Trong xã hội phong kiến Trung Quốc xưa, thái giám là một tầng lớp đặc biệt. Do các hoàng đế sở hữu tam cung lục viện với hàng trăm cung phi, nên cần rất nhiều người hầu hạ. Tuy trong cung có không ít cung nữ, nhưng vẫn cần đến sức lực của đàn ông cho nhiều việc nặng nhọc. Tuy nhiên, để tránh việc bị "cắm sừng", các hoàng đế đã chọn cách cho thiến những người đàn ông này trước khi đưa vào cung làm việc - từ đó, thái giám ra đời.
(Ảnh minh họa)
Sau khi bị thiến, thái giám gần như có thể làm mọi việc trong cung, kể cả phục vụ việc tắm rửa cho các phi tần. Nhiều người hiện đại cho rằng, việc được hầu hạ những mỹ nhân nơi hậu cung lúc tắm là một "việc nhẹ lương cao". Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại, đây là một công việc đầy sợ hãi và áp lực đối với các thái giám.
Theo hồi ký của thái giám cuối cùng của Trung Quốc - Tôn Diệu Đình từng phục vụ hoàng hậu Uyển Dung (cuối triều Thanh), ông đã trải qua nhiều nỗi nhục nhã và đau khổ khó tưởng tượng. Trong lúc phi tần tắm, các thái giám không chỉ không được nhìn, mà thậm chí còn bị buộc phải nhắm mắt suốt quá trình. Nếu không tuân thủ, họ có thể bị mắng chửi, đánh đập, thậm chí là xử phạt nặng nề.
Trong hậu cung xưa, thái giám hầu hạ phi tần tắm gội không hề sung sướng mà đầy áp lực, nhục nhã và nỗi sợ luôn thường trực. (Ảnh minh họa)
Điều khủng khiếp hơn là trong suốt thời gian tắm rửa, các thái giám phải quỳ gối trước mặt chủ nhân. Đối với những người vốn đã chịu đựng nỗi đau thể xác khi bị thiến, đây lại là một đòn giáng mạnh vào tinh thần và nhân cách. Chưa hết, nhiều cung nữ còn thường xuyên lấy sự "khiếm khuyết" về sinh lý của họ ra làm trò cười, xem họ thậm chí còn không bằng phụ nữ.
Một số phi tần rảnh rỗi, thậm chí cố tình khoe thân thể trước mặt thái giám, coi đó là trò tiêu khiển. Tôn Diệu Đình từng kể rằng, hoàng hậu Uyển Dung không chỉ để ông hầu tắm, mà còn yêu cầu ông trực tiếp kỳ lưng và massage cho bà. Dù đã bị thiến, nhưng cơ thể của thái giám vẫn có thể phản ứng theo bản năng sinh học - điều này vô tình tạo ra nỗi giày vò tinh thần nặng nề.
(Ảnh minh họa)
Đã vậy, khi ông đề xuất nhường công việc cho cung nữ khác, ông không những không được thông cảm mà còn bị cười nhạo.
Ngoài nỗi nhục cá nhân, việc hầu hạ phi tần tắm gội còn là một công việc phức tạp và vất vả. Các phi tần gần như không tự làm gì, từ cởi áo đến mặc lại đều cần người hỗ trợ. Thời gian tắm kéo dài, nước phải luôn được giữ ấm, có khi còn phải pha thêm các loại hương liệu cầu kỳ để làm đẹp lòng hoàng đế. Chỉ cần chuẩn bị thiếu một chút, thái giám liền phải hứng chịu cơn thịnh nộ từ các phi tần.
(Ảnh minh họa)
Đặc biệt với những nhân vật quyền lực như Từ Hi Thái hậu, mọi thứ càng khắt khe hơn. Bà nổi tiếng với lối sống xa hoa. Theo lời kể của cung nữ từng phục vụ Từ Hi, mỗi ngày bà đều tắm, và quá trình chuẩn bị kéo dài tới bốn tiếng đồng hồ. Từ khăn tắm đến thau nước đều được phân loại kỹ lưỡng, từng chiếc khăn (có đến 100 chiếc) đều có công dụng riêng. Bà còn cho làm riêng một chiếc ghế tắm xoay được để có thể vừa tắm vừa nghỉ ngơi.
(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, điều khiến người hầu hãi hùng nhất chính là việc mát xa và kỳ cọ. Nếu lực tay quá mạnh hay quá nhẹ, Từ Hi có thể nổi giận, thậm chí phạt chết người hầu. Với những quy tắc khắc nghiệt như vậy, không một ai dám có ý nghĩ vượt quá giới hạn. Đúng là "làm bạn với vua như chơi với hổ", mà trong trường hợp này là "làm bạn với phi tần càng nguy hiểm gấp bội".
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)