Nét đẹp "nghiêng nước nghiêng thành"
Trần Viên Viên xuất thân trong một gia đình lao động nghèo tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Cha của cô vốn là một người buôn bán nhỏ nhưng do hoàn cảnh bần hàn nên đã bỏ đi xa, để lại cô con gái duy nhất cho người em vợ nuôi. Khi trưởng thành, Trần Viên Viên đã lọt vào “mắt xanh” của một kỹ viện nổi tiếng nhất đất Giang Tô.
Để nói về sắc đẹp của Trần Viên Viên, người ta đã mô tả lại rằng: "Kỹ nữ này sở hữu một sức hút khó cưỡng từ đôi môi căng mọng. Mỗi khi nhìn ai, người đối diện cũng đều phải luống cuống khi lỡ nhìn vào cặp mắt đẹp mê hồn của nàng. Mái tóc của Viên Viên dài óng và mượt mà như nước hồ thu, nước da trắng ngần như sứ, thân hình mảnh mai và mỏng manh như thuỷ tinh". Ngoài nhan sắc, Viên Viên còn có khả năng cầm kỳ thi họa nổi bật so với những kỹ nữ cùng thời.
"Món hàng" của giới quý tộc
Cuộc đời của kỹ nữ Trần Viên Viên đúng là một bi kịch nhan sắc. Nàng không thuộc về ai cả, mà chỉ là “món hàng”, “món đồ chơi” dùng trao tay của những mưu đồ chính trị, ý đồ xưng nghiệp bá vương của những kẻ quyền thế, hùng mạnh trong thiên hạ cuối thế kỷ 17 tại Trung Quốc.
Thời trị vì của Sùng Trinh- vị hoàng đế người Hán cuối cùng cai trị Trung Quốc, xã hội bắt đầu rơi vào loạn lạc. Hoàng đế Sùng Trinh khi đó lại quá đam mê tửu sắc và hoan lạc bởi một quý phi họ Điền mà quên mất trọng trách với đất nước. Ghen tức vì bị thất sủng, Chu hoàng hậu đã lập mưu bỏ tiền ra mua “Đệ nhất mỹ nữ đất Giang Tô” - kỹ nữ Trần Viên Viên đưa vào cung phục vụ hoàng đế.
Theo kế của hoàng hậu họ Chu, Trần Viên Viên được đưa vào cung để hiến cho hoàng đế Sùng Trinh với mục đích làm cho hoàng đế thôi sủng ái Quý phi họ Điền. Lúc đó, mọi hoạt động của Viên Viên đều phải làm theo kế hoạch của Chu hoàng hậu. Điều mà Chu hoàng hậu không ngờ tới nhất chính là hoàng đế Sùng Trinh lại quá mê đắm Trần Viên Viên. Với sắc đẹp tựa tranh vẽ và tài năng hát múa tuyệt vời mà Viên Viên đã làm cho vị hoàng đế ưa của lạ này ngất ngây say đắm, cả ngày quấn quít không rời nửa bước.
Để tránh điều tiếng quá ham mê tửu sắc, hoàng đế Sùng Trinh đã đưa Viên Viên đến "gửi" tại phủ Chu quốc trượng. Trong một bữa tiệc tại phủ, Chu quốc trượng đã cho Viên Viên ra múa hát, nhan sắc cùng tài năng của nàng đã lọt vào mắt xanh của Ngô Tam Quế- một viên quan được trao nhiệm vụ Tổng binh trấn giữ Sơn Hải Quan (nay thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Khi đó, Ngô Tam Quế đang chỉ huy 10 vạn quân đóng ở Sơn Hải Quan, nhiệm vụ của lực lượng này là chống lại sự xâm nhập của quân Thanh. Để trao thưởng cho công lao giữ gìn biên cương của viên tướng họ Ngô, mặc dù vẫn ưu ái Viên Viên nhưng hoàng đế Sùng Trinh đã đem nàng “ban tặng” cho Ngô Tam Quế.
Cũng giống như hoàng đế Sùng Trinh, khi rơi vào tay Ngô Tam Quế, Trần Viên Viên rất được sủng ái. Tuy nhiên, vì trấn giữ vùng đất biên cương xa xôi nên Ngô Tam Quế vẫn để Trần Viên Viên ở lại kinh thành, tránh cho nàng khỏi tên rơi đạn lạc đáng tiếc. Thời kỳ này có thể coi là những năm tháng hạnh phúc nhất của Trần Viên Viên, vì theo danh nghĩa, mặc dù chưa cưới hỏi chính thức nhưng nàng cũng được coi như là vợ của một viên tướng lừng lẫy nhà Minh thời điểm đó.
Tuy nhiên, cuộc đời đã không mỉm cười với một hồng nhan như Trần Viên Viên. Sau những thắng lợi liên tiếp, Lý Tự Thành đã tự ý lên ngôi hoàng đế ở Tây An và đánh chiếm Bắc Kinh vào ngày 26/5/1644. Trong thời gian loạn lạc này, một mỹ nữ nổi tiếng như Trần Viên Viên đã không thể cứu được chính bản thân mình. Nàng đã bị lực lượng quân nổi dậy bắt đi và dâng lên làm chiến lợi phẩm cho Lý Tự Thành- khi ấy đã xưng thành Sấm vương.
Khi thông tin ái thiếp của mình là Trần Viên Viên đã bị Lý Tự Thành chiếm đoạt, Ngô Tam Quế đã nổi giận lôi đình. Thay vì trở về kinh thành cứu trợ, Ngô Tam Quế đã đến xin hợp tác với quân Mãn Thanh dưới quyền chỉ huy của Đa Nhĩ Cổn. Đây được coi là quyết định ảnh hưởng lớn nhất tới vận mệnh đất nước Trung Hoa khi đó. Sau khi dẹp loạn được lực lượng của Lý Tự Thành, nhà Thanh với lực lượng chính là dân tộc thiểu số Mãn Châu đã chính thức làm chủ được Trung Quốc. Lịch sử Trung Hoa đã bước sang một trang mới.
Khi mới thành lập, triều Thanh đã phong vương cho một số tướng lĩnh Hán tộc có công, trong số đó Ngô Tam Quế. Ông ta được phong Bình Tây vương, trấn thủ Vân Nam. Tuy nhiên, sợ mất mặt vì lấy một kỹ nữ làm vợ, Ngô Tam Quế đã đưa Viên Viên đến tu tại một ngôi chùa vắng ở ngoại ô Côn Minh- thủ phủ của tỉnh Vân Nam. Cuối cùng, nàng trở thành một đạo cô, tu hành ẩn dật và mất đi lặng lẽ không ai biết đến.
TTVN