Ấy thế nhưng, thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Đã có không ít những Hoàng đế tự giác hoặc không tự giác phủ phục dưới những mảnh quần hồng của các cô kỹ nữ chỉ vì sắc đẹp của họ…
1. Theo những gì sử sách Trung Quốc còn ghi lại được thì chuyện tình của Hoàng đế với các cô kỹ nữ chẳng phải là chuyện gì mới mẻ hay lạ lẫm ở xứ sở này.
Chẳng phải nói đâu xa xôi, ngay như hai bà hoàng hậu nổi danh thời Hán là Vệ Phu Tử và Triệu Phi Yến đều xuất thân từ kỹ nữ. Vệ Phu Tử là hoàng hậu thứ hai của Hán Vũ Đế Lưu Triệt còn Triệu Phi Yến là hoàng hậu dưới triều vua Hán Thành Đế, ông vua dâm loạn nổi danh của triều đại nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc này.
Hán Vũ Đế trên phim.
Chuyện kể rằng, hoàng hậu thứ nhất của Hán Vũ Đế là Trần A Kiều vào cung đã lâu mà vẫn chưa có con. Vũ Đế vì chuyện này mà rất buồn phiền, có ý tìm người khác thay thế để tìm người nối dõi. Bình Dương Công chúa, chị gái của Vũ Đế Bình Dương Công chúa thấy vậy bèn lựa chọn hơn chục cô gái con nhà lành đưa về phủ dạy dỗ cẩn thận để dâng cho Vũ Đế.
Một lần trên đường đi săn trở về, Hán Vũ Đế ghé vào phủ của Bình Dương Công chúa chơi. Nhân cơ hội đó, Bình Dương Công chúa mới cho gọi những cô gái xinh đẹp mà mình đã dạy công dạy dỗ ra cho Hán Vũ Đế xem mặt và lựa chọn.
Hán Vũ Đế nhìn cô nào cũng lắc đầu tỏ vẻ chán nản. Trong bữa tiệc rượu sau đó, khi ca nữ bước vào mau vui, Vũ Đế vừa nhìn thấy đã thích ngay Vệ Tử Phu, một trong số các ca nữ được Bình Dương mời tới mua vui.
Ngay sau đó, tại nhà của Bình Dương Công chúa, Vệ Tử Phu đã được Lưu Triệt sủng hạnh trong phòng thay đồ. Khi trở lại bữa tiệc, Vũ Đế rất vui vẻ, thưởng cho Bình Dương Công chúa một ngàn cân vàng để thưởng công. Bình Dương cũng nhân cơ hội đó, bèn xin Vũ Đế đưa Vệ Tử Phu vào cung để tiện việc hầu hạ.
Sau khi vào cung, Vệ Phu Tử ngày càng được Vũ Đế sủng ái, cuối cùng quyết định phế truất ngôi hoàng hậu của Trần A Kiều để đưa Vệ Phu Tử lên thay bất chấp việc quần thần phản đối vì thân phận thấp hèn của Vệ Tử Phu.
Triệu Phi Yến thì không nhiều người xa lạ bởi mỹ nhân họ Triệu được người Trung Quốc xưng tụng là một trong “Tứ đại mỹ nhân” thời cổ đại. Tuy nhiên, ít người biết rằng, Triệu Phi Yến bà hoàng hậu nổi danh thời Hán lại có xuất thân là một ca nữ.
Tình huống Triều Phi Yến vào cung của Hán Thành Đế cũng gần giống với trường hợp của Vệ Phu Tử. Lúc bấy giờ, dù ngôi Hoàng đế nhưng lại là kẻ đam mê sắc dục nên Hán Thành Đế thường không chịu được cảnh chán ngán trong hậu cung.
Vì thế Hán Thành Đế thường xuyên ăn mặc giống thường dân, đổi tên là Trương công tử rồi cùng với Phú bình hầu Trương Phóng giả làm các công tử dòng dõi quý tộc trốn ra khỏi cung tìm đến các chốn ăn chơi hưởng lạc.
Một lần, Hán Thành Đế đến nhà công chúa Dương A uống rượu. Khi bữa rượu lên đến cao trào, công chúa Dương A cho gọi bọn ca nữ vào để giúp vui.
