Thái giám
Là một hoàng đế, cai quản thiên hạ, do vậy, việc sủng hạnh hậu phi cũng phải được thực hiện một cách trịnh trọng để thể hiện quyền uy, đồng thời giữ gìn trật tự trong hoàng cung. Chính vì thế, hậu cung của hoàng đế mới “đẻ” ra một cơ quan có tên là “Kính sự phòng” do các thái giám đảm nhiệm. Nhiệm vụ của Kính sự phòng là chuẩn bị tên tuổi các phi tần, mỹ nữ để hoàng đế lựa chọn.
Sau khi hoàng đế chọn xong thì tới công tác chuẩn bị, từ các khâu đưa đón cung phi cho tới việc sắp xếp phòng ốc, thời gian. Đồng thời, thái giám của Kính sự phòng còn kiêm luôn cả việc ghi chép lại ngày tháng cũng như tên tuổi của cung phi được hoàng đế sủng hạnh để sau này đối chiếu nếu như cung phi này có mang.
Do đảm nhiệm rất nhiều khâu trong quá trình chuẩn bị chuyện chăn gối cho hoàng đế mà khâu nào cũng có thể lách luật, gian lận được, thành ra, các thái giám tại Kính sự phòng cực kỳ có uy trong chốn hậu cung. Nếu như phi tần nào lỡ đắc tội với những thái giám này thì coi như gặp đại hạn.
Bởi lẽ, chỉ cần những thái giám này không vừa ý thì có khi cả năm, phi tần đó cũng không thể nhìn thấy mặt hoàng đế. Ở ngôi cao, lại phải lo lắng trăm thứ quốc gia đại sự, hoàng đế sao để ý đến số phận từng phi tần trong chốn hậu cung bạt ngàn mỹ nữ của mình? Chính vì lẽ ấy, thông thường, các phi tần thường phải nịnh nọt, thậm chí là đút lót cho các thái giám này.
Nữ quan
Trong việc chuẩn bị chuyện chăn gối cho hoàng đế, nữ quan có thể xếp ngang hàng với thái giam. Mặc dù trên bề mặt thì thanh thế của nữ quan không thể bằng được thái giám, song cho dù thái giám được giao trọng trách đến mức nào đi nữa mà không có sự phối hợp của nữ quan thì cũng không thể làm được việc gì. Hầu như tất cả những việc xấu trong chốn hậu cung đều do nữ quan và thái giám cấu kết mà làm ra.
Chẳng hạn vào thời nhà Minh, sau khi công chúa kết hôn sẽ được chuyển tới ở tại Thập Vương Phủ trong nội cung. Lúc bấy giờ, hoàng đế sẽ ban một số cung nữ cho công chúa để làm những người hầu thân cận sau khi lấy chồng. Những cung nữ này được gọi là “bà quản gia” nắm giữ quyền quản lý rất nhiều chuyện, có thể nói là khá có quyền lực.
Khi phò mã muốn gặp công chúa thì một trong những cửa ải quan trọng nhất cần phải vượt qua chính là bà quản gia này. Muốn mọi việc thuận lợi, phò mã buộc phải hối lộ tiền cho bà quản gia. Bởi lẽ, theo quy định, nếu không có bà quản gia truyền đạt thông tin, phò mã sẽ không có cách nào để vào nội cung gặp được công chúa.
Cũng vì nguyên nhân này mà xảy ra không ít chuyện bất hạnh. Phò mã, chồng của em gái Minh Thần tông do không hối lộ đủ tiền cho nữ quan nên không có cách nào gặp được công chúa, cuối cùng bị chứng thần kinh suy nhược rồi qua đời. Cô công chúa kém may mắn không hề biết chuyện này, cả đời phải sống kiếp góa phụ.
Lại có lần, cô công chúa được Minh Thần tông yêu nhất cho gọi phò mã vào cung thì gặp đúng lúc bà quản gian đang bận vui vẻ với tên hoạn quan mà bà ta yêu. Vì thế, dù chưa được bà quản gia truyền tin song phò mã vẫn tự động vào cung. Bà quản gia biết được chuyện này, vô cùng tức giận, bèn đuổi phò mã ra khỏi cung, đồng thời mắng cho công chúa một trận vì tội “vô phép”.
