Là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chỉ huy chính trong Chiến tranh Đông Dương (1946–1954) và chiến tranh Việt Nam (1960–1975).
Ông cũng trực tiếp và tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng như Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, trận Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch Xuân Hè năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh…
Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chỉ huy trưởng kiêm chính ủy mặt trận của chiến dịch này. Ông đã lãnh đạo 29.500 binh sĩ đánh bại 10 tiểu đoàn Âu Phi, 1 tiểu đoàn và 9 đại đội lính Việt của Pháp, phá hủy hoàn toàn vành đai đồn bốt Pháp thực hiện sau năm 1947 để bao vây Việt Bắc. Chiến dịch khai thông biên giới Việt-Trung (từ Cao Bằng đến Đình Lập), mở rộng địa bàn kiểm soát lên đến 4.000 km2 và 35 vạn dân.
Trên đường đi chiến dịch Biên giới 1950, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp
thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chiến dịch Biên Giới nối tiếp hàng loạt các nỗ lực thực hành đánh công kiên xung quanh Việt Bắc, từ Lào Cai,Yên Bái (đồn Phố Lu) cho đến Lạng Sơn, Quảng Ninh (các đồn An Châu, Phố Ràng...). Sau chiến dịch này, quân Việt Nam hoàn toàn thoát khỏi thế bao vây, thành lập nhóm cơ động gồm các đại đoàn mạnh, mở nhiều cuộc tiến công lớn xa căn cứ Việt Bắc, giành quyền chủ động từ tay quân Pháp.
Đây là chiến dịch đầu tiên mà Quân Đội Nhân Dân Việt Nam chủ động tấn công, làm thay đổi cục diện chiến trường: bắt đầu giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ. Quân Pháp thất bại lớn cả về quân sự và chính trị, bị đẩy lùi vào thế phòng ngự bị động. Chiến dịch này có ý nghĩa bản lề quan trọng, là bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Pháp
Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu
Đây cũng là chiến dịch đưa tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nổi tiếng khắp năm châu, đánh dấu sự thành công của nghệ thuật chiến tranh du kích do ông áp dụng. Ông cũng chuyển phương án tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Chậm mà chắc” và đã thành công.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình chiến dịch Điện Biên Phủ với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho xăng, đạn dược, quân trang quân dụng. Tướng Đờ-cat-tơ-ri và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm của địch bị bắt sống. Gần 1 vạn quân địch nhảy ra khỏi hầm xin hàng. Đêm đó ta tấn công bắt sống toàn bộ quân địch ở phân khu Nam.
Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược. “Đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (cố Tổng Bí thư Lê Duẩn)..
Chiến dịch Hồ Chí Minh
Chiến dịch Hồ Chí Minh, là chiến dịch cuối cùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và cũng là chiến dịch cuối cùng của cuộc Chiến tranh Việt Nam. Chiến thắng này đã chấm dứt hoàn toàn sự chia cắt hai miền Nam - Bắc Việt Nam sau 21 năm, đưa đến việc thống nhất xã hội, chế độ chính trị, dân cư và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền, vùng lãnh hải, vùng trời và một số hải đảo.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vai trò chỉ huy đã lựa chọn phương châm tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để tác chiến. Thay vì đánh thẳng vào “bộ não” của địch ở Sài Gòn, quân ta chọn Buôn Mê Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch. Mưu kế chiến lược của ông là bày ra một hình thế giàn trận chiến lược - bày binh bố trận nhằm ghìm địch ở hai đầu Nam Bắc chiến tuyến là Sài Gòn và Huế - Đà Nẵng để tạo thế phá vỡ Tây Nguyên.
Quân ủy Trung ương đang theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Trong ảnh, từ trái sang
phải là Đại tá Lê Hữu Đức (Cục trưởng Cục tác chiến), Thượng tướng Hoàng Văn Thái (Phó Tổng
tham mưu), Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm (Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần), Thượng tướng
Song Hào (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng tư lệnh,
Bộ trưởng Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương) và Trung tướng Lê Quang Đạo
(Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị). - (Ảnh: Sách ảnh"Đại tướng
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp").
Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên là thắng lợi của mưu kế, của sự đấu mưu đấu trí, của tinh thần chiến đấu và dựa vào thế trận lòng dân. Từ chiến thắng Tây Nguyên đã tạo thế cho chiến dịch gối đầu Huế - Đà Nẵng được mở ra nhanh chóng giành được những thắng lợi liên tiếp. Ngay khi giải phóng Đà Nẵng, nắm bắt thời cơ, ngày 29/3/1975 Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp quyết định giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975.
Đây là một quyết định rất sáng suốt, rất triệt để cách mạng theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là: đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào. Nắm chắc thời cơ đó, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận giải phóng mền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
Theo Trí Thức Trẻ