Vì sao? Một số kiến giải cho rằng người đẹp có tài năng nghệ thuật này là điệp viên của Liên Xô ở nước Đức phát xít. Tuy nhiên cho tới nay, sự thật này vẫn chưa được giãi bày thật sáng tỏ...
1. Ôn-ga Trê-khô-va - người cháu họ của vợ chồng nhà văn Nga nổi tiếng An-tôn Páp-lô-vích Trê-khốp (1860-1904), có nhiều phẩm chất tốt: Đoan trang, thông minh, tinh tế và có năng khiếu nghệ thuật. Nhưng tài năng đặc biệt của bà vẫn là biết cách "làm mất trí những người đàn ông". Bà con họ hàng gọi Ôn-ga là người phiêu lưu mạo hiểm. Bà rất yêu người đàn ông tài ba nghệ thuật, cũng là cháu họ của nhà văn Trê-khốp - Mi-kha-in Trê-khốp. Trong hồi ký "Đồng hồ của tôi chạy theo cách khác", Ôn-ga viết: "Tôi đã bị hớp hồn bởi anh ấy".
Thế nhưng, khi đã thành gia thất, đã có bé gái kháu khỉnh A-lốt-sơ-ca thì người chồng không chỉ đơn giản đi "ăn phở" vụng trộm mà còn công khai dẫn các tình nhân về nhà trước mặt vợ mình. Đó là nguyên nhân khiến Ôn-ga chấm dứt cuộc sống gia đình để đi tìm cuộc đời nghệ thuật mới ở xứ người.
Bà Ôn-ga Trê-khô-va vào những năm hoạt động
nghệ thuật ở Đức thời Hít-le.
Đầu năm 1920, bà sang Đức. Những vai diễn đầu tiên ở nhà hát, sự mời mọc của các nhà làm phim khiến nữ diễn viên từ nước Nga bỗng nhiên được các nhà sản xuất phim tranh nhau mời đón. Những ngày đầu, vốn liếng tiếng Đức còn bập bõm, nhưng về sau Ôn-ga đã thành thạo dần, giúp bà thành công trong cuộc đời nghệ thuật.
Vào thời này ở Đức, đảng Nazi của Hít-le đã lên nắm quyền, cô gái người Nga này bỗng trở thành... nữ nghệ sĩ "cấp quốc gia" của Đế chế III và cũng là người Hít-le yêu thích. Nhà sản xuất phim R. A-ta-ma-li-be-cốp khi nghiên cứu sự thể câu chuyện này thì cho rằng: Mặc dù Ôn-ga mang họ của nhà văn Nga nổi tiếng nhưng thời thanh nữ hình như bà là Kníp-pơ - người gốc Đức. Do vậy, ở nước Đức Nazi, bà không có vấn đề gì. Cái họ Trê-khốp Ôn-ga vẫn giữ vì ở thế kỷ 20 nó đã trở thành một thương hiệu và An-tôn Trê-khốp được coi không chỉ là một nhà văn Nga tên tuổi mà còn là một tác gia kinh điển tầm cỡ quốc tế. Vậy nên Ôn-ga luôn ước mơ được trở thành bà Trê-khô-va - mà thực chất là muốn trùng tên với người vợ của nhà văn Trê-khốp - nữ nghệ sĩ nổi tiếng của nước Nga-Xô-viết: Ôn-ga Kníp-pơ Trê-khô-va.
2. Bà Ôn-ga kể lại chuyện được làm quen với Hít-le: "Vào tháng 1-1933, Hít-le lên nắm quyền đế chế, còn Tiến sĩ Gơ-ben là Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục và Tuyên truyền Đức. Một hôm, tôi được hẹn mời đặc biệt: Trong một ngày đẹp trời, mẹ tôi gọi điện cho tôi khi đang ở trường quay báo rằng vị Bộ trưởng Tuyên truyền mời tôi tới phòng khách của ông, sẽ có Hít-le tiếp chuyện... Cảm tưởng đầu tiên của tôi với vị quốc trưởng này là ông ta khá rụt rè và vụng về dù cho cố giữ phép lịch sự kiểu người Áo trước các quý bà. Thật là lạ và khó hiểu được rằng, với những lời lẽ huyên thuyên, ba hoa chán ngắt mà ông ta lại làm được cái điều đi diễn thuyết trước dân chúng rất cuồng nhiệt ở nước Đức...".
Bà Ôn-ga cùng Hít-le trong một buổi diễn nghệ thuật ở Béc-lin.
Hồi đó, có nhiều tin đồn rằng quan hệ giữa bà và Hít-le không chỉ là tình cảm hữu nghị đơn giản. Về điều đó không chỉ một lần nữ nghệ sĩ này đã thẳng thừng phản bác, thậm chí còn cáu giận khi ai đó hỏi tới điều này. Thật ra, tại đại bản doanh của quốc trưởng đã dành hẳn một phòng riêng cho Ôn-ga. Một nhà nghiên cứu nhân vật lịch sử cho rằng: Ôn-ga Trê-khô-va thật sự là một người được Hít-le sủng ái, nhưng không phải là tình nhân của y. Nhiều tư liệu xác nhận rằng, bà là một người rất đẹp, đoan trang, có tài nghệ thuật khiến Hít-le rất yêu quý và có tình cảm đặc biệt dành cho bà như là một nữ nghệ sĩ tài ba. Một số nhân vật cao cấp của Đế chế III cũng đặc biệt ưu ái bà, trong số đó có Gơ-rinh, Him-le và Gơ-ben. Đó là do biệt tài chinh phục giới mày râu của bà.
