Tại Mỹ, 1971 là một năm hỗn loạn. Các vụ án mạng Tale-LaBianca do nhóm Gia đình Manson gây ra trước đó 2 năm ở Los Angeles cho thấy người dân Mỹ đều không thể an toàn ngay trong chính ngôi nhà của họ. Vụ bốn sinh viên phản đối chiến tranh Việt Nam bị bắn chết ở bang Kentucky.
Người da màu làm loạn tại các thành phố lớn trên khắp cả nước, và chính phủ Mỹ đang tìm cách bưng bít vụ bê bối Watergate. Ở một cấp độ nhỏ hơn, tại tiểu bang California, lúc này cảnh sát Los Angeles vừa mới biết về cơn cuồng sát kéo dài suốt 6 năm do Mack Ray Edwards thực hiện sau khi hắn đầu thú.
Theo lời khai của Edwards, hắn đã giết khoảng 6 em nhỏ từ thập niên 1950 cho đến lúc đó. Nhưng, đây chưa phải là con số người chết cao nhất do một kẻ giết người thực hiện tại Mỹ. Phải đến các vụ giết người do Kẻ xiết cổ Boston gây ra năm 1964, với 11 nạn nhân, người dân nước Mỹ lúc này mới mường tượng được một kẻ sát nhân hàng loạt là như thế nào, dù thực tế lúc đó thuật ngữ này vẫn chưa được sử dụng. Nhưng, về mức độ tàn bạo thì phải 7 năm sau đó, nước Mỹ mới được chứng kiến…
Đội pháp y tiến hành khai quật hiện trường
Hạt Sutter ở tiểu bang California gần sông Feather, cách TP Yuba khoảng 5 dặm về phía Bắc. Ngày 19-5-1971, một nông dân gốc Nhật Bản có tên Goro Kagehiro đi thăm vườn đào của mình. Bất ngờ, ông nhận ra có một hố mới đào giữa hai gốc cây. Goro tự hỏi ai đã đào cái hố này nhỉ? Ở ngay gần hố đó là một người lao động có nhiệm vụ thu hái đào mà Goro thuê thông qua Juan Vallejo Corona. Theo báo chí lúc đó, Corona là nguồn cung cấp lao động chủ yếu trong vùng, nhờ nguồn lao động giá rẻ chủ yếu từ Mexico.
Không thể cưỡng lại sự tò mò về cái hố, Goro trở lại khu vực trên vào buổi tối. Ông thấy nó đã bị lấp, khiến Goro quyết định báo cảnh sát. Sáng hôm sau, khi cảnh sát bắt đầu đào hố lên, họ phát hiện đến rợn người. Thay vì một túi rác hay thứ đồ bỏ đi, cảnh sát tìm thấy xác một người đàn ông da trắng mảnh khảnh. Ngay lập tức, tổ trọng án được cử đến hiện trường.
Nạn nhân, được xác định là Kenneth Whiteacre, bị đâm vào ngực, đập vào đầu, và nhiều vết chém ở sau gáy. Tay nạn nhân cũng có nhiều vết cắt sâu, cho thấy Whiteacre đã chống trả mạnh mẽ. Nạn nhân vẫn còn mặc nguyên quần áo, nhưng trong túi có nhiều tài liệu, rất có thể Kenneth là dân đồng tính. Cho đến lúc này, phong trào đòi quyền bình đẳng trong người đồng tính mới chỉ bắt đầu ở khu vực San Francisco gần đó.
Những người đồng tính nam thường là mục tiêu để một số đối tượng có định kiến quá khích trút giận và đánh đập. Mặc dù vậy, chẳng hề có dấu vết nào ở hiện trường, ngoại trừ một vết lốp xe gần đó, vậy kẻ nào đã giết và chôn Whiteacre ở đây? Đó chắc hẳn là một vụ giết người, song dường như chẳng có gì đáng báo động cả. Ít nhất không phải trong ngày hôm đó.
Chính vì thế, công tác điều tra vụ án được tiến hành một cách cẩu thả. Các nhà điều tra đặt giả thiết rằng dường như có hai kẻ giết người trong vụ việc này. Rất có thể chúng động tình, ra ngoài, chọn Whiteacre, một kẻ vô gia cư và chắc chắn luôn cần tiền. Sau đó, chúng đã giết nạn nhân để tránh phải trả tiền. Cho đến 4 ngày sau đó, một ngôi mộ khác được phát hiện…
(còn nữa)
Pháp luật & Xã hội