở phía trên chính là chàng kép Trứ ngày nào theo mình, nàng liền cất giọng: “Giang san một gánh giữa đồng/Thuyền quyên ‘ứ hự’ anh hùng nhớ chăng?”.
Nghe câu hát, Nguyễn Công Trứ giật mình nhớ lại chuyện cũ. Nhìn lại nàng ca kĩ vừa cất lời hát đó, quan Tổng đốc thảng thốt hỏi: “Có phải Hiệu Thư đó không?”.
Khi cuộc hát tàn, hai người ngồi lại tâm sự, Hiệu Thư kể cho Nguyễn Công Trứ nghe quãng đời chìm nổi, phiêu bạt của mình kể từ đêm trên cánh đồng năm ấy. Biết Hiệu Thư vẫn chưa có chồng, quan Tổng đốc liền quyết định cưới nàng làm thiếp.
Câu chuyện tình của mình đã được ông ghi lại trong một bài thơ: “Liếc trông đáng giá mấy mười mươi/ Đem lạng vàng mua lấy tiếng cười/ Giăng xế nhưng mà cung chẳng khuyết/ Hoa tàn song lại nhuỵ còn tươi/ Chia đôi duyên nợ, đà hơn một/ Mà nét xuân kia vẹn cả mười/ Vì chút tình duyên nên đằm thắm/ Khéo làm cho bận khách làng chơi”.
Nguyễn Công Trứ đã hạ mình xin làm kép cho người đẹp để tiếp cận nàng
Đục tường tìm vào phòng người yêu
Một trong những tuyệt chiêu "cưa gái" nổi đình nổi đám của danh nhân xưa được người đời nay lưu truyền đó là chiêu đục tường tìm đến phòng người yêu của lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo. Ông sinh năm 1651, mất năm 1719, còn gọi là Trạng Bịu, quê ở Tiên Du (Bắc Ninh). Bên cạnh việc nổi tiếng vì là người có tư chất thông minh và danh vọng, khoa bảng lẫy lừng thì câu chuyện tình của ông cũng có nhiều điều khác biệt.
Giai thoại kể rằng thuở trẻ, khi đang học ở kinh đô, nhân ngày rằm tháng giêng, trạng Bịu cùng với tiểu đồng và bạn bè đi thăm kinh thành. Ông định vào chùa Báo Thiên vãn cảnh thì vừa đến cổng chùa đã thấy một chiếc kiệu hoa với lính hầu, nĩ từ đi theo.
Bước xuống từ kiệu hoa là một người con gái mặt hoa da phấn, vẻ đẹp mặn mà. Trạng Bịu ngây người trước vẻ đẹp của tiểu thư mà quên cả ngắm cảnh. Ông chỉ biết lần theo bước chân người đẹp vào lễ chùa.
Thấy người đẹp thắp hương cầu Phật, trạng Bịu tiến đến đứng sát bên cạnh, cố tình khấn thật to, cố ý để tiểu thư nghe được: “Nam mô a di đà phật, cầu phật phù hộ cho vợ chồng con bách niên giai lão”. Nghe vậy, các thị tỳ theo hầu nàng cho là trạng Bịu cợt nhả liền mắng nhiếc ông vô lễ, cả gan mạo phạm tiểu thư con nhà danh giá.
Lạ thay, người đẹp không hề trách cứ gì mà chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở đám người hầu đi lễ phật không được phép mắng người. Nói rồi nàng lên kiệu ra về.
Trạng Bịu thấy tiểu thư vừa đẹp người, vừa hay nết, ông âm thầm theo dõi và biết nàng con nhà võ quan Ngô Hiến hầu.
Trở về xóm trọ, trạng Bịu ngày đêm tơ tưởng bóng đáng người đẹp. Một đêm, ông liều mình trèo tường vào dinh thự, tìm đến thẳng phòng tiểu thư, khoét tường chui vào buồng nàng và trèo lên giường ngủ chung.
Đang say giấc nồng, tiểu thư bỗng nhiên giật mình tỉnh dậy, hoảng hốt hỏi ông là ai thì trạng Bịu thành thật trả lời: “Từ bữa gặp nhau ở chùa, tôi trằn trọc thương nhớ khôn nguôi, định tìm mai mối, lại sợ làm nhơ đến quan tể tướng, chưa chắc được ngài đoái hoài tới. Nay cả gan ở đây, định đính ước trăm năm với tiểu thư”.
Nghe tiếng ồn ào, cha người đẹp xuống hỏi chuyện và đem trói trạng Bịu lại. Nhưng khi nghe ông khai là danh sĩ đất Kinh Bắc, lại nghe bài phú mà Nguyễn Đăng Đạo làm thử, nghĩ đây phải là người tài cán, nhiều hoài bão nên đã tha tội.
Ngô Hiến hầu còn làm phòng riêng cho Nguyễn Đăng Đạo ở, cấp dầu đèn cho học. Năm sau, ông đi thi đỗ đầu kỳ thi Hương, được Ngô Hiến hầu đón về ở rể, tác thành nhân duyên với con gái mình.
Theo Trí Thức Trẻ