Trong lịch sử Trung Hoa, khi đề cập đến các đại tham quan, cái tên Hòa Thân dưới thời Càn Long gần như là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tâm trí nhiều người.
(Ảnh minh họa)
Hòa Thân từ lâu bị lịch sử phê phán vì tội tham nhũng, nịnh hót và bị cho là một trong những nguyên nhân khiến Càn Long thay đổi tính cách ở cuối đời. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng, chính vị đại tham quan này lại từng có một hành động mang ý nghĩa "công đức thiên thu", góp phần lưu giữ và phổ biến tuyệt tác văn học Hồng Lâu Mộng, để lại dấu ấn sâu sắc trong kho tàng văn hóa Trung Hoa và cả nhân loại.
Hòa Thân sinh năm Càn Long thứ 15 trong một gia đình quan lại, nhưng tuổi thơ ông lại trải qua nhiều bi kịch. Mẹ mất sớm, cha cũng qua đời khi ông mới lên chín, để lại ông và em trai trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Có lẽ chính những mất mát đó đã hun đúc nơi Hòa Thân một nghị lực phi thường cùng niềm đam mê học tập mãnh liệt.
(Ảnh minh họa)
Tuy không thành công trong khoa cử, nhưng Hòa Thân lại nhanh chóng bước chân vào triều đình và dần trở thành cận thần được Càn Long sủng ái. Trong quá trình phụ trách biên soạn Tứ Khố Toàn Thư - công trình đồ sộ nhằm lưu trữ tinh hoa văn hóa, Hòa Thân đã tình cờ phát hiện một bản thảo có tên Thạch Đầu Ký, chính là tiền thân của Hồng Lâu Mộng.
Dù bị vứt xó vì mang yếu tố chỉ trích xã hội, nằm trong danh mục sách cấm, nhưng tác phẩm này lại khiến Hòa Thân say mê không dứt. Từ cảm mến cá nhân, ông bắt đầu nảy ra ý tưởng bảo tồn và phổ biến tác phẩm - một việc mạo hiểm với bối cảnh chính trị thời bấy giờ.
Có thể nói, Hồng Lâu Mộng được lưu truyền và phổ biến cho tới ngày hôm nay, ít nhiều cũng có một phần công sức của Hòa Thân (Ảnh minh họa)
Để hiện thực hóa mục tiêu, Hòa Thân đã tìm đến Cao Ngạc - người cũng từng được cho là người hoàn thiện phần hậu của Hồng Lâu Mộng sau khi tác giả nguyên tác Tào Tuyết Cần qua đời. Dưới sự phối hợp của cả hai, bản thảo được biên tập, chỉnh sửa nhằm tránh yếu tố nhạy cảm chính trị, đồng thời giữ lại tinh hoa văn học nguyên thủy.
Tuy nhiên, để Hồng Lâu Mộng có thể được công khai, Hòa Thân phải vượt qua một thử thách lớn đó là thuyết phục hoàng đế Càn Long giải cấm tác phẩm. Ông đã chọn cách tiếp cận gián tiếp thông qua Thái hậu. Bằng sự khéo léo, Hòa Thân đã kể lại các đoạn trong sách để gợi trí tò mò của Thái hậu. Cuối cùng, chính Thái hậu đã lên tiếng đề nghị Càn Long xem xét lại lệnh cấm.
(Ảnh minh họa)
Càn Long, vốn nổi tiếng là người hiếu thuận, không thể từ chối lời thỉnh cầu của mẫu hậu. Sau khi đọc qua bản đã được hiệu đính, ông bị thuyết phục bởi giá trị nghệ thuật và nhân văn của tác phẩm. Nhờ đó, Thạch Đầu Ký chính thức được giải cấm và lưu truyền với tên gọi Hồng Lâu Mộng.
(Ảnh minh họa)
Hồng Lâu Mộng sau này trở thành một trong "Tứ đại danh tác" của văn học Trung Hoa, được đánh giá cao về chiều sâu tâm lý nhân vật, lối viết tinh tế và phản ánh chân thực xã hội đương thời. Ít ai biết rằng, nếu không có sự can thiệp của một "đại tham quan" như Hòa Thân, có thể kiệt tác này đã bị chôn vùi mãi mãi dưới lớp bụi thời gian.
Cảnh trong phim Hồng Lâu Mộng
Dẫu bị lịch sử phán xét nặng nề về mặt chính trị, hành động bảo tồn Hồng Lâu Mộng của Hòa Thân là một đóng góp to lớn cho văn hóa và giáo dục hậu thế. Đó là minh chứng rõ ràng rằng, trong những con người bị xem là "xấu xa", vẫn có thể tồn tại ánh sáng của trí tuệ và tình yêu dành cho cái đẹp.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)