Trong lịch sử Trung Quốc xuất hiện rất nhiều mưu sĩ, quân sư có trí thông minh tuyệt đỉnh, ví dụ như Gia Cát Lượng thời Tam Quốc hay Lưu Bá Ôn thời Minh, họ đều là những người có danh tiếng nhất trong số những mưu sĩ thời cổ đại. Lưu Bá Ôn cũng không hề đơn giản, không chỉ viết văn hay, được liệt vào danh sách 3 tác giả lớn thời Minh Sơ mà còn tinh thông thiên văn, binh pháp, trở thành quân sư số một bên cạnh Chu Nguyên Chương.
Những năm cuối triều Nguyên, nhà văn nổi tiếng thời đó là Yết Hề Tư chỉ nhìn Lưu Bá Ôn một cái đã đoán định sau này ông sẽ làm nên việc lớn. Quả nhiên, Lưu Bá Ôn từ năm 1359 đã bắt đầu đi theo Chu Nguyên Chương, được Chu Nguyên Chương vô cùng tín nhiệm, coi ông là cánh tay phải đắc lực của mình, mọi việc quốc gia đại sự đều thương lượng với ông rồi mới quyết định. Trong quá trình tiêu diệt Trương Sĩ Thành và Trần Hữu Lương, Lưu Bá Ôn đã hiến không ít kế sách.
Trong lòng Chu Nguyên Chương, Lưu Bá Ôn tựa như Trương Lương thời Hán, nếu như thiếu đi sự phò tá của Lưu Bá Ôn thì Chu Nguyên Chương khó mà có thể chiếm được thiên hạ. Bình thường, Chu Nguyên Chương hiếm khi khen ngợi ai, nhưng lại thường xuyên không ngớt lời khen Lưu Bá Ôn trước mặt các quan thần trong triều: “Lưu cơ học quán thiên nhân, tư khiêm văn võ, kỳ khí cương chính, kỳ tài hùng bác. Nghị luận chi khuynh, trì sính hô thiên cổ”. Ý nói Lưu Bá Ôn có tư chất thông minh hơn người, văn võ song toàn, vừa chính trực lại vừa có tài năng, để lại tiếng thơm muôn đời. Từ đó có thể thấy, Lưu Bá Ôn thực sự rất tài giỏi.
(Ảnh minh họa)
Trong dân gian Trung Quốc luôn lưu truyền một câu nói: “Tam phân thiên hạ Gia Cát Lượng, nhất thống giang sơn Lưu Bá Ôn”. Điều khiến người ta phải ngạc nhiên là Lưu Bá Ôn công huân trác trứ, mưu trí siêu quần nhưng tước vị lại không hề cao, hoàn toàn không tương xứng với công lao mà ông lập được. Theo ghi chép trong sử sách, sau khi Chu Nguyên Chương lên ngôi hoàng đế, ông đều gia quan tiến tước cho các công thần, như Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân, Lý Thiện Trường,... tất cả đều được ban phát đủ các công tước.
Ví dụ như Lý Thiện Trường được phong làm Tả thừa tướng, là chức quan lớn nhất, ngoài ra còn được phong làm Hàn Quốc Công, bổng lộc hàng năm lên tới 4000 thạch (cách tính bổng lộc của triều Minh, tương đương 4000 lượng bạc). Còn Lưu Bá Ôn chỉ được phong làm Thành Ý Bá, bổng lộc hàng năm cũng chỉ có 240 thạch, không bằng 1/15 của Lý Thiện Trường. Sở dĩ Chu Nguyên Chương đối xử như vậy với Lưu Bá Ôn không phải là vì công lao của ông không xuất chúng, mà là vì ông quá thông minh, khiến Chu Nguyên Chương không thể hiểu được con người ông.
