Các nhà khoa học Mỹ cho rằng, hiện tượng siêu trăng và thủy triều mạnh
là nguyên nhân khiến con tàu Titanic gặp nạn.
Đêm 14/4/1912, con tàu Titanic từng được quảng cáo là “không thể chìm” đã đâm phải một núi băng trôi, cách bờ biển Newfoundland, Canada 603km về phía Nam. Vài giờ sau đó, con tàu này bị chìm cùng với hơn 1.500 sinh mạng.
Sau đó, có báo cáo cho rằng bất chấp cảnh báo nguy hiểm, tàu Titanic đã chạy với vận tốc tối đa trong khu vực rải rác các khối băng. Tuy nhiên, câu hỏi tại sao có nhiều núi băng xuất hiện trên đường đi của con tàu như vậy lại là câu đố chưa có lời giải. Trước thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 100 năm sự kiện tàu Titanic gặp nạn sau khi rời Southampton tới New York, các nhà khoa học Mỹ ở trường đại học quốc gia Texas dường như vừa tìm ra câu trả lời.
“Tất nhiên, nguyên nhân cuối cùng gây ra vụ tai nạn là do con tàu đâm vào núi băng trôi. Con tàu Titanic không thể giảm tốc độ, kể cả sau khi nhận được một vài cảnh báo có các tảng băng phía trước”, nhà nghiên cứu Donald Olson cho hay.
“Titanic chạy quá nhanh trong khu vực đầy núi băng trôi và đó thực sự là nguyên nhân khiến con tàu bị chìm. Tuy nhiên, sự liên hệ với mặt trăng có thể giải thích tại sao có nhiều tảng băng trôi vào đường đi của con tàu Titanic như vậy”, nhà khoa học Olson giải thích thêm.
Theo các nhà khoa học, số phận của Titanic đã được định đoạt 4 tháng trước đó vào ngày 4/1/1912. Đây là thời điểm xảy ra hiện tượng trăng tròn hiếm gặp và mặt trăng tiến sát Trái đất nhất trong vòng 1.400 năm. Ngoài ra, lúc đó mặt trăng, mặt trời và địa cầu cùng thẳng hàng, kết hợp với ảnh hưởng của lực hấp dẫn của chúng khiến thủy triều mạnh bất thường ở khu vực Bắc Đại Tây Dương. Bên cạnh đó, ngày 4/1/1912, các nhà khoa học xác nhận xuất hiện một lực hấp dẫn mạnh hơn thường ngày.
Những yếu tố đó góp phần làm mực nước biển tăng cao và làm những khối băng nứt ra, rồi trôi vào hải trình của con tàu Titanic ở Bắc Đại Tây Dương.
Các thủy thủ trên Titanic đã không thể cứu được con tàu định mệnh.
Các nhà khoa học đã thông báo phát hiện này trên tạp chí Sky & Telescope. Lúc đầu họ tự hỏi liệu thủy triều dâng cao bất thường có khiến các núi băng trôi tách ra khỏi dòng sông băng Greenland hay không. Ngoài ra, để tiếp cận con tàu Titanic ngày 14/4, các núi băng trôi này phải di chuyển rất nhanh lúc đó.
Khi các núi băng Greenland đi về phía Nam, nhiều tảng băng bị mắc kẹt trong vùng nước nông ngoài khơi Labrador và Newfoundland. Thông thường, chúng ở đó và không thể di chuyển cho đến khi băng tan chảy hay thủy triều dâng đủ cao để giải phóng chúng. Một tảng băng trôi có thể bị mắc kẹt nhiều lần trong chuyến hành trình về phía Nam và quá trình này phải mất nhiều năm.
Thủy triều dâng cao bất ngờ hồi tháng 1/1912 chính là yếu tố giải phóng các tảng băng trôi và giúp chúng chảy vào hải lưu về phía Nam. Sau đó, chúng sẽ có đủ thời gian để tập trung trên tuyến đường đi của con tàu Titanic và gây tai nạn cho con tàu định mệnh.
Infonet