Ngày nay, nhiều người lầm tưởng qua các bộ phim cung đấu rằng các phi tần thường xuyên được ngồi ăn cùng hoàng thượng. Nhưng trên thực tế, với hệ thống đẳng cấp chặt chẽ của xã hội phong kiến, ngay cả những phi tần có địa vị cao cũng rất hiếm khi được đặc ân dùng bữa cùng vua. Đây là một hành vi tượng trưng cho sự "bình đẳng" giữa quân và thần, điều tối kỵ trong thể chế đế chế.
Tuy nhiên, trong suốt triều đại Càn Long, sử sách lại ghi chép vỏn vẹn hai lần hoàng đế dùng bữa cùng hậu phi, một lần là với Hiếu Hiền hoàng hậu Phú Sát thị - người được xem là tình yêu đích thực của vua, và lần còn lại là với Lệnh quý phi - Ngụy Giai thị, một cung nữ xuất thân thấp hèn, từng là nô tì trong phủ Nội vụ.
Từ một bao y nhỏ bé bước vào hậu cung với tay trắng, Ngụy Giai thị đã bước lên đỉnh cao quyền lực nữ giới dưới thời Càn Long (Ảnh minh họa)
Ngụy Giai thị xuất thân từ tầng lớp bao y tức nô tì của dòng họ Mãn Châu quý tộc. Dưới chế độ Mãn Thanh, bao y là tầng lớp thấp kém, chuyên làm việc phục vụ trong Nội vụ phủ. Về lý thuyết, họ không có quyền bước chân vào hậu cung hay trở thành phi tần. Thế nhưng, chính từ xuất phát điểm tưởng như không thể đó, Ngụy Giai thị đã trở thành người phụ nữ đặc biệt nhất nhì trong cuộc đời của Càn Long Đế.
Trong suốt thời gian tại vị, Càn Long có rất nhiều phi tần, nhưng số lượng con cái do Lệnh quý phi sinh ra lại vượt trội. Bà không chỉ sinh hạ nhiều hoàng tử mà còn là mẫu thân của hoàng tử Vĩnh Diễm - người sau này kế vị ngai vàng với niên hiệu Gia Khánh. Điều này phần nào chứng minh tình cảm sâu đậm mà Càn Long dành cho bà.
Năm Càn Long thứ 27, khi đang cùng hoàng hậu Na Lạp thị và các phi tần khác đi săn tại Nhiệt Hà, Càn Long nhớ thương Lệnh quý phi - khi đó đang mang thai nên không thể đi theo. Ông đã đích thân ra lệnh đưa bà từ kinh thành đến hành cung. Vào đêm bà đến nơi, hai người cùng dùng bữa tối riêng biệt tại hành cung. Đây là một hành động thể hiện sự thân mật, yêu chiều hiếm hoi của một vị hoàng đế.
Sự kiện này được chính sử quan ghi lại, cho thấy đây không chỉ là một giai thoại tình cảm mà là một dấu mốc đặc biệt có thật trong lịch sử. Điều này càng khẳng định: với Càn Long, Ngụy Giai thị không chỉ là phi tần, mà đã chiếm giữ một vị trí ngang hàng với hoàng hậu trong lòng ông.
Một câu hỏi khiến hậu thế băn khoăn là vì sao Ngụy Giai thị không được lập làm hoàng hậu, dù là người sinh nhiều con nhất và có ảnh hưởng lớn trong hậu cung?
Câu trả lời nằm ở yếu tố chính trị. Trong xã hội phong kiến, việc lập hoàng hậu không chỉ là vấn đề tình cảm, mà còn là một hành vi chính trị, nhằm duy trì thế lực, củng cố quyền lực hoàng tộc và tránh phản ứng từ triều thần. Xuất thân thấp kém của Ngụy Giai thị không cho phép Càn Long mạo hiểm danh tiếng của mình. Là người luôn đề cao hình tượng, Càn Long không muốn bị triều thần chỉ trích vì lập một cung nữ làm mẫu nghi thiên hạ.
Tuy nhiên, ông đã bù đắp cho bà bằng tất cả những gì có thể ngoài danh phận: sự sủng ái, sự ghi nhận chính thức của sử sách, và quan trọng nhất là truyền ngôi cho con trai bà là hoàng tử Vĩnh Diễm.
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng việc không phong hoàng hậu là một cách bảo vệ Lệnh quý phi khỏi sự tấn công của triều thần, tránh để con trai bà bị vạ lây. Sự chu toàn của Càn Long thể hiện trong việc ông không để bà trở thành tâm điểm chỉ trích khi con trai kế vị, một cách giữ bà lại trong lòng hơn là đưa bà lên ngôi cao rồi đẩy vào sóng gió.
Từ một bao y nhỏ bé bước vào hậu cung với tay trắng, Ngụy Giai thị đã bước lên đỉnh cao quyền lực nữ giới dưới thời Càn Long, dù không danh chính ngôn thuận làm hoàng hậu. Nhưng bằng sự yêu thương, chiều chuộng và sự bảo vệ của vị quân vương nổi tiếng quyền lực, bà đã có được tình cảm mà không phải hoàng hậu nào cũng có.
Với riêng bà, có lẽ được cùng ăn một bữa cơm với vua, được gọi tên trong sử sách, và được nhìn con mình trở thành đế vương, chính là hạnh phúc viên mãn nhất đời.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)