Được mệnh danh là "Thiên cổ nhất đế" trong lịch sử Trung Hoa, cuộc đời và sự nghiệp của Tần Thủy Hoàng thường được hậu thế nhắc tới như một truyền kỳ.
Cũng bởi lý do này mà sau khi ông qua đời, nhiều bí ẩn xoay quanh lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn luôn là đề tài được người đời bàn luận trong lúc trà dư tửu hậu.
Tương truyền rằng, nơi an nghỉ của vị Hoàng đế nổi tiếng này có rất nhiều trân bảo hiếm có. Thậm chí có nhiều ý kiến còn khẳng định, lăng mộ Tần Thủy Hoàng cũng chính là nơi cất giấu 4 báu vật từ sớm đã "bốc hơi" khỏi lịch sử dưới đây.
12 tượng kim nhân
Phải chăng 12 tượng kim nhân được đúc từ binh khí trong thiên hạ năm xưa đã an vị trong lăng mộ
của Tần Thủy Hoàng? (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Sau khi thống nhất lục quốc, Tần Thủy Hoàng đã hạ lệnh thu thập binh khí trong thiên hạ, đúc thành 12 bức tượng hình người.
Về giai thoại này, "Sử ký" trong mục "Tần Thủy Hoàng bản kỷ" cũng có viết:
"Năm thứ hai mươi sáu, thu gom binh khí trong thiên hạ, tập trung về Hàm Dương, cho nung chảy và đúc thành chuông, giá chuông cùng 12 tượng nhân, mỗi tượng nặng cả ngàn thạch, đặt trong cung".
Có ý kiến cho rằng, nếu 12 bức tượng này quả thực được làm từ binh khí thu thập trong thiên hạ thì nhất định sở hữu khối lượng không hề nhỏ. Thế nhưng hậu thế đời sau không ai tìm được tung tích về những bước tượng kim nhân ấy.
Sự biến mất một cách bí ẩn của 12 bức tượng người nói trên khiến hậu thế đều tin rằng chúng đã được cất giấu trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng với nhiệm vụ đời đời canh giữ cho giấc ngủ ngàn thu của Hoàng đế.
Bảo kiếm Thái A
Sự biến mất bí ẩn của bảo kiếm Thái A cũng khiến nhiều người tin rằng lăng mộ Tần Thủy Hoàng
mới là nơi cất giữ thanh kiếm huyền thoại này. (Ảnh minh họa).
Bảo kiếm Thái A là một trong thập đại bảo kiếm trong lịch sử Trung Hoa cổ đại. Mặc dù cho tới ngày nay, danh sách "thập đại bảo kiếm" này ít nhiều vẫn còn gây tranh cãi, thế nhưng Thái A vẫn được xem là một trong số những thanh kiếm báu quả thực có tồn tại.
Tương truyền rằng thanh kiếm được một thợ rèn ở Giang Tô đúc thành. Bảo kiếm chém sắt như chém bùn này từng được dâng tới tay của Tần Thủy Hoàng.
Về việc Thủy Hoàng từng sở hữu kiếm Thái A, trong "Sử ký" phần "Lý Tư liệt truyện" cũng có đoạn:
"Nay bệ hạ có ngọc Côn Sơn, có của báu của Tùy Hầu, Biện Hòa, có châu Minh Nguyệt, đeo kiếm Thái A".
Tương truyền rằng sau khi thống nhất lục quốc, Thủy Hoàng đã cắm thanh kiếm báu này trên núi Trâu Tịch để tế cáo trời đất và xem như một bảo vật trấn quốc.
Thế nhưng từ khi Tần triều diệt vong, bảo kiếm Thái A dường như cũng "bốc hơi" khỏi thế gian. Không ít người tin rằng thanh kiếm báu ấy rất có thể đã trở thành vật tuẫn táng theo Tần Thủy Hoàng sang thế giới bên kia.
Ngọc Tùy Hầu
Bên cạnh kiếm Thái A và 12 tượng kim nhân, ngọc Tùy Hầu cũng là một trong số những bảo vật
được cho là nằm lại bên trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. (Tranh minh họa).
Nhắc tới những viên ngọc quý vào thời xưa, nhiều người chắc hẳn đã quen thuộc với danh xưng của hai vật báu "Tùy châu Hòa bích".
Trong đó, Hòa Bích chính là viên ngọc Hòa Thị Bích (ngọc họ Hòa) vô cùng nổi tiếng, còn Tùy châu thực chất là ngọc Tùy Hầu – một bảo vật cũng nổi danh không kém.
Về nguồn gốc của ngọc Tùy Hầu, có giai thoại truyền rằng năm xưa Tùy Hầu trong lúc ra ngoài từng ra tay cứu một con rắn đang bị thương. Sau này, con rắn đã ngậm một viên minh châu đến báo đáp ông. Viên minh châu ấy cũng vì vậy mà có tên là ngọc Tùy Hầu.
Sau này, viên ngọc Hòa Thị Bích đã được Tần Thủy Hoàng làm thành ngọc tỷ truyền quốc. Thế nhưng ngọc Tùy Hầu lại biến mất trong lịch sử một cách vô cùng bí ẩn từ khi Tần triều mạt vận.
Mỗi khi nhắc tới những giai thoại về viên ngọc hoàn mỹ nổi danh một thời ấy, không ít người lại đặt ra giả thiết: Phải chăng ngọc Tùy Hầu cũng là một trong số những bảo vật đã an vị bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng?
Trung Hoa cửu đỉnh
Tần Thủy Hoàng là vị Hoàng đế từng thống nhất thiên hạ. Vì vậy có nhiều ý kiến cho rằng
nơi an nghỉ của ông cũng cất giấu cửu châu - biểu tượng của hoàng quyền và sự nhất thống.
(Ảnh minh họa).
Tương truyền rằng sau khi Hạ Vũ chia thiên hạ thành chín châu (cửu châu) thì đã lấy đồng của mỗi châu đúc thành chín đỉnh (cửu đỉnh).
Cửu đỉnh khắc tinh hoa phong cảnh của cửu châu, mỗi đỉnh tượng trưng cho một châu, được xem là biểu tượng cho hoàng quyền và sự thống nhất thiên hạ.
Dưới thời nhà Hạ - Thương – Chu, những món bảo vật này vẫn được xem như quốc bảo. Năm xưa thiên hạ còn thường truyền tai nhau câu nói: "Có được Cửu Định là có được thiên hạ".
Nếu lời truyền miệng trên là thật thì nhân vật từng nhất thống thiên hạ năm xưa như Tần Thủy Hoàng chắc chắn là người đã có được cửu đỉnh.
Tuy nhiên sự thực là sau thời nhà Tần, cửu đỉnh đã không còn tung tích. Do đó, nhiều người luôn tin rằng nơi an nghỉ của Tần Thủy Hoàng chính là nơi cất giấu cửu đỉnh huyền thoại của Trung Hoa xưa.
Theo Thoidai.com.vn