Trong số các nhân vật chóp bu này, bà không ưa Him-le và Gơ-ben. Đặc biệt, trước mắt bà, Gơ-ben là một người xoàng, không đáng "để ý" và "cầu xin" điều gì. Hắn có dáng người nhỏ nhắn, chẳng có vẻ đàn ông, thế mà từng gạ gẫm ăn nằm được với biết bao nữ diễn viên cao lớn và xinh đẹp. Trong một lần tiếp chuyện, Gơ-ben đã có chủ ý khiêu khích để thử Ôn-ga, khiến bà suýt phải trả giá. Tại Béc-lin, bộ chỉ huy Đức đã tổ chức buổi tiếp khách nhân sự kiện quân đội phát xít Đức sẽ tấn công Mát-xcơ-va. Người đẹp Nga được mời dự và đã trở thành "điểm hút" của các tướng lĩnh và quan chức cấp quốc gia. Bỗng nhiên, Gơ-ben xuất hiện và tiến tới chỗ Ôn-ga. Hắn ra vẻ tự tin, hỏi bà: "Thưa bà Ôn-ga, bà có nghĩ là chúng ta sẽ dự lễ Giáng sinh ở Mát-xcơ-va chứ?". Bà Ôn-ga Trê-khô-va cắt ngang: "Không, sẽ không làm việc đó". Gơ-ben hỏi: "Vì sao?". Bà không hề chớp mắt trả lời ngay: "Trước mọi nguy nan, người Nga sẽ đoàn kết một lòng hơn bao giờ hết".
Thời gian đó, bà Ôn-ga vẫn tiếp tục đóng kịch ở nhà hát, tham gia các vai diễn điện ảnh và được khán giả yêu thích. Bà âm thầm làm việc, không có tuyên bố gì ồn ã về chính trị, về chiến tranh, "giữ ý" với chế độ Đức. Tuy nhiên, trong số các quan chức cao cấp Đức thì Him-le - tên trùm tổ chức SS luôn để ý đến sự hoạt động và cuộc sống của bà. Y nghi ngờ bà, cho rằng đây là một điệp viên của Liên Xô do Xta-lin đích thân bố trí và chỉ đạo hoạt động. Còn với bà thì nhân vật này chỉ như là một ông già đo đạc điền trang và cũng hay để ý chuyện vặt.
Mùa xuân 1945, khi phát xít Đức cận kề ngày tận thế, Hen-rích Him-le quyết định bắt Ôn-ga theo như lý lẽ nghi ngờ của y. Vào một buổi sáng ấm áp, Him-le tới gõ cửa nhà Ôn-ga. Chủ nhà lịch sự mời khách vào. Him-le bước qua cửa đi vào phòng khách thì khựng người lại... Trên xa-lông chính là Hít-le đang bình thản ngồi uống cà phê. Vị khách không mời liền nói lời xin lỗi rồi chuồn thẳng.
Chưa hề có sự buộc tội chính thức nào về bà Ôn-ga Trê-khô-va ở nước Đức phát xít thời đó. Nhưng qua con mắt rất nhiều người cho rằng "nghệ sĩ cấp quốc gia" này là một điệp viên của Xta-lin. Còn tự bà Ôn-ga Trê-khô-va thì không lần nào nói về chủ đề này. Các sử gia cho rằng, bà chí ít cũng là một điệp viên uy tín. Và cũng hoàn toàn có thể là một nhà tình báo đích thực làm việc cho Bộ Nội vụ Liên Xô thời đó.
Về kiến giải này, có nhiều sự kiện được xác minh, như trước khi sang Đức, bà đã được Tổng cục Chính trị quốc gia mời tới tư vấn. Còn người con trai của Bê-ri-a, Bộ trưởng Nội vụ thời đó là Xéc-gô Ghê-ghê-chơ-cô-ri thì viết rằng: "Bà Trê-khô-va có quan hệ với bố tôi nhiều năm. Tôi có biết ai đã tuyển mộ bà ấy và làm việc đó với những căn cứ, cơ sở nào, nhưng tôi cho là mình không được phép nói những tình tiết đó từ lý lịch của một nhà tình báo".
Sau khi chiếm được Béc-lin, Bộ chỉ huy của Hồng quân đã đưa Trê-khô-va về Mát-xcơ-va. Tại đây, trong nhà tù của Bộ Nội vụ, đích thân Bê-ri-a đã hỏi cung bà. Rồi bà được dạo chơi khắp Thủ đô-là kỷ niệm sâu sắc nhất suốt cuộc đời bà. Trên đường phố, có một đám cô gái chạy tới phỉ nhổ vào mặt bà với những lời phẫn nộ: "Con mụ phản bội!". Lúc đầu tra hỏi bà rồi sau đó trả lại tự do cho bà... phải chăng đó là một thực tế công nhận Ôn-ga Trê-khô-va là một điệp viên của Bộ Nội vụ Xô-viết? Bởi vì, vào thời đó, dù chỉ một nghi vấn nhỏ nhặt, một công dân thường cũng bị trấn áp. Mà với bà, người từng được Hít-le sủng ái lại được bình an vô sự. Chỉ khổ cho bà là những bà con ruột thịt thì lại từ chối bà.
Trước tình thế đó, bà buộc phải xin trở lại Béc-lin và làm công dân của nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Bà vẫn giữ được dung nhan của thời hoạt động nghệ thuật ở nước Đức xưa và mất ở tuổi 82 do bị ung thư não.
Theo Quân Đội Nhân Dân