Công chúa cũng rất tức giận, định sáng ngày hôm sau sẽ đi mách với mẫu hậu. Không ngờ, bà quản gia đã tới gặp hoàng hậu từ rất sớm, mách lẻo chuyện của công chúa nên khi công chúa tới nơi thì bị hoàng hậu mắng cho một trận.
Vị phò mã bị đuổi ra khỏi cung định vào triều để tự biện minh cho mình. Tuy nhiên, bà quản gia cùng với bọn hoạn quan cùng phe cánh đã đợi ở cổng cung, hợp sức đánh cho phò mã một trận lên bờ xuống ruộng. Sự việc càng ngày càng bị làm lớn. Cuối cùng, phò mã bị quy tội vô lễ, phạt 3 tháng không được vào cung, còn bà quản gia thì được khen thưởng. Từ sự việc này, có thể thấy, hoạn quan và nữ quan có thể ngang ngược tới mức nào.
Vú nuôi
Vào thời nhà Minh ở Trung Quốc, tại Bắc Kinh, ở bên ngoài cửa Đông An có một tòa nhà gọi là Lễ nghi phòng. Đây chính là nơi các bà vú được tuyển chọn đợi lệnh trong cung truyền ra, gọi là “phủ bà vú”. Phủ bà vú do thái giám Đề đốc Tư lễ giám quản lý. Mỗi mùa, người ta sẽ truyền khoảng 40 bà vú, nuôi dưỡng và trả lương tại đây chờ ngày được trong cung truyền lệnh đưa vào. Những người này gọi là “bà vú mùa vụ”. Ngoài ra, còn có khoảng 80 bà vú khác cũng được chọn, nhưng chỉ đăng ký thành danh sách để đề phòng trường hợp cần phải dùng đến.
Vú nuôi đương nhiên có những tác dụng nhất định trong các công việc của nội đình, mà khi đã có tác dụng thì đường nhiên có quyền và sức ảnh hưởng. Đó là chưa kể, tác dụng của vú nuôi thường diễn ra trong một thời gian dài. Một khi bà vú trở thành vú nuôi của hoàng tử, hoàng tôn thì hoàng tử, hoàng tôn sẽ nhớ tới vú nuôi cả đời.
Tiếp đó, một khi hoàng tử hoàng tôn được chọn kế vị, lên ngôi vua thì quyền lực của vú nuôi càng tăng lên gấp bội, nhiều người thậm chí còn được phong tước. Chẳng hạn như An đế thời Đông Hán phong cho vú nuôi của mình là Vương Thánh Tước Dã Vương Quân, Đường Trung tông phong cho vú nuôi của mình là Bình Ân Quận Phu nhân, Đường Duệ tông phong cho vú nuôi của con trai mình là Tưởng thị tước Ngô Quốc Phu nhân …
Hoàng đế đối xử tốt với vú nuôi không chỉ vì từ nhỏ đã bú sữa của họ mà còn vì những quy phạm lễ giáo thời phong kiến. Bởi lẽ, họ đã bú sữa của vú nuôi mà khôn lớn, do vậy, họ cần phải thể hiện một chút lòng hiếu kính của mình. Những người phụ nữ này tuổi còn rất trẻ đã phải từ biệt chồng con vào cung, đó là việc rất khó có thể chịu đựng. Hầu hết họ đều đã có những trải nghiệm về chuyện ân ái, nay vào cug lại phải sống cảnh cô độc, không được gần gũi đàn ông.
Tuy nhiên, cũng có nhiều vú nuôi nhờ vào việc hoàng tử hoàng tôn lên ngôi mà có được quyền lực cũng như sự ảnh hưởng tới hoàng đế. Vì thế trong lịch sử Trung Quốc, việc bà vú nuôi tư thông với đàn ông ngay trong cung cũng chẳng phải là việc gì hy hữu.
Theo Hôn Nhân & Pháp Luật