LTS: Theo nhiều giai thoại, những cuộc thi sắc đẹp đã xuất hiện từ khi nước ta còn trong thời thuộc địa nửa phong kiến. Bấy giờ, người đẹp khắp ba miền Bắc - Trung - Nam được ca tụng là "Hoa hậu Đông Dương".
Tuy nhiên, theo nhiều nhà sử học, trong đó có ông Dương Trung Quốc, thì thời đó chưa có một cuộc thi sắc đẹp được tổ chức quy củ.
"Ngôi hậu này chỉ là danh vị gắn với người đẹp. Chẳng hạn, người ta thấy cô gái nào đẹp nhất vùng thì gọi là hoa hậu, như ta vẫn nghe "hoa hậu phường", "người đẹp Bình Dương"… chữ hoa hậu đôi khi được dùng thay cho từ người phụ nữ đẹp" - ông giải thích.
Không có tài liệu lịch sử nào ghi lại, song câu chuyện về những nàng Hoa hậu ngày ấy vẫn tồn tại trong nhiều giai thoại xưa và được người đời truyền tai nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác qua các câu chuyện trà dư tửu hậu.
18 tuổi 3 đời chồng
Nhắc tới những người đẹp nổi danh của đất Sài Gòn xưa người ta không thể nào bỏ qua cái tên cô Bà Trà. Người đời còn truyền tai nhau rằng cô Ba Trà ngày ấy là niềm mơ ước của đàn ông khắp Sài Gòn, lục tỉnh.
Cô Ba Trà tên thật là Trần Ngọc Trà, sinh năm 1906 tại Cần Đước, Long An. Cái tên Ba Trà ra đời do cô là con thứ trong gia đình nhiều anh chị em.
Cô Ba Trà. Ảnh tư liệu.
Có nhiều câu chuyện kể về tuổi thiếu thời của cô Ba Trà. Người kể rằng từ nhỏ cô Ba Trà đã có cuộc sống vô cùng khổ cực do cha mẹ mâu thuẫn, cô phải theo mẹ khăn gói về quê ngoại ở nhờ.
Cũng có lời đồn rằng gia đình cô Ba Trà không quá nghèo khổ nhưng lại thường xuyên nhận phải ánh nhìn cay nghiệt từ nhà nội.
Căn nguyên của chuyện này là do cha của cô Ba Trà mất sớm, mà nhà nội lại cho rằng cô là căn nguyên gây tang tóc. Thậm chí họ còn cho rằng cô Ba Trà không phải là dòng máu gia đình họ.
Chính vì thế, tuổi thơ của cô Ba Trà phải trải qua sự hắt hủi, đòn roi từ gia đình bên nội.
Mặc dù có nhiều lời đồn thổi khác nhau về tuổi thơ của cô Ba Trà nhưng về cơ bản, người đẹp Sài Gòn đã có một cuộc sống không mấy hạnh phúc và đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần.
Cuộc sống đau khổ nhưng không làm cho cô Ba Trà bớt xinh đẹp. 13-14 tuổi, cô đã trổ mã xinh đẹp với làn da trắng hồng, đôi mắt ướt mi dễ dàng làm người đối diện phải xao xuyến.
Mong con gái sớm thoát cảnh khổ sở, mẹ cô Ba Trà quyết định gả cô cho một quan ba người Pháp, lớn tuổi. Cuộc hôn nhân đầy nước mắt của cô Ba Trà kết thúc sau một năm vì ông quan ba này trở về nước và không trở lại.
Cuộc hôn nhân đầu tiên kết thúc, cô Ba Trà ở lại Sài Gòn đê mưu sinh. Số phận xui khiến giúp cô gặp Toàn, con trai của một tỷ phú người Hoa sống tại Sài Gòn.
Mối tình của Toàn và cô Ba Trà ngày ấy nổi tiếng một vùng. Ngẩn ngơ trước sắc đẹp của cô Ba Trà, thiếu gia Toàn không tiếc lòng chiều chuộng nhằm lấy lòng người đẹp.
Rung động trước sự chân thành của Toàn, cuộc hôn nhân thứ 2 của cô Ba Trà đến khi cô vừa mới bước qua tuổi 15.
Nhưng rồi, cô Ba Trà cũng chỉ có 2 năm sống trong hạnh phúc và tình yêu khi Toàn lại nhanh chóng si mê những bóng hồng khác. Cuộc hôn nhân thứ 2 tan vỡ, cô Ba Trà lại tiếp tục trở thành vợ của một bác sĩ danh tiếng hồi đó khi vừa bước vào tuổi 18.
Nhưng có vẻ như đường tình duyên của cô Ba Trà không mấy thuận lợi. Cuộc hôn nhân chẳng mấy chốc cũng kết thúc vì nhiều lý do.
Nàng "Huê hậu" khiến Hắc - Bạch công tử liêu xiêu
Lận đận đường tình duyên nhưng không làm cô Ba Trà bớt đẹp, cô được bình chọn là "Ngôi sao Sài Gòn" (Étoile de Saigon), "Huê Khôi (Hoa khôi) Nam Kỳ" hay "Hoa hậu Đông Dương".
