Ngoài ước vọng có thể mãi mãi ngự trị ngai vàng, các Hoàng đế thời xưa còn có một khát khao mãnh liệt là được tận hưởng những lạc thú của cuộc đời, đặc biệt là nữ sắc. Chính vì thế, thuốc trường sinh bất lão và xuân dược tráng dương là hai loại thuốc mà bất kỳ vị Hoàng đế nào cũng mơ ước sở hữu. Tuy nhiên, cuộc hành trình đi tìm sự trường sinh bất lão cũng như thỏa mãn lạc thú của các bậc đế vương cũng lắm gian lao, nhọc nhằn…
1.Tần Thủy Hoàng, vị hoàng thế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đã mở ra truyền thống săn tìm “tiên dược” của các bậc đế vương Trung Quốc. Sử chép rằng, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh cho Từ Phúc xuất dương tìm thuốc trường sinh bất lão. Tuy nhiên Từ Phúc một đi không trở lại. Cũng chẳng rõ Từ Phúc tìm cơ hội tháo chạy, không muốn hợp tác với bạo chúa Doanh Chính hay là không tìm thấy thuốc trường sinh sợ quay trở về bị Tần Thủy Hoàng giết chết? Cũng có người thì cho rằng, có thể Từ Phúc đã tìm thấy thuốc trường sinh nhưng lại giữ cho mình. Câu chuyện về thuốc trường sinh bất lão của Tần Thủy Hoàng vì thế cho tới ngày nay vẫn ẩn chứa nhiều bí mật.
Tới thời nhà Minh, Hoàng đế Chu Thường Lạc chìm đắm trong tửu sắc, hoang dâm vô độ do vậy sức khỏe cực kỳ kém. Trịnh Quý Phi vừa muốn giữ sự an toàn cho mình lại vừa muốn làm vui lòng chồng, đã chọn 8 mỹ nữ giỏi đàn hát trong số các thị nữ của mình tặng cho Chu Thường Lạc. Thực chất, Trịnh thị muốn dùng mỹ nhân kế để được phong làm hoàng hậu. Sức khỏe Chu Thường Lạc vốn đã kém, nay lại được tặng thêm 8 mỹ nữ, ngày đêm cùng nhau hoan lạc nên chẳng được bao lâu thì cơ thể ngày một tiều tụy, bệnh tình ngày một nặng thêm.
Lúc bấy giờ, quan Tư lễ Bỉnh bút Thôi Văn Thăng, nắm giữ ngự dược phòng tới xem bệnh cho Chu Thường Lạc. Họ Thôi vốn là quan nội y trong cung của Trịnh quý phi, do vậy, bệnh tình của Chu Thường Lạc vốn phải dùng thuốc bồi bổ nguyên khí thì Thôi Văn Thăng lại cho uống thuốc khử nhiệt thông ruột khiến Chu Thường Lạc đã ốm yếu còn mắc thêm bệnh tiêu chảy. Cách dùng thuốc của Thôi Văn Thăng khiến cả triều đình kinh ngạc và dị nghị. Mọi người đều cho rằng, Thôi Văn Thăng nghe theo chỉ thị của Trịnh quý phi, muốn hại chết hoàng đế.
Ảnh minh họa - Internet
Đúng lúc đó, lại xuất hiện thêm Lý Khả Chước tuyên bố rằng mình có tiên đơn có thể trị khỏi bệnh cho hoàng đế. Các đại thần cảm thấy nghi ngờ, chủ trương không cho hoàng đế dùng loại tiên đơn không rõ nguồn gốc này. Tuy nhiên, lúc này Chu Thường Lạc đã phải nằm liệt giường, sợ rằng mình chết thì không còn được thụ hưởng các thú vui hoan lạc của trần gian nữa nên quyết định sẽ dùng tiên đơn của họ Lý. Ban đầu dùng một viên, tay chân đã thấy ấm lên, muốn ăn một cái gì đó. Chu Thường Lạc cho rằng, tiên đơn của họ Lý thực sự có hiệu quả, do vậy đã uống thêm một viên nữa. Tuy nhiên, tới ngày thứ 2 thì vị hoàng đế hoang dâm không còn dậy được nữa. Loại thuốc đã giết chết Chu Thường Lạc có màu hồng gọi là “Hồng hoàn”, chủ yếu được làm từ chì thêm một phần nhung hươu. Vì vậy, Chu Thường Lạc sức khỏe đã yếu, uống liền 2 viên khiến cơ thể không còn chịu đựng được nữa mà chết.