(Ảnh minh họa)
Lưu Bá Ôn hiểu rõ đạo lý “qua cầu rút ván”, khi đã hết giá trị lợi dụng thì sẽ vứt bỏ. Đồng thời, ông cũng hiểu rõ tính cách của Chu Nguyên Chương, vì sự an nguy của người nhà, Lưu Bá Ôn lựa chọn việc nhanh chóng rút lui khỏi chốn quan trường. Vậy nên vào năm 1371, ông đệ đơn từ chức và nhanh chóng được phê duyệt, đem theo cha mẹ, vợ con về quê nhà Thanh Điền, từ đó ẩn cư không tái xuất. 4 năm sau, Lưu Bá Ôn bệnh nặng, trước khi qua đời, ông dặn dò con trai phải đem một rổ cá tới kinh thành giao cho Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.
Con trai ghi nhớ di ngôn của cha, nhanh chóng mua một rổ cá tươi mang tới hoàng cung với tốc độ nhanh nhất. Khi biết Lưu Bá Ôn đã qua đời, Chu Nguyên Chương ít nhiều gì cũng cảm thấy đau lòng, sau đó nhìn thấy rổ cá, trong lòng Chu Nguyên Chương cảm thấy rất khó hiểu, không thể lý giải được ý nghĩa của rổ cá này. Hỏi các quan thần liệu có biết dụng ý của Lưu Bá Ôn hay không, kết quả chỉ nhận được những cái lắc đầu.
(Ảnh minh họa)
Điều quan trọng, quê hương của Lưu Bá Ôn là Thanh Điền, Triết Giang (nay là huyện Văn Thành, Triết Giang), cách kinh độ Nam Kinh của triều Minh gần 700km, khi rổ cá đó được đưa tới hoàng cung thì cũng đều chết hết. Vì thế, Chu Nguyên Chương nói với các quan đại thần rằng: Lưu Bá Ôn lúc sinh thời vẫn hay thích giả thần giả quỷ, bây giờ chết rồi cũng không yên, toàn làm mấy chuyện vớ vẩn, cố ý khiến người khác không yên lòng.
Tuy nói là vậy, Chu Nguyên Chương cũng không vứt rổ cá đi mà kêu người giữ lại, sau này có thời gian nghiên cứu tiếp. Thế rồi chớp mắt hơn 20 năm đã trôi qua, tới năm 1398, Chu Nguyên Chương băng hà, cho tới lúc chết ông cũng không hiểu được ý nghĩa rổ cá của Lưu Bá Ôn. Thực ra, Lưu Bá Ôn tặng cho Chu Nguyên Chương rổ cá có 2 tầng hàm ý:
(Ảnh minh họa)
Thứ nhất, là muốn nói với Chu Nguyên Chương rằng, triều đình giống như một bể cá, các đại thần như những con cá trong bể cá đó, luật pháp nghiêm khắc không khả dụng, nếu như tiêu diệt sạch các quan văn võ, giang sơn Đại Minh sẽ gặp nguy hiểm. Thứ hai là muốn để Chu Nguyên Chương hiểu rằng, cần phải thắt chặt kiểm soát các phiên vương, phòng tránh quyền lực của họ ngày càng lớn.
(Ảnh minh họa)
Chỉ đáng tiếc, Chu Nguyên Chương không lĩnh ngộ được dụng ý của Lưu Bá Ôn mà đã giết rất nhiều quan thần, bao gồm cả tướng quân Lam Ngọc. Thái tử Chu Tiêu vì bệnh qua đời, Chu Nguyên Chương lại lập cháu trai trưởng là Chu Doãn Văn làm người thừa kế, nhưng lại không hạn chế đi quân đội của phiên vương, gieo mầm mống tai họa to lớn. Sau này, Yến Vương Chu Lệ đã phát động chiến dịch Tĩnh Nan, cướp ngôi của cháu trai để lên làm hoàng đế. Nếu như Chu Nguyên Chương có thể hiểu được dụng ý của Lưu Bá Ôn, vậy thì có lẽ cháu trai Chu Doãn Văn cũng không đến mức thê thảm như vậy.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)