Một người người con gái từ sau rèm lụa bước ra, da dẻ mỡ màng trắng trẻo, eo lưng và chân tay thon thả mềm mại như cành liễu yếu lướt theo chiều gió. Vốn bản tính háo sắc, lại đã ngà ngà say, Thành Đế nhìn cô ca nữ nọ như ngây như dại.
Thành Đế càng ngây ngất khi cô ca nữ bắt đầu múa theo tiếng nhạc. Điệu múa nhẹ nhàng, uyển chuyển giống như một con chim yến đang nhẹ lướt trên bầu trời.
Tiệc rượu kết thúc, Thành Đế bứt rứt không yên, bèn ngỏ lời với công chúa Dương A rồi cho triệu cô ca nữ nọ đem về cung, phong làm Tiệp dư, ngày ngày cùng cô ta chìm đắm trong hoan lạc. Cô ca nữ đó không ai khác chính là Triệu Phi Yến.
Đến thời Đường, ông vua nổi tiếng Đường Huyền Tông cũng có không ít chuyện tình đình đám với các kỹ nữ. Một trong những cuộc tình nổi danh nhất chính là cuộc tình giữa Huyền Tông với Triệu Lệ Phi.
Triệu Lệ Phi vốn là một kỹ nữ có tiếng ở đất Lộ Châu. Chuyện kể rằng từ năm Cảnh Long thứ 2 tới năm Cảnh Long thứ 4, tức từ năm 708 – 710, Đường Huyền Tông, khi đó vẫn còn là Lâm Tri Vương được phái đến Lộ Châu làm chức Biệt giá.
Trong thời gian làm quan tại đây, Huyền Tông đã gặp cô kỹ nữ họ Triệu, vừa xinh đẹp lại giỏi ca múa vì vậy quyết định lấy Triệu thị về làm vợ bé. Trong suốt thơi gian này, Huyền Tông vô cùng sủng ái Triệu thị.
Sau khi Đường Trung Tông bị vợ là Vĩ Hoàng hậu cùng An Lạc Công chúa hạ độc giết chết, triều đình nhà Đường đại loạn. Đường Huyền Tông tự phong là Bình Vương liên kết với Thái Bình Công chúa phát động binh biến, tấn công vào kinh thành Trường An, giết chết Vĩ Hoàng hậu.
Sau khi bình định phản loạn, Huyền Tông đưa cha mình là Lý Đán lên ngôi vua, sử gọi là Đường Duệ Tông còn bản thân được phong làm hoàng thái tử.
Lúc bấy giờ, với thân phận là sủng thiếp của thái tử, cha và anh của Triệu thị được Huyền Tông cất nhắc, đều làm những chức quan to trong triều đình.
Sau khi Huyền Tông lên ngôi, năm Khai Nguyên thứ 3, tức năm 715, con trai do Triệu thị sinh ra Lý Tự được phong làm thái tử. Điều đó đủ thấy Huyền Tông sủng ái người vợ xuất thân kỹ nữ này tới mức nào.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi Vương Hoàng hậu bị phế truất, Huyền Tông còn đăc cách phong cho Triệu thị trở thành Lệ Phi, một trong ba quý phi có tước vị chỉ dưới hoàng hậu. Tuy nhiên, sau đó, do Huyền Tông sủng ái Võ Huệ Phi nên dần lạnh nhạt với Triệu Lệ Phi.
Tới năm 737, do âm mưu của Huệ Phi, ngôi vị thái tử của con trai Triệu Lệ Phi là Lý Tự cũng bị phế truất. Gia tộc họ Triệu một thời nổi đình nổi đám vì người con kỹ nữ được Hoàng đế sủng ái nay nhanh chóng lụi tàn.
2. Trong số những chuyện tình Hoàng đế với kỹ nữ thì có lẽ câu chuyện nổi tiếng nhất chính là mối tình giữa vị Hoàng đế nghệ sỹ Tống Huy Tông và cô kỹ nữ lừng danh trong lịch sử Lý Sư Sư. Cái tên Lý Sư Sư thường khiến người ta nhớ tới cuộc tình giữa cô kỹ nữ nổi tiếng họ Lý với chàng lãng tử Yến Thanh trong cuốn tiểu “Thủy hử”.