2. Cái chết của Hoàng đế Ung Chính thời nhà Thanh cũng là một bí ẩn liên quan tới xuân dược và thuốc trường sinh. Các phi tần của Ung Chính rất đông, là một người đàn ông, đương nhiên, Ung Chính rất có hứng thú với các loại “xuân dược”. Tuy nhiên, Ung Chính cũng là người thông minh,hiểu rằng, là con người thì sớm muộn cũng chết, do vậy, ngoài xuân dược, thì thuốc trường sinh cũng là thứ mà vị Hoàng đế triều Thanh tìm kiếm. Người ta nói rằng, Ung Chính nuôi rất nhiều đạo sĩ trong cung để giúp mình trị bệnh, tăng cường sức khỏe. Các đạo sĩ này người thì dùng thuốc, người thì lại dùng các thủ thuật khác như bùa chú, xoa bóp… Để tìm “người tài” cho việc giúp mình trường sinh, Ung Chính mật lệnh cho các quan tuần phủ trong khắp cả nước tiến cử những đạo sĩ giỏi về y dược vào cung. Ung Chính rất mực trọng dụng các đạo sĩ, hy vọng họ có thể giúp mình trường sinh bất lão. Vì thế, rất có thể cái chết đột ngột của Ung Chính Hoàng đế là do chất độc trong các loại thuốc trường sinh mà các đạo sĩ dâng lên cho ông ta.
Không chỉ có một mình Ung Chính, thuật trường sinh bất lão của Đạo gia trước nay vẫn được rất nhiều người mù quáng tin tưởng. Con người luôn sợ cái chết, do vậy luôn mơ tưởng rằng họ có thể không chết. Do vậy, họ tìm tới các loại thuốc trường thọ cũng như các phép tu luyện để được trường sinh. Việc Ung Chính sử dụng các loại “tiên dược trường sinh” là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi lẽ, dẫu rằng là ông vua đầy quyền lực của triều thanh, song Ung Chính vẫn là con người. Đã là một con người thì thất tình lục dục đều có đủ. Những người xung quanh Ung Chính, muốn nhận sự nâng đỡ của hoàng đế cũng nhìn thấy điều này. Vậy làm thế nào để làm vừa lòng một vị hoàng đế Thanh triều? Tiến cử các loại thuốc trường sinh chính là biện pháp đơn giản mà cực kỳ hiệu quả.
Cả hai loại thuốc này, con người không ai không muốn có. Tuy nhiên, nó lại là hai loại thuốc khắc chế nhau. Bởi lẽ, không ai có thể vừa vui vẻ hoan lạc lại vừa sống trường thọ để hưởng thụ cái thú hoan lạc ấy mãi mãi cả. Tuy nhiên, những người có quyền có thế như hoàng đế thì lại cho rằng, hai mục đích ấy không những không mâu thuẫn mà còn bổ trợ cho nhau. Chính vì tâm lý này của các bậc đế vương, rất nhiều người coi việc nghiên cứu, chế tạo hai lạo thuốc này trở thành con đường tiến thân thay cho học hành. Tuy nhiên, cũng vì loại thuốc này không ít các vị hoàng đế đã phải chết một cách oan uổng mà Chu Thường Lạc và Ung Chính chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ.
3. Mỹ nữ ngày càng nhiều, càng ngày càng trẻ hơn và đẹp hơn cứ bày ra mơn mởn trước mặt, là một người đàn ông có quyền thế, bậc đế vương có thể ngồi yên được không? Chính vì thế, người ta mới nói rằng, giữa thuốc trường thọ và xuân dược, đôi khi hoàng đế vẫn bất chấp tất cả lựa chọn xuân dược để phục vụ những thú vui trước mắt. Hán Thành Đế thời nhà Hán, cùng lúc sở hữu hai chị em họ Triệu – Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức, đều là những bậc mỹ nhân tuyệt sắc. Tuy nhiên, cũng vì hoang dâm vô độ, không ít lần phục dụng xuân dược nên Hán Thành Đế đã có một kết cục cực kỳ thê thảm.
