Vua Duy Tân tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh San, là con thứ 5 của vua Thành Thái và bà Nguyễn Thị Định. Năm 1907, lúc mới 7 tuổi, ông được đưa lên ngôi sau khi thực dân Pháp ép cha ông là vua Thành Thái thoái vị.
Tháng giêng năm 1916, vua Duy Tân lấy bà Mai Thị Vàng là con gái quan phụ đạo Mai Khắc Đôn. Lễ nạp phi được cử hành long trọng ở Bộ Lễ. Đó là một sự kiện chính thức mà sử sách có ghi chép. Tuy nhiên, ít người biết rằng, Mai Thị Vàng không phải là lựa chọn số 1 của Duy Tân và trước đó, nhà vua đã có lễ hỏi dành cho một người con gái khác. Người con gái đó là bà Hồ Thị Chỉ, con gái quan Thượng thư Hồ Đắc Trung.
Tác giả Lưỡng Kim Thành trong sách "Chuyện các bà hoàng bà chúa triều Nguyễn" dẫn lại lời sư bà Diệu Không (em gái bà Hồ Thị Chỉ) kể về mối tình đó: “Năm 1914, vua Duy Tân ra nghỉ mát ở cửa Tùng (Quảng Trị), thân sinh tôi là Hồ Đắc Trung theo hầu. Nhà vua lúc đó lối 15 tuổi, muốn có bạn chơi cùng lứa, nên truyền thân sinh tôi dẫn thêm anh chị em chúng tôi (hai anh tôi 15, 16 tuổi, học sinh trường Albert Sarraut Hà Nội, chị tôi 13 tuổi và tôi 10 tuổi) cùng đi theo cho vui".
"Mỗi buổi sáng, mặt trời vừa mọc, vua cho đòi đám trẻ đến để cùng đi ra biển bơi lội. Thân sinh tôi căn dặn chúng tôi phải giữ lễ vua tôi, không được tự do cười nói như đối với người thường. Nhưng nhà vua lại rất dung dị, gọi các anh tôi bằng anh, gọi tôi bằng em. Ngài ít nói chuyện với chị tôi. Mỗi khi vui đùa cùng hai anh tôi và tôi, ở những trò chơi con nít, vua chỉ nhìn chị tôi mà không mời chơi. Khi nào ngài cũng tỏ ra vui vẻ, song vẫn nghiêm trang".
"Chúng tôi rất mến ngài, nhưng vẫn không dám cười đùa nhiều, sợ thân sinh chúng tôi quở. Tôi còn nhớ một hôm chơi bắt còng (dã tràng) ở bãi biển. Ai bắt được nhiều sẽ được thưởng. Ngài bắt được con nào thì thả con nấy. Chúng tôi lấy làm lạ. Ngài bảo: Bắt chúng lên cạn chúng sẽ chết, chi bằng thả cho chúng được tự do bơi lội, ta nhìn xem cũng vui rồi".
"Thế là chúng tôi cũng đua nhau mà thả hết. Ngài lấy làm thích chí, khi thấy mấy con còng bơi lội tung tăng, ngài nói với hai anh tôi: 'Ai bỏ tù chúng ta, chắc chúng ta sẽ khổ sở, vì khi mất tự do là mất tất cả'. Nói vậy rồi ngài thở dài kém vui. Nhưng sau đó, ngài lại hồn nhiên như tuổi tuổi trẻ chúng tôi và lại vui đùa như cũ".
Bà Hồ Thị Chỉ.
"Mùa hè gần mãn, vua tôi bịn rịn chia tay. Chị tôi ứa lệ nhìn ngài. Ngài bảo nhỏ tôi: 'Dỗ chị đi em, rồi sang năm chúng ta sẽ gặp nhau lại'. Năm sau gần đến hè, chị tôi xin đi theo chúng tôi ra cửa Tùng. Thân sinh tôi bảo: 'Con đã lớn rồi, phải ở nhà với mẹ, không được đi nữa'. Thế là chị tôi phải ở nhà, khóc sưng cả mắt. Khi ra đến cửa Tùng, gặp lại chúng tôi, ngài hỏi: 'Sao thiếu mất 1 người?'. Tôi tâu: 'Mẹ chúng tôi bắt chị tôi ở nhà, chị ấy khóc quá sá'. Ngài nói: 'Thật là tội nghiệp cho chị ấy!'".
"Mãn hè 1 tháng, một hôm có người thị vệ đến xin ảnh chị tôi đem vào nội cho hai ngài thái hậu xem mặt. Một tuần sau, hai ngài cho đòi thầy mẹ tôi vào chầu và sau đó, tôi thấy kiệu vua đệ ra nhà tôi một đôi bông tai và một đôi vòng vàng cho chị tôi, thầy mẹ tôi quỳ lễ bái lãnh. Đó là lễ hỏi của vua dành cho chị tôi. Chị tôi cũng ra lạy tạ ân vua hạ cố”.
Tuy nhiên, sau đó mối tình này đã không đi đến kết quả. Vào cuối năm 1915, vua Duy Tân cho đòi Hồ Đắc Trung vào triều nói rằng vua muốn từ hôn và muốn ông Hồ Đắc Trung giới thiệu một người khác. Theo lời kể của sư bà Diệu Không thì chính ông Hồ Đắc Trung đã giới thiệu con gái quan phụ đạo Mai Khắc Đôn cho nhà vua.
Về lý do mà nhà vua từ hôn, sư bà Diệu Không kể: “Thân sinh tôi nói là ngài Ngự có ban rằng: 'Thầy hãy an ủi con gái của thầy và gả ngay cho người khác, đừng để cô ấy buồn tội nghiệp. Thầy nên hiểu vì tôi thương cả gia đình thầy, nên mới phải từ hôn với người mà tôi mến từ 2 năm nay'”.
Lời vua Duy Tân nói thật sự là tha thiết và thực lòng vì sau đó không lâu, tháng 5.1916, ông cùng Trần Cao Vân mưu toan khởi nghĩa chống Pháp nhưng bị lộ và bị Pháp bắt đi đày. Như vậy là nhà vua vì không muốn làm liên lụy đến người mình thương yêu nên mới phải dằn lòng từ hôn.
Về phần bà Hồ Thị Chỉ thì đến khi vua Khải Định lên ngôi vì muốn có một người biết tiếng Pháp để tiện thông ngôn nên đã đưa bà vào cung phong làm Ân phi. Tuy vậy bà vào cung không bao lâu thì Khải Định mất. Từ đó bà sống trong u uất cho đến năm 1982 thì qua đời, đem theo mối tình hận với vua Duy Tân.
Theo kiến thức