Mặc dù những cuộc thi này không diễn ra một cách chính thức (không có vương miện), nhưng được các gương mặt đình đám, giàu có thời ấy bình chọn lên.
Trong tài liệu mà học giả Vương Hồng Sển, người sinh sống cùng thời với Ba Trà có để lại trong cuốn Sài Gòn tả pí lù đã miêu tả phần nào nhan sắc của cô Ba Trà. Ông viết rằng, những ai được quen biết hay được cô hạ cố giao thiệp đều xem đó là niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp
Lê Công Phước, còn thường gọi George Phước- được mọi người gọi với cái tên
Bạch Công Tử.
"Cô Ba Trà, đệ nhất Huê khôi ở Nam kỳ, một người đẹp sắc nước hương trời từng làm say mê biết bao công tử miền Nam. Họ bao quanh cô, tranh nhau vung tiền qua cửa sổ. Bao nhiêu tiền bạc, của cải cha mẹ để lại, các công tử ấy ăn xài, bao gái không tiếc", ông viết.
Cánh báo chí, nhà văn tốn biết bao nhiêu giấy mực để miêu tả vẻ đẹp của cô Ba Trà, nào là cô ấy đẹp lắm, đẹp đổ quán xiêu đình, đài các như một bà hoàng, quần áo lụa cùng màu, có quàng khăn voan mỏng, ngồi trên xe mui trần lượn trên đường phố Sài Gòn.
Theo các tài liệu lưu giữ được, cô Ba Trà sở hữu vẻ đẹp có khả năng làm mê hoặc bất cứ đàn ông nào, kể cả các tay chơi hào hoa đến từ nhiều xứ khác.
Danh sách người tình của cô Ba Trà phải kể tới những tên tuổi máu mặt bậc nhất miền Nam thời đó như: Lê Công Phước (biệt hiệu Bạch công tử) - con trai của quan Đốc Phủ Sứ Lê Công Sủng, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (biệt hiệu Hắc công tử).
Sắc đẹp của cô Ba Trà là nguồn cơn cho cuộc đối đầu giữa Hắc - Bạch công tử. Người ta kể rằng Hắc - Bạch công tử đua nhau để lấy lòng người đẹp. Hễ Bạch công tử nghe cô Ba được Hắc công tử tặng món gì quý, ông sẽ hỏi giá và tìm mua kỳ được món quà đắt hơn để tặng người đẹp.
Có giai thoại mà người đời nay vẫn thường kể lại rằng có lần để mua vui cho người đẹp, Hắc - Bạch công tử đã mở một cuộc thi nấu trứng bằng tiền giấy.
Người ta kể rằng để nấu trứng chín cho cô Ba Trà ăn, mỗi công tử đã phải bỏ ra khoảng 100 tờ giấy bạc với tổng trị giá lên tới gần 5.000 đồng Đông Dương ngày đó. Số tiền được xem là gia tài của những gia đình nông dân xưa.
Hắc công tử Trần Trinh Huy.
Đời người phụ nữ như đóa hoa phù dung
Không ai ngờ rằng, hoa khôi Sài Gòn lại có những năm tháng cuộc đời trôi qua một cách vô cùng buồn bã. Khi còn xuân thì, cô được nhiều đại gia, công tử săn đón cung phụng tiền bạc nhưng rồi tất cả cũng chỉ như muối bỏ biển với "cơn nghiện" cờ bạc của cô Ba Trà. Bao nhiêu tiền bạc cô đốt hết vào chiếu bạc.
Rồi tuổi xuân qua đi, hương phấn cũng nhạt phai, sau cô Ba Trà lại có những người đẹp mới xuất hiện. Người ta dần lãng quên một nhan sắc từng làm lục tỉnh xứ Nam phải liêu xiêu.
Cuối đời, cô Ba Trà lâm vào cảnh nợ nần, túng bấn. Để kiếm sống, cô Ba Trà phải đi làm thuê tại một cửa tiệm tồi tàn ở Chợ Lớn.
Những người vô tình gặp cô Ba trong những ngày ấy kể lại rằng cuộc sống khốn khó khiến người đẹp một thời trở nên vô cùng tiều tụy.
Nhưng đằng sau khuôn mặt đã hằn lên những nếp nhăn là chiếc mũi thanh tú, đôi mắt lấp lánh ánh gương.
Có nhiều giai thoại kể lại về những ngày cuối đời của cô Ba Trà. Người thì kể rằng cô chết cô đơn ở chân cầu thang dưới một chung cư tại Sài Gòn. Người thì bảo cô nương nhờ nơi cửa phật rồi ra đi.
Nhiều năm sau này, cuộc đời cô Ba Trà đã được "tiểu thuyết hóa" với nhiều câu chuyện, lời kể mà chẳng còn được ai xác thực.
Theo Ttvn.vn