Trải qua các triều đại, lầu xanh vẫn tồn tại, và yếu tố thu hút lớn nhất không nằm ở các món ăn ngon, mà chính là những kỹ nữ xinh đẹp bên trong. Tiêu biểu như "Tần Hoài Bát Diễm" - tám kỹ nữ nổi danh nhất vùng Tần Hoài, họ sở hữu vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, cùng tài năng biểu diễn điêu luyện khiến không ít đại gia sẵn sàng chi tiền không tiếc tay. Những ai muốn "gần gũi hơn" thì càng phải bỏ ra số tiền kếch xù, vì thế lầu xanh thời đó cũng được ví như "hang tiêu tiền".
(Ảnh minh họa)
Kỹ nữ trong lầu xanh được phân thành hai loại chính: "xướng kỹ" và "mại kỹ". Trong đó, mại kỹ là người bán thân xác, bị xếp vào hàng "hạ cửu lưu", còn xướng kỹ thì bán nghệ chứ không bán thân, đòi hỏi ngoại hình nổi bật cùng tài nghệ tinh thông như cầm kỳ thi họa. Họ phục vụ giới quý tộc, văn nhân, và đôi khi có thể được gả vào gia đình danh giá, có kết thúc tương đối tốt. Ngược lại, mại kỹ đa phần chỉ sống được vài năm thanh xuân ngắn ngủi, khi tuổi trẻ và nhan sắc phai tàn, cuộc sống về sau thường rất bi đát.
Khi nhan sắc phai tàn, số phận những kỹ nữ sẽ đi về đâu? Không như phim ảnh lãng mạn hóa, hiện thực của họ lại đầy gian truân và bi kịch (Ảnh minh họa)
Theo đó, khi đã hết thời, kỹ nữ thường có ba con đường lựa chọn:
1. Tự chuộc thân hoặc được người chuộc thân
Trường hợp tự chuộc thân: Người kỹ nữ có thể gom góp tiền để rời khỏi lầu xanh, sau đó tìm đến một vùng quê xa xôi để sống cùng người chồng hiền lành, chất phác, một cuộc sống giản đơn nhưng an toàn. Tuy nhiên, có không ít người vì yêu mà đem toàn bộ số tiền dành dụm giao cho người mình yêu, rồi cuối cùng bị phụ bạc.
(Ảnh minh họa)
Nếu được người có thế lực chuộc thân: Thường sẽ trở thành thiếp thất trong gia đình đó. Còn chuyện được làm chính thất thì gần như không có khả năng.
2. Ở lại lầu xanh làm tú bà
Một số người giỏi giao tiếp, có đầu óc kinh doanh sẽ ở lại làm tú bà, hoặc mở một lầu xanh riêng, nhưng việc này đòi hỏi vốn và quan hệ, không phải ai cũng làm được. Thu nhập từ việc này không nhỏ, nhưng về lâu dài vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể tay trắng nếu làm ăn thua lỗ. Ngoài ra, tuổi già bệnh tật, thường do di chứng từ thời thanh xuân, khiến họ sống trong cô độc và thiếu thốn, không ai chăm sóc.
(Ảnh minh họa)
3. Xuất gia làm ni cô
Đây được xem là con đường "từ bỏ trần tục" để sám hối lỗi lầm. Nhiều kỹ nữ sau khi không còn chỗ đứng trong lầu xanh, không nơi nương tựa, đã chọn quy y cửa Phật. Tuy nhiên, đời sống trong chùa cũng không hẳn yên bình, từng có những vụ việc thanh niên đột nhập chùa, gây ra nhiều chuyện bi kịch. Dù vậy, so với việc lưu lạc đầu đường xó chợ, thì việc nương nhờ cửa Phật cũng được xem là một cách "từ bỏ quá khứ, hướng tới tương lai".
(Ảnh minh họa)
Dĩ nhiên, cũng có những người kỹ nữ khôn khéo, biết tích góp và xây dựng quan hệ từ sớm. Sau khi rời lầu xanh, họ dùng tài sản và các mối quan hệ để kinh doanh, sống một cuộc đời khá giả và độc lập. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít trường hợp. Phần lớn kỹ nữ thời xưa, sau khi nhan sắc phai tàn, đều lặng lẽ rút lui khỏi thế giới phù hoa, mong mỏi tìm được một mái ấm bình dị để sống nốt quãng đời còn lại. Đối với họ, đó cũng là một kết thúc viên mãn rồi.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)