Tuy nhiên, có lẽ ít người biết rằng chuyện tình lãng mạn ấy chỉ là hư cấu của tác giả Thi Nại Am, bởi lẽ cuộc tình để lại nhiều biến động hơn cả trong cuộc đời của danh kỹ họ Lý này lại chính là mối tình giữa cô với Hoàng đế đương triều Tống Huy Tông.
Lý Sư Sư
Chuyện kể rằng, do sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ nên Lý Sư Sư bị tú bà lầu xanh đưa về nuôi với hy vọng đào tạo trở thành một món hàng béo bở. Không phụ công đầu tư của mụ tú, đến tuổi trưởng thành, nhờ tài sắc đều hơn người, Lý Sư Sư nhanh chóng trở thành một kỹ nữ lừng danh khắp kinh thành.
Giọng hát của Lý Sư Sư được rất nhiều người thừa nhận. Nhiều nho sỹ còn làm thơ để ca ngợi giọng hát của Lý Sư Sư. Người ta gọi cô bằng một “nghệ danh” cực kỳ hoa mỹ là “Bạch Mẫu Đơn” (hoa Mẫu Đơn trắng).
Lúc bấy giờ, vốn là kẻ đam mê nữ sắc nên đương kim Hoàng đế Tống Huy Tông thường quần áo dân thường tìm đến các lầu xanh kỹ viện tìm kiếm mỹ nhân. Và đó là thời điểm Lý Sư Sư lọt vào mắt xanh của Tống Huy Tông.
Từ lâu nghe tiếng Lý Sư Sư tài sắc song toàn, các công tử quý tộc trong chốn kinh thành không ai không biết tiếng, Huy Tông trong lòng cũng ngứa ngáy, mong ngày được tận mắt chiêm ngưỡng người đẹp.
Nhưng khi đó, Huy Tông vẫn còn ngại ngùng danh phận của một thiên tử Đại Tống nên khi đến tìm Lý Sư Sư, Huy Tông nói dối mình là một thương nhân, tên là Triệu Ất. Khi đến nhà Lý Sư Sư, Huy Tông được tú bà của kỹ viện mời vào phòng khách mời ăn hoa quả, nói là đợi một lát Lý Sư Sư sẽ ra tiếp.
Huy Tông ăn hết hoa quả bày ở bàn vẫn chưa thấy Lý Sư Sư ra. Bà chủ kỹ viện lại đon đả ra mời Huy Tông vào phòng trong dùng cơm. Để được gặp người đẹp, Huy Tông đành miễn cường đi theo. Ăn xong cơm, vẫn chưa thấy Lý Sư Sư đâu.
Chủ kỹ viện lại xuất hiện, nói rằng Lý Sư Sư thích sự sạch sẽ nên phiền quan khách trước khi gặp mặt phải tắm rửa thật sạch sẽ. Huy Tông lại phải chặc lưỡi theo mụ chủ vào phòng tắm. Đến lúc ấy, Huy Tông mới được dẫn lên phòng của Lý Sư Sư.
Thế nhưng trải qua bao nhiêu công đoạn, dồn nét bao nhiều háo hức, chờ đợi cuối cùng Tống Huy Tông lại chỉ nhận được sự lạnh nhạt và kiêu ngạo của Lý Sư Sư. Vừa bước vào phòng, không thèm nhìn Huy Tông lấy một lần, Lý Sư Sư phất tay áo đến bên chiếc đàn đặt sẵn và bắt đầu gẩy.
Huy Tông ngạc nhiên lắm nhưng không biết làm cách nào, đành ngồi nghe. Nghe một lúc tâm trí Huy Tông như bị cuốn vào khúc nhạc. Khi Huy Tông định thần lại được thì cũng là lúc gà gáy sáng thành ra vị Hoàng đế đành trở về “tay không”. Sự kiêu ngạo của Lý Sư Sư không những không làm Huy Tông chán ghét, ngược lại khiến ông vua nghệ sỹ rất mực tò mò.