Sử sách có kể lại rằng, lúc bấy giờ có một vị đạo sĩ dâng cho Thành Đế một loại xuân dược có tên là “Thận tuất giao”. Đây là một loại thuốc xuân dược cực mạnh,chỉ cần bỏ vào nước lập tức nước sẽ sôi lên sùng sục. Muốn dùng được thuốc phải bỏ vào nước trong vòng 10 hôm mới lấy ra dùng và mỗi lần chỉ được dùng tối đa một viên. Lúc đó, dù biết rằng thuốc mạnh như Thận Tuất Giao giống như con dao hai lưỡi, song để chiều long người đẹp, Hán Thành Đế đã bất chấp tất cả. Lần đàu dùng thuốc, Hán Thành Đế thấy hiệu quả rất tốt, cơ thể cuồn cuộn sức sống và lần đầu tiên Hán Thành Đế có một đêm vui vẻ trọn vẹn bên người đẹp. Từ đó, ngày nào Hán Thành Đế cũng phải dùng Thận Tuất Giao còn nếu không dùng thì gần như là không thể ngủ được. Tuy nhiên, một lần, sau một bữa yến tiệc linh đình, Triệu Hợp Đức muốn đêm đó được vui vẻ trọn vẹn với Thành Đế nên đã quyết định cho vị hoàng đế này uống tới 7 viên Thận Tuất Giao. Thành Đế hưng phấn quá độ, tới mức, ân ái suốt đêm mà ham muốn vẫn đầy tràn. Tuy nhiên, với một cơ thể đã tàn tạ, Thành Đế không thể nào chịu đựng được sự lao lực quá độ như vậy. Kết quả là vị thiên tử triều Đại Hán đã trút hơi thở cuối cùng trong lúc cuộc ân ái còn đang dang dở.
Dù không thể trường sinh bất lão, song nếu như có lối sống lành mạnh thì việc sống trăm tuổi là điều không khó. Tuy nhiên, khát vọng của các bậc đế vương lại không phải là kéo dài tuổi thọ của mình ra mà là muốn thể hiện “uy lực” bất phàm của một thiên tử trong những cuộc ân ái với ái phi của mình. Trường hợp của Tùy Dạng Đế Dương Kiên là một ví dụ. Sử sách chép rằng, năm đó, Dương Kiên đã ngoài 60 tuổi. Vào thời bấy giờ, 40 tuổi đã được gọi là sống thọ, 60 tuổi đã có thể gọi là đại thọ, thượng thọ rồi. Thế nhưng, vào tuổi “xưa nay hiếm ấy”, vị hoàng đế triều Tùy vẫn cố gắng tận hưởng chút thời gian còn lại trên dương thế của mình vào những hoan lạc ân ái. Dương Kiên ra lệnh tiếp tục tuyển chọn mỹ nữ vào hậu cung.
Một ông lão 60 tuổi, lại có hẳn một lịch sử chẳng mấy sạch sẽ về đời sống tình dục như Dương Kiên, làm sao có thể chịu đựng được sự giày vò về thể xác trong những cuộc ân ái với những phi tần được ví như hổ đói kia. Chẳng bao lâu sau, Dương Kiên thân hình tiều tụy, chỉ còn một nhúm da bọc xương, bệnh tật gì cũng kéo tới tìm. Đến lúc đó, Dương Kiên đành phải để con trai là Dương Quảng thay mình quản lý việc quốc gia đại sự, còn bản thân thì lui về Nhân Thọ Cung tĩnh dưỡng. Tuy nhiên, trước khi đi đi tĩnh dưỡng, Dương Kiên vẫn không quên chọn hai phi tần xinh đẹp nhất theo hầu. Thành ra, công cuộc tĩnh dưỡng của Dương Kiên biến thành những cuộc ân ái triền miên. Kết quả, lui về tĩnh dưỡng chưa được bao lâu thì Dương Kiên chết vì kiệt sức.
Hôn nhân & Pháp luật