Kỳ 1: Xương trắng thành gò?
Gò Đống Đa cũng được nhiều nhà khoa học, sử học nhận định là một nấm mồ khác chôn xác quân Thanh. Nếu quả như vậy thì với diện tích 6.000m2, chiều cao gần chục m sẽ là ngôi mộ lớn nhất thế giới.
Sự thật từ lịch sử
Các cụ cao niên ở làng Thịnh Liệt thì nơi tọa ngự của Gò Đống Đa ngày nay xưa kia thuộc đất làng Khương Thượng, huyện Quảng Đức, phủ Thuận Thiên. Đây cũng là một trong các chiến trường trong trận Hoàng đế Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).
Sau chiến thắng như vũ bão, quân Tây Sơn giải phóng kinh thành Thăng Long, khu vực Đống Đa xác giặc chết ngổn ngang khắp nơi. Vua Quang Trung cho thu nhặt lại, xếp thành 12 gò, sau gọi là “Kình nghê quán” (gò chôn xác giặc dữ như cá kình, cá nghê ngoài biển).
Ảnh Gò Đống Đa nhiếp ảnh gia Võ An Ninh chụp năm 1941 cho thấy
trước kia xung quanh di tích Gò Đống Đa là ao đầm trũng nước
Nhiều tư liệu lịch sử sau này cũng ghi lại: “Sau cuộc chiến, Quang Trung ra lệnh thu nạp và nuôi dưỡng hàng vạn tù binh Mãn Thanh. Ông sai thu nhặt xương cốt quân Thanh tử trận, chôn thành những gò đống, lập đàn cúng tế và sai Vũ Huy Tấn soạn văn tế, biểu thị sự thương xót với những quân, dân Trung Quốc chết xa nhà”. Bài văn có đoạn:
“Nay ta: Sai thu nhặt xương cốt chôn vùi/Bảo lập đàn bên sông cúng tế/Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc/Xuất của kho mà đắp điếm đống xương khô/Hồn các ngươi không vơ vẩn ở trời Nam, hãy lên đường mà quay về nơi hương chí/Nên kính ngưỡng ta đây là chủ, chan chứa lòng thành/Nhưng mong sao đáp lại đạo trời, dạt dào lẽ sống”…
12 gò xưa nằm rải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng và ở trong khu vực có tên là “xứ Đống Đa”. Vì trên các gò có nhiều cây đa mọc lên um tùm nên dân gian quen gọi tên là Gò Đống Đa. Điều này còn được ghi lại khá rõ trong bài thơ “Loa Sơn điếu cổ” (Viếng núi Ốc) của thi sĩ đương thời Ngô Ngọc Du: “Thành Nam thập nhị kình nghê quán/Chiếu điện anh hùng đại võ công”. (Tạm dịch: Mười hai gò xác phía nam thành - Ngời sáng chiến công bậc anh hùng)
Đến năm 1851, do mở đường, mở chợ, quá trình đào xẻ thấy có nhiều hài cốt giặc, người dân đã thu nhặt chôn vào một hố to, sau đó đắp cao lên thành gò cạnh núi Ốc (Loa Sơn). Dần dần, ngôi gò mới này được đắp rộng và cao thêm, dính liền vào núi Ốc và cũng được gọi là Gò Đống Đa. Sau khi chiếm thành Hà Nội, thực dân Pháp đã bạt đi tất cả 12 chiếc gò, chỉ còn lại gò ở núi Ốc. Do đó, Gò Đống Đa hiện nay thực chất là chiếc gò thứ 13 còn sót lại.
Cổng vào gò Đống Đa hiện tại. Ảnh: Đình Tú
Đống Đa - gò xương thứ 13?
Trong nhiều bài viết lúc còn sống, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã từng cho rằng, dưới thời Vua Minh Mạng, ông Đặng Văn Hòa - Tổng đốc Hà Nội xưa, khi mở mang vùng Nam Đồng, Thịnh Quang đã đào được rất nhiều hài cốt. Ông cho quân lính khiêng những hài cốt đào được đắp lên một gò cũ đã tàn. “Nguyên sơ ở vùng đó có 12 gò và gò còn lại là gò thứ 13. Đó là gò duy nhất may mắn giữ được cho đến ngày nay.
Ông Hòa từng cho xây dựng một ngôi chùa bên phía đông của gò, gọi là chùa Đồng Quang. Sở dĩ có tên là Đồng Quang vì xây trên địa phận đất chung của hai làng Nam Đồng - Thịnh Quang. Cạnh ngôi chùa này trước kia còn có một nghĩa địa chung, trong nghĩa địa có một bàn thờ gọi là “nghĩa chủng” - nơi thờ cúng các cô hồn vất vưởng, không nơi bám víu.
Ông Đặng Minh, một hậu duệ của đô đốc Đặng Tiến Đông tướng của vua Quang Trung xưa vẫn lưu giữ được nhiều thư tịch cổ của dòng họ Đặng cũng khẳng định: “Gần khu vực gò Đống Đa có một ngôi chùa cổ mang tên “Sùng Phúc tự” hay có tên gọi dân gian là Chùa Bộc với với hàm ý quy y cho những vong hồn bị tử trận, tử thi bị bộc lộ ra bên ngoài đồng sau trận đánh chớp nhoáng của đội quân Tây Sơn Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Chiếc hồ nằm ở phía trước sân chùa có tên là “Hồ tắm tượng” gắn liền với câu chuyện về đội voi của nghĩa quân Tây Sơn sau khi hạ đồn Khương Thượng đã đến tắm tại đây. Trong chùa cũng có bức tượng Đức Ông phía sau có dòng chữ khắc sau bệ ngồi của tượng “Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng”.
Người dân tin rằng đó là cách mà dân làng Khương Thượng thể hiện lòng thành kính và thờ vị vua Quang Trung - Nguyễn Huệ dưới hình tượng Đức Ông trong thời kỳ Nguyễn Ánh tìm cách trả thù nhưng người thuộc triều đại Tây Sơn. Như vậy việc gò Đống Đa là nơi chôn xác giặc Thanh là có cơ sở hay nói cách khác đó chính là ngôi mộ khổng lồ từ xác người”.
Cụ Lê Hữu Đáp (86 tuổi) nhà ở phố Nguyễn Lương Bằng cho biết, khi còn nhỏ cụ thấy Gò Đống Đa cũng chỉ còn lại một gò. Tuy nhiên ông, bà của cụ vẫn kể lại rằng ngôi gò còn sót lại là gò chôn xác giặc Thanh. “Thậm chí, sát dưới chân Gò Đống Đa có một rãnh nước lớn, nhiều người nghĩ đó là do máu giặc bị chém rồi tạo thành”- cụ Đáp nói.
Còn nữa...
Đất Việt