Theo “Tam Quốc diễn nghĩa”, Lã Bố có hai người vợ, trong đó, vợ cả tên là Nghiêm Thị. Riêng thân phận thực sự của đại mỹ nhân Điêu Thuyền - người phụ nữ xinh đẹp khiến Lã Bố điên đảo hồn phách lại không được ghi chép rõ ràng. Cũng có ghi chép trong sử liệu rằng, Lã Bố có một người vợ (chưa rõ tên), đi theo mình trong chốn quân nhung. Liệu người phụ nữ bí ẩn ấy có phải là nàng Điêu Thuyền trong truyền thuyết?
Tạo hình của đại mỹ nhân Điêu Thuyền trên phim.
Trong số “Tứ đại mỹ nhân” của Trung Quốc, bao gồm nàng Vương Chiêu Quân, Tây Thi, Điêu Thuyền và Dương Quý Phi, có thể nói rằng Điêu Thuyền là mỹ nữ xuất sắc, có sức hút say đắm lòng người nhất. Sắc đẹp của nàng đã khiến các bậc anh hùng hào kiệt thời bấy giờ như Lã Bố, Đổng Trác phải mê đắm rồi lần lượt gục ngã trước gấu váy đào của mình. Đương nhiên, sắc màu thần bí xung quanh nàng còn xuất phát từ chính lý lịch không rõ ràng. Lật giở lại những thư tịch của Trung Quốc, gồm cả “Tam Quốc chí”, “Hậu Hán thư”, người đời nay vẫn không tìm được phần ghi chép nào rõ ràng về thân phận của Điêu Thuyền. Thậm chí, cho tới nay, hậu thế vẫn chưa thể mường tượng rõ gương mặt thật của nàng. Thực tế ấy càng khiến thân thế của đại mỹ nhân thêm phần kỳ bí.
Hiện nay, có 4 giả thiết tương đối thuyết phục về thân thế nàng Điêu Thuyền như sau:
Thứ nhất, Điêu Thuyền là một nữ ca kỹ lưu lạc tới phủ của quan tư đồ Vương Doãn và là con nuôi của ông ta. Vương Doãn sống vào thời Đông Hán, là người huyện Kỳ, tỉnh Thái Nguyên. Vào thời Hán Linh Đế, Vương Doãn đã từng làm tới chức Thứ sử Dự Châu. Sau khi Hán Hiến Đế lên kế vị, Vương Doãn được thăng lên làm quan Tư đồ, một chức quan rất cao trong triều, nằm trong số “Tam Công”. Thời điểm đó cũng là lúc Đổng Trác lộng quyền, làm loạn triều chính. Vương Doãn muốn dùng mỹ nhân kế để diệt trừ tên nghịch tặc Đổng Trác nhưng phiền nỗi trong suốt một thời gian dài vẫn chưa tìm thấy ai là ứng viên thích hợp để thi triển diệu kế của mình, khiến trong lòng vô cùng buồn bực.
Muốn cha được vui, Điêu Thuyền đã ra sức múa hát mua vui cho cha nhưng đều vô ích. Sau khi biết được nỗi khổ tâm của họ Vương, nàng liền chủ động xin được xông pha đi diệt kẻ nghịch tặc, giúp cha trả thù.
Để thực hiện “liên hoàn kế” của Vương Doãn, Điêu Thuyền đã dùng chính sắc đẹp của mình gây ra mâu thuẫn giữa Lã Bố và Đổng Trác. Cuối cùng, nàng mượn chính tay Lã Bố để giết chết Đổng Trác. Nhờ vậy, Vương Doãn trút được khối sầu luôn canh cánh trong lòng bấy lâu. Nhưng rốt cuộc, câu chuyện trên đây cũng chỉ là một quan điểm.
