Trung Quốc là một quốc gia với vùng lãnh thổ rộng lớn, chứa trong mình vô số các ngôi làng lớn nhỏ khác nhau. Có rất nhiều điều kì lạ trên đất nước đông dân nhất thế giới này mà các nhà khoa học hiện vẫn chưa thể lí giải được. "Ngôi làng lùn" này là một trong số đó.
Ngôi làng này có tên là Chùa Ming Dương, nằm cách biệt trên một ngọn núi nhỏ thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Hiện tại có khoảng 800 cư dân cùng nhau sinh sống trong ngôi làng này, nhưng đa phần lại là những người không thể phát triển đầy đủ về mặt chiều cao. Phần lớn những người đã qua tuổi trưởng thành ở đây chỉ cao tầm 80cm, tương đương với một đứa trẻ 3 – 4 tuổi.
Theo lời kể của những người dân sống trong làng, tổ tiên của họ hoàn toàn là những người bình thường như bao người dân Trung Quốc khác. Đến khoảng những năm 1930, những đứa trẻ trong làng bất ngờ mắc một căn bệnh kì quái. Căn bệnh hiểm nghèo này khiến đầu gối, hông và mắt cá chân của chúng đau đớn dị thường, tứ chi suy yếu, khả năng vận động suy giảm tột độ.
Cơn đau đến cũng là khi chiều cao của trẻ em ở đây chững lại. Chúng không hề cao thêm nữa. Tuy nhiên, ngoại trừ chiều cao, những đứa trẻ này vẫn phát triển hoàn toàn bình thường về mặt tâm sinh lý. Và điều kì lạ là những đứa trẻ ở các ngôi làng lân cận không hề gặp phải căn bệnh quái ác này.
Rất nhiều các nhà khoa học đã tìm đến ngôi làng nhỏ để nghiên cứu hiện tượng kì lạ này. Một cuộc điều tra chuyên sâu về đất, nước, nguồn lương thực cũng như chất lượng không khí trong làng đã được tiến hành. Tuy nhiên, ngay cả các chuyên gia hàng đầu Trung Quốc cũng không phát hiện bất cứ kết quả bất thường nào.
Nhiều người cho rằng đây chỉ là sự lan rộng của chứng thấp lùn (dwarfism) trong một tập thể. Tuy nhiên, các nạn nhân của chứng thấp lùn không chỉ kém phát triển chiều cao mà còn có bề ngoài tương tự như một đứa trẻ bình thường, trong khi người dân của làng Chùa Minh Dương thì không như vậy.
Rất nhiều giả thuyết khác nhau đã được đặt ra xung quanh hiện tượng kì quái ở ngôi làng này. Có những người thậm chí còn tin vào nhiều nguyên nhân huyền bí, chẳng hạn như sự trừng phạt của tổ tiên, hay sự hành quyết của thần linh trên trời…
Cuối cùng, một bác sĩ thực hiện hiệm chụp X-quang cho người dân trong làng đã phát hiện sự bất thường trong khớp của họ. Sau khi xem xét rất nhiều tư liệu lịch sử, người ta nhận thấy rằng khoảng thời gian 1920 – 1930 là thời kì mưa phùn kéo dài, đặc biệt là vào mùa thu. Điều kiện thời tiết bất lợi này đã khiến cho một loại nấm tên Fusarium có cơ hội lây lan nhanh chóng trong lúa mì và khoai lang người dân tích trữ.
Thực phẩm chứa nấm Fusarium sẽ ức chế sự phát triển của xương. Bởi vậy, khi tiêu thụ các loại lương thực nhiễm nấm này với số lượng lớn trong thời gian dài, dân làng đã vô tình chặn đứng con đường phát triển của chính bản thân mình.
Dù lời giải thích trên chưa được chứng minh triệt để, hiện tại nó vẫn là suy đoán được tin tưởng nhiều nhất khi lí giải căn nguyên của hiện tượng dị biệt này.
Rất nhiều người dân trẻ đã bỏ làng ra đi vì lo sợ chứng bệnh kì lạ. Tuy nhiên, ngôi làng đang thay đổi một cách lạc quan khi đa phần các thế hệ sau đều phát triển khỏe mạnh bình thường.
Và đặc biệt, cũng chính hiện tượng kì quái này đã giúp dân làng đón một lượng khách lớn, tạo đà phát triển nhiều năm cho du lịch địa phương.
T.T (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)