Bức hình Anne khi còn bé.
Cách đây gần 70 năm, có một cuốn nhật ký được viết trong Thế chiến thứ II đã làm lay động trái tim của hàng triệu người trên khắp thế giới…
Với lời tâm sự chan chứa tình cảm trong sáng, niềm hi vọng, lạc quan khi 13 tuổi nhưng cuốn nhật ký của Anne Frank đã khiến thế giới hiểu được những đau thương của người Do Thái.
Từ đó, mọi người có thể mường tượng ra cuộc đấu tranh gìn giữ hi vọng của một tâm hồn yêu đời và can trường trong những ngày đen tối nhất của thế kỷ XX khốc liệt như thế nào.
Cuộc đời ngắn ngủi của bé gái 15 tuổi…
Anneliese Marie Frank (1929 - 1945) sinh ra tại Đức trong một gia đình người Do Thái. Cô là con gái thứ hai của Otto Heinrich Frank - một sĩ quan của quân đội Đức thời Thế chiến thứ I. Anneliese có một chị gái tên Margot và những người xung quanh thường gọi cô là Anne.
Tuổi thơ của cô bé không hề bình lặng và đẹp đẽ như những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Năm Anne lên 3 tuổi cũng là lúc Adolf Hitler lên nắm quyền, những người Do Thái như gia đình cô buộc phải chạy trốn khỏi nước Đức.
Cả gia đình Anne tới chỗ bố cô làm việc ở Amsterdam (Hà Lan). Thành phố này trở thành nơi nuôi dưỡng tuổi thơ của cô bé Do Thái.
Từ nhỏ, Anne đã bộc lộ sự ham mê của mình với những cuốn sách và việc viết văn. Sinh nhật năm 13 tuổi, bố Otto Frank đã tặng cho Anne một quyển sổ nhỏ mà hai cha con đã nhìn thấy ở hiệu sách.
Nhận được món quà từ cha, Anne dùng nó để viết những dòng nhật ký. Cô viết ngay và dùng những trang đầu tiên để mô tả bản thân, gia đình và người xung quanh mình.
Nhưng rồi chỉ một tháng sau, cả gia đình Anne lại một lần nữa phải trốn chạy. Trước sự truy đuổi gắt gao của Đức Quốc Xã, mọi người tới ở trong ngôi nhà của gia đình bà Miep Gies. Chỗ ẩn náu của họ được che chắn bởi một kệ sách nhỏ. Kể từ đây, đường dây liên lạc duy nhất của gia đình Anne với thế giới bên ngoài chính là những nhân viên công ty đã giúp đỡ bố Otto Frank của cô.
Sau đó không lâu, ở chung với gia đình Anne còn có thêm 4 người nữa. Đó là gia đình Pels và nha sĩ Fritz Pfeffer. Họ cùng sinh sống trong “Căn nhà bí mật” - tên gọi mà Anne đặt cho nơi ở của mình trong 25 tháng, với sự lo lắng và sợ hãi Đức Quốc Xã sẽ truy lùng được những người Do Thái như gia đình cô.
Kệ sách chắn lối vào ngôi nhà bí mật của Anne và gia đình.
Điều gì phải đến cuối cùng đã đến. Một kẻ chỉ điểm đã báo cảnh sát nên sáng ngày 04/08/1944, quân Đức ùa vào ngôi nhà nơi gia đình Anne trốn. 8 người Do Thái bị bắt và đưa tới trại tập trung khét tiếng Auschwitz.
Tại đây, họ bị tách riêng theo giới tính và đó là lần cuối cùng Anne nhìn thấy bố mình. Tới tháng 10, Anne và chị gái Margot bị đưa tới trại Bergen-Belsen và họ cũng không bao giờ gặp lại mẹ mình nữa.
Bergen-Belsen là điểm dừng cuối cùng của cuộc đời hai chị em. Anne và chị gái đều đã mất vì bệnh thương hàn, chỉ vài tuần lễ trước khi quân đội Anh giải phóng nơi này. Những tù nhân ở cùng Anne kể lại rằng, những ngày cuối đời, cô bé bị rụng tóc, gầy hốc hác, run lẩy bẩy và toàn thân mọc mụn mủ.
Hình ảnh trại Bergen-Belsen, nơi hai chị em Anne Frank qua đời.
Cuốn nhật ký của thế kỷ…
Số phận của Anne Frank có lẽ sẽ ít người biết tới nếu như cuốn nhật ký của cô không được xuất bản. Otto Frank không chết. Sau chiến tranh, ông quay lại Amsterdam. Tại đây, ông tìm được quyển nhật ký của con gái và ông quyết định cho xuất bản nó.
Trong những trang nhật ký của mình, Anne đã kể lại toàn bộ 25 tháng sống trong bí mật của gia đình mình. Cô ghi lại toàn bộ những cảm xúc của mình về mọi việc, những thắc mắc về tôn giáo, giới tính. Những ngày đầu tiên, Anne rất vui vì được sống cùng 4 người khác, có thêm bạn bè để trò chuyện.
Sau đó, cô bắt đầu rơi vào khủng hoảng: bất hòa với ông nha sĩ ở cùng phòng, cảm thấy mối quan hệ với mẹ cô trở nên căng thẳng. Nhưng dần dần, Anne hiểu ra đó chỉ là những hiểu lầm và cô trưởng thành hơn trong suy nghĩ, trở nên thông cảm và tôn trọng mẹ hơn.
Cô nuôi dưỡng khát vọng văn chương, viết chỉn chu từng dòng nhật ký, mong muốn chính phủ cho phép nó xuất bản khi kết thúc chiến tranh như những gì cô nghe được trên radio.
Anne viết trong nhật ký của mình: "Đây là bức ảnh mà mình muốn ngắm mọi lúc. Và mình sẽ có cơ hội tới Hollywood".
Đặc biệt, trong nhật ký của mình, Anne kể lại cuộc tình lãng mạn với cậu bé 16 tuổi - Peter van Pels. Hai người đã có nụ hôn đầu đời trong những ngày tháng bí mật ở Amsterdam, nhưng sau đó, Anne nhận ra đó chỉ là tình cảm của những người đồng cảnh ngộ.
Trang nhật ký cuối cùng được viết 3 ngày trước khi cả 8 người bị bắt. Bà Miep Gies - chủ căn nhà đã giữ lại quyển nhật ký và ảnh gia đình của Anne, đưa lại cho bố cô sau khi chiến tranh kết thúc.
Nhật ký của Anne Frank xuất bản nhanh chóng tạo nên một làn sóng, cơn sốt lớn. Mọi người sững sờ trước những suy nghĩ sâu sắc của một bé gái mới 13 tuổi về những gì xảy ra trong Chiến tranh thế giới II.
Anne Frank và cậu bạn trai hơn 1 tuổi Peter van Pels.
Song hơn hết, quyển nhật ký đã đưa tới một góc nhìn khác về tội ác diệt chủng mà Đức Quốc Xã đã gây ra. Cho tới nay, nhật ký đã được dịch ra 55 thứ tiếng khác nhau, trở thành sách gối đầu giường cho nhiều thế hệ.
Theo Maskonline.vn