Chính vì vậy, Tống Huy Tông sau này càng si mê Lý Sư Sư hơn. Có lần, sau khi ân ái, Tống Huy Tông ôm Lý Sư Sư trong lòng nói: “Nếu như nàng không phải là kỹ nữ thì tốt biết bao! Trẫm nhất định sẽ đưa nàng vào cung để nàng cả ngày ở bên cạnh trẫm”.
Lý Sư Sư ôm chặt Huy Tông nói: “Nếu như bệ hạ không phải Hoàng đế thì hay biết bao nhiêu! Như thế, thiếp có thể cùng bệ hạ vĩnh viễn ở bên nhau”. Sự thông minh, khéo léo của Lý Sư Sư càng khiến vị Hoàng đế họ Triệu chìm đắm trong mối tình vụng trộm với nàng kỹ nữ lừng danh đất kinh thành.
Tuy nhiên, số phận sau đó của Lý Sư Sư lại khiến nhiều người không khỏi cảm thấy thương tâm. Chuyện kể rằng, khi còn được Tống Huy Tông sủng ái, Lý Sư Sư được vị Hoàng đế triều Tống phong cho đủ tước vị từ Doanh quốc phu nhân rồi Lý Minh phi dù không hề chính thức đưa cô vào cung như một phi tần. Tuy nhiên, do Hoàng đế ăn chơi, không ngó ngàng gì tới triều chính nên nhà Tống ngày càng lụi tàn.
Năm 1127, nhà Kim từ phương bắc kéo quân tấn công nhà Tống. Khi quân Kim đã tiến sát tới kinh thành, Tống Huy Tông đem ngai vàng truyền lại cho con trai là Tống Khâm Tông, tự mình lên làm Thái thượng hoàng. Ít lâu sau đó, cả hai cha con Tống Huy Tông đều quân Kim bắt và đày lên vùng biên ải phía bắc.
Thất thế sa cơ, Tống Huy Tông cũng không còn cách nào để chú ý tới người tình kỹ nữ của mình nữa. Vận mệnh của cô kỹ nữ họ Lý từ trong nhung lụa cũng đột ngột thay đổi theo sự thất bại của vị Hoàng đế ham mê sắc dục.
Người ta nói rằng, sau đó, Lý Sư Sư đã tự tử cho trọn tình với Tống Huy Tông. Có người lại nói, sau khi nhà Tống thất thủ, Lý Sư Sư chạy xuống phía nam và tiếp tục làm nghề kỹ nữ, tuy nhiên danh tiếng không được lừng lẫy như xưa.
3. Nói tới chuyện tình Hoàng đế kỹ nữ thì không thể không nhắc tới các vị Hoàng đế triều Minh. Bởi lẽ đây là triều đại mà người ta cực kỳ thoải mái trong chuyện tính dục và các vị Hoàng đế thì háo sắc hoang dâm bậc nhất. Chính vì vậy, trong xã hội triều Minh, chuyện Hoàng đế qua lại chốn lầu xanh, thậm chí có tư tình với các kỹ nữ thì hoàn toàn không phải là chuyện gì đáng để bàn đến.
Người đầu tiên mở đầu cho truyền thống tốt đẹp này của các Hoàng đế triều Minh đương nhiên không ai khác chính là ông vua khai quốc Chu Nguyên Chương. Người ta kể rằng, trước khi Chu Nguyên Chương trở thành Hoàng đế, từng có một thời gian qua lại với một kỹ nữ ở chốn thanh lâu.
Chu Nguyên Chương
Trong một làn cao hứng, Chu Nguyên Chương còn viết tặng cô kỹ nữ này một bài thơ coi như lời thề hẹn của mình. Sau đó ít lâu, cô kỹ nữ này có mang. Cái thai trong bụng cô kỹ nữ liệu có phải là của Chu Nguyên Chương hay không thì không ai có thể khẳng định được.
Tuy nhiên, sau khi đứa con được sinh ra, cô kỹ nữ này biết rằng Chu Nguyên Chương đã trở thành Hoàng đế mới mang cả đứa con lẫn bài thơ khi xưa tới gặp Hoàng đế họ Chu.