Quan điểm thứ hai, Điêu Thuyền chính là vợ của Lã Bố. Lã Bố tên chữ là Phụng Tiên, sống vào những năm cuối thời Đông Hán, là người huyện Cửu Nguyên, quận Ngũ Nguyên (nay là thành phố Bao Đầu, Nội Mông Cổ). Ban đầu Lã Bố đi theo Thứ Sử Tính Châu là Đinh Nguyên, về sau đi theo Đổng Trác, cuối cùng lại cùng với Vương Doãn hợp mưu giết Đổng Trác, được phong chức Bị Uy tướng quân, đồng thời được phong tước Hầu hưởng lộc ở đất Ôn (Ôn Hầu) nhưng cuối cùng lại bị Tào Tháo bắt giết. Theo ghi chép ở phần “Anh hùng ký” trong hồi “Lã Bố-Trương Mạc-Tang Hồng truyện” thuộc “Ngụy Thư-Tam Quốc Chí” có viết: “Lã Bố gặp Lưu Bị, vô cùng kính phục… Lã Bố liền mời Lưu Bị ngồi lên trên giường của vợ mình nơi chốn quân doanh rồi ra lệnh cho nàng ra quỳ lạy, sau đó mới cùng nhau ăn uống”.
Từ trong đoạn ghi chép này, có thể biết được rằng, Lã Bố có một người vợ đi theo mình trong chốn quân doanh. Cũng trong cuốn sách trên còn có chi tiết rằng: “Tháng 6 năm Diên An thứ nhất, lúc quá nửa đêm, Lã Bố bị Hách Manh, người quận Hà Nội, tướng dưới trướng của Lã Bố mưu phản. Hách Manh mang quân vào Phi Phủ (địa phận tỉnh Giang Tô ngày nay) - vùng đất do Lã Bố đang quản lý, lại dùng chỉ dụ để dụ quan quân giữ thành ra bên ngoài đầu hàng, cùng lúc đó Hách Manh cùng quân lính ra sức đứng ngoài hò hét phô trương thanh thế. Tuy nhiên, quan giữ thành vẫn kiên trì bám trụ, quân của Hách Manh nhất thời chưa tấn công vào ngay trong thành được. Lã Bố không biết tướng làm phản là ai, chỉ vội dắt theo vợ, gói ghém quần áo rồi trèo đèo lội suối, tới doanh trại một bộ tướng của mình là Cao Thuận nương náu tránh nạn”. Khi giao tranh với Tào Tháo, Lã Bố muốn giao cho mưu sỹ của mình là Trần Doanh ở lại trấn giữ cổng thành cùng với Cao Thuận, để mình tự thân dẫn quân đi tập kích đường lương thảo của Tào Tháo.
Lúc này, vợ của Lã Bố nói: “Vốn Trần Doanh và Cao Thuận bất hòa, tướng quân mà ra ngoài, Trần Doanh và Cao Thuận chắc chắn sẽ không thể cùng nhau đồng tâm hiệp lực giữ thành. Nếu thành mất đi rồi, tướng quân còn biết lấy gì để làm lại? Xưa thiếp ở Trường An, đã dám vì tướng quân mà bỏ Trường An ra đi. May nhờ có tướng quân thương tình che chở luôn cho thiếp ở cạnh bên mình, nên nay, tướng quân có thể không cần quan tâm quá tới thiếp (ý nói chỉ cần nghe lời khuyên thực lòng)”. “Lã Bố nghe lời vợ nói xong, trong lòng buồn bã, do dự không thể quyết.” Từ những đoạn hội thoại được ghi chép lại trong lịch sử này, có thể biết được rằng, vợ của Lã Bố nhiều khả năng chính là Điêu Thuyền.
Giả thuyết thứ ba, Điêu Thuyền là nữ tì của Đổng Trác. Đổng Trác vốn là một cường hào tại đất Lương Châu. Vào thời vua Hán Linh Đế, Đổng Trác lên làm quan tới chức Tính Châu Mục. Vào năm Thiệu Ninh thứ nhất (năm 189), Đổng Trác thân hành chỉ huy quân lính tấn công vào thành Lạc Dương, phế bỏ vua Hán Thiếu Đế, lập Hiến Đế lên làm vua đồng thời tự lập mình làm thái sư, ra sức kiểm soát quyền hành nơi triều chính.
