Trong lịch sử, các vị hoàng đế háo sắc xuất hiện không ít, gần như triều đại nào cũng có, chỉ cần là người phụ nữ mà họ nhìn trúng thì sẽ bất chấp tất cả mà cướp về tay mình. Thậm chí còn có những ông vua vì quá háo sắc mà khiến cho bản thân trở thành tội đồ làm đất nước ngày một suy tàn. Trong đó còn có không ít những ông vua vì sắc đẹp mà không cần giang sơn, vì mỹ nhân mà mất cả mạng. Sự ham mê sắc đẹp của hoàng đế khai quốc Hậu Lương - Chu Ôn có thể nói là chưa từng có trong suốt chiều dài lịch sử cổ đại.
(Ảnh minh họa)
Chu Ôn vốn là một tướng lĩnh trong đội quân nổi dậy của Hoàng Sào cuối thời nhà Đường. Ông giỏi về mưu lược, anh dũng chiến đấu và rất được Hoàng Sào coi trọng. Tuy nhiên, Chu Ôn cũng là một kẻ cơ hội trong cuộc chiến chính trị lúc bấy giờ, khi thấy Hoàng Sào rơi vào tình thế bất lợi ông đã lập tức phản lại Hoàng Sào, đầu hàng nhà Đường, cũng trở thành thành viên tích cực tiêu diệt quân nổi dậy của Hoàng Sào.
Nhờ những chiến công xuất sắc của mình, Chu Ôn được Đường Hi Tông phong làm Tuyên Vũ Tiết Độ sứ. Sau đó, ông bắt đầu bành trướng thế lực của mình, trở thành người đứng đầu trong tiết độ sứ, thành công khống chế Đường Chiêu Tông và thật sự khống chế triều đại nhà Đường. Năm 907, Chu Ôn học theo Tư Mã Viêm xưng đế, leo lên ngai vàng lập nên nhà Hậu Lương.
(Ảnh minh họa)
Chu Ôn ngay khi vừa lên làm hoàng đế cũng không phải ngay lập tức thể hiện sự háo sắc của mình, đó là bởi vì ông có một người vợ tốt là Trương Huệ. Trương Huệ không chỉ có một khía cạnh dịu dàng của phụ nữ mà còn có phong thái quyết đoán của một đấng nam nhi. Nàng đem tất cả mọi chuyện từ trong ra ngoài của Chu Ôn quản lý ổn thỏa, rõ ràng nên cực kỳ được ông tôn trọng. Đáng tiếc bà lại không có phúc dày, khi Chu Ôn leo lên ngôi hoàng đế thì bà mắc phải bệnh truyền nhiễm mà qua đời.
Không còn có sự trói buộc, Chu Ôn bắt đầu cuộc sống buông thả bản thân. Ông trở nên mê đắm trước sắc đẹp, cả ngày ở trong cung chơi đùa cùng mỹ nữ, đối với chuyện triều chính cũng không còn để tâm. Chu Ôn háo sắc có thể nói không hề có chút nguyên tắc nào, thậm chí ngay cả vợ của đại thần cũng cướp về lâm hạnh, các đại thần có giận cũng chẳng dám nói gì.
(Ảnh minh họa)
Nếu như hành động cướp vợ của đại thần là vô liêm sỉ thì việc để con dâu thị tẩm quả thật không phải là hành động của con người. Con nuôi của Chu Ôn là Chu Hữu Văn có vợ là Vương Thị không chỉ có ngoại hình xinh đẹp mà còn đặc biệt quyến rũ. Chu Ôn đối với nàng vốn đã thèm nhỏ dãi từ lâu. Để có được nàng, Chu Ôn đã phái con nuôi đi xuất chinh đánh trận, sau đó đem con dâu Vương Thị triệu vào cung rồi lâm hạnh nàng. Chu Hữu Văn sau khi biết được không chỉ không tức giận mà còn ủng hộ Vương Thị lui tới với Chu Ôn để Chu Ôn có thể cho hắn càng nhiều quyền lợi hơn.
Những người con trai khác của Chu Ôn còn ghê tởm hơn, cũng đem vợ của mình dâng cho Chu Ôn mà Chu Ôn lại chẳng biết xấu hổ để con tất cả con dâu xếp hàng đợi hầu hạ mình, cực kỳ vui vẻ, hưởng thụ. Các con của Chu Ôn để cho vợ của mình tận tình lấy lòng Chu Ôn, giành được sự sủng ái của ông với hi vọng rằng Chu Ôn sẽ đem ngôi vị hoàng đế truyền cho mình. Bởi vậy có thể thấy được Chu Ôn cùng với các con của ông đã bất chấp cả luân lý đạo đức làm người.
(Ảnh minh họa)
Suốt ngày mê muội trong tửu sắc khiến cho thân thể Chu Ôn càng ngày càng kém đi. Khi ông dự định đem ngôi vị hoàng đế truyền cho con nuôi là Chu Hữu Văn thì bị con dâu khác của ông là Trương Thị lập tức nói cho con ruột của ông Chu Hữu Khuê biết. Chu Hữu Khuê vừa nghe xong đã nổi trận lôi đình, nghĩ thầm trong bụng rằng vợ của hắn cũng đều đã dâng cho Chu Ôn mà kết quả ngai vị lại truyền cho người ngoài. Chu Hữu Khuê vì thế đã phát động binh biến, giết chết Chu Ôn ngay trên giường. Chu Ôn cả đời kiêu hùng vậy mà lại chết dưới tay của chính con ruột của mình.
(Ảnh minh họa)
Chu Ôn tuy rằng có tài trí mưu lược kiệt xuất nhưng quá mức ham mê sắc đẹp, sủng hạnh con dâu càng là chuyện làm trái với luân lý đạo đức. Cuối cùng chết dưới tay con trai ruột cũng coi như là báo ứng mà ông phải gánh chịu cho những hành động của mình.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)