Lúc này, Tào Tháo và Viên Thiệu đều đã cất binh chống lại, tuy nhiên về sau quân làm phản đều bị Lã Bố giết chết. Theo ghi chép trong “Lưu Yên, Viên Thuật, Lã Bố liệt truyện” thuộc cuốn “Hậu Hán thư”: “Đổng Trác cậy có con nuôi Lã Bố là Kỵ Đô Úy, hết lời ca tụng tình cảm cha con, ra sức tin dùng. Tuy nhiên, trong một lần nọ, Lã Bố phạm một lỗi nhỏ làm Trác phật ý, Trác liền cầm kích ném, may mà Lã Bố nhanh tay tóm được kích nên mới tránh khỏi bị giết chết. Từ đó, Lã Bố trong lòng âm thầm thù oán Đổng Trác. Đổng Trác về sau lại ra lệnh cho Lã Bố tới canh gác tại Trung Các, tức nơi ở của mình, Lã Bố liền tư thông với thị tỳ của Đổng Trác. Chính điều này đã khiến mọi chuyện không thể sóng yên biển lặng thêm nữa”. Đây chính là nguyên văn câu chuyện Đổng Trác ném kích ở Phượng Nghi đình. Cũng từ đây có thể thấy rằng, Điêu Thuyền - người tư thông với Lã Bố - chính là tỳ nữ của Đổng Trác.
Quan điểm thứ tư, Điêu Thuyền là vợ của Tần Nghi Lộc. Theo ghi chép trong sử sách, Tần Nghi Lộc là bộ tướng của Lã Bố. Ông này lại chính là cha của Tần Lang, danh tướng nổi tiếng nước Ngụy sau này. Theo phần “Thục Ký” trong “Tam Quốc Chí Thục Thư Quan Trương Mã Hoàng Triệu truyện”: “Tào Công cùng Quan Vân Trường, bộ tướng của Lưu Bị bao vây Lã Bố ở Hạ Phì. Quan Vân Trường nói với chúa công (chỉ Tào Tháo) rằng: Bố sai Tần Nghi Lộc đem dâng thư cầu cứu, lại còn cầu xin mong chúa công hãy thu nhận thiếp của hắn làm tín vật. Chúa công đồng ý. Về sau khi sắp phá được thế vây thành, Tần Nghi Lộc lại nhiều lần đến tiếp tục cầu xin, mong được dâng vợ.
Tào Tháo nghi ngờ vợ Lộc có gì đó đặc biệt nên hắn còn nhiều lưu luyến, liền cho triệu đến xem mặt rồi giữ lại. Quan Vân Trường trong lòng tự nhiên âu sầu lo lắng không yên”. Từ những chi tiết này, có thể luận được rằng, vợ của Tần Nghị Lộc là người phụ nữ vô cùng xinh đẹp, Quan Vũ đã từng có ý định lấy làm vợ nhưng do kẻ háo sắc Tào Tháo giữ cho riêng mình nên Vân Trường ôm hận trong lòng. Vì phẫn uất, Quan Vũ đã giết vợ của Tần Nghi Lộc. Tình tiết này về sau đã được biên dựng lại thành vở tạp kịch nổi tiếng Trung Quốc “Quan Công nguyệt hạ trảm Điêu Thuyền”. Nếu theo những tình tiết nói trên, rất có thể, nàng Điêu Thuyền chính là vợ của Tần Nghi Lộc.
Như vậy, quan điểm cho rằng Điêu Thuyền là vợ Lã Bố cũng chỉ là một trong số các khả năng mà thôi. Nhưng bất luận ra sao, nàng vẫn không tránh khỏi phận thảm, tức trở thành vật hi sinh cho cuộc đấu tranh chính trị giữa các thế lực xưa. Bí mật về thân thế thực sự của nàng vẫn còn bỏ ngỏ, chờ đợi sự khám phá, tìm tòi của hậu thế.
Kiến thức