Chu Nguyên Chương đương nhiên còn nhớ chuyện khi xưa tuy nhiên, bản thân giờ đã là một Hoàng đế, làm sao có thể gặp một cô kỹ nữ thân phận thấp hèn lại còn thừa nhận mình đã từng có mối quan hệ với cô ta? Vì vậy, lúc bấy giờ Chu Nguyên Chương đã từ chối không gặp người kỹ nữ đã có con với mình.
Tuy nhiên, người ta kể rằng, ông vua này không hề đối xử bạc đối với người con do cô kỹ nữ nọ sinh ra. Sau khi người kỹ nữ nọ ra về trong đau khổ, Chu Nguyên Chương lệnh cho sứ giả tìm tới nơi ở của cô kỹ nữ nọ, đón người con trai về cung phong làm vương, rồi lệnh cho Bộ Công theo tiêu chí của một hoàng tử, xây cho người con này một vương phủ thật đẹp và lộng lẫy.
Tránh mặt người kỹ nữ khi xưa nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa rằng, ông vua khai quốc triều Minh không bao giờ dính líu tới kỹ nữ để giữ thể diện của Hoàng đế. Mặc dù trong hậu cung mỹ nữ bạt ngàn nhưng thú vui được vụng trộm với những cô kỹ nữ ở chốn lầu xanh thì Chu Nguyên Chương không thể nào bỏ được.
Vì thế, mỗi khí có nhã hứng, vị Hoàng đế này lại sai người chuẩn bị xe ngựa, đang đêm một mình bỏ ra ngoài cung tìm tới các chốn thanh lâu kỹ viện để tìm người đẹp.
Đến thời vua Minh Đại Tông, vị Hoàng đế thứ bảy của triều Minh cũng có một câu chuyện tình đình đám với kỹ nữ lừng danh thời đó là Lý Tích Nhi. Thời bấy giờ, kỹ viện là do triều đình và quan lại địa phương mở và bảo trợ, triều đình còn lập hẳn một chức quan chuyên quản các kỹ viện, lầu xanh trong khắp cả nước.
Lúc bấy giờ, quan chủ quan công việc này là Lạc Tấn Vinh, do muốn lấy lòng Hoàng đế nên đã đem Lý Tích Nhi, cô kỹ nữ ăn khách bậc nhất thời bấy giờ dâng lên Minh Đại Tông. Được Minh Đại Tông chấp nhận, Lý Tích Nhi được bí mật đưa vào cung để hầu hạ Hoàng đế. Tuy nhiên, khác với những mỹ nữ khác, cô kỹ nữ họ Lý là người rất thẳng tính.
Dù được phong làm phi, Lý Tích Nhi vẫn không từ bỏ bản tính nóng nảy, thẳng thắn của mình. Khác với lối hành xử nhu mì, nhất nhất phục tùng của các phi tần trong cung, Lý Tích Nhi thường lên tiếng bảo vệ chính kiến của mình. Thậm chí cả hoàng thượng, người hết mực yêu thương, sủng ái nàng, cũng không thể khiến Lý Tích Nhi trở nên mềm tính.
Nhiều lần, vì phiền lòng với cách hành xử của Đại Tông, nàng đã không ngần ngại “khẩu chiến”. Những lời lẽ đanh thép cùng bản tính nóng nảy của Lý Tích Nhi khiến cô kỹ nữ dần bị thất sủng và cuối cùng bị đuổi khỏi hoàng cung.
Tuy nhiên, số phận của Minh Đại Tông cũng chẳng mấy khá hơn. Sau khi Anh Tông từ Mông Cổ trở về, Minh Đại Tông bị phế xuống làm vương, rồi chẳng bao lâu sau thì chết vì phiền muộn, uất ức.
Đến thời vua Minh Vũ Tông, vị Hoang đế thứ 11 triều Minh cũng không chịu thua kém những tổ tiên của mình về khả năng ăn chơi, dâm loạn. Người ta nói rằng, những người được Vũ Tông yêu thì vô số, số người được “sủng hạnh” thì càng không thể đếm xuể. Chỉ cần đẹp và vừa mắt Vũ Tông thì bất kể là già trẻ, là con nhà lành hay kỹ nữ đều không thể thoát khỏi tay của ông vua hoang dâm này.
Trong số những người kỹ nữ được Vũ Tông để mắt tới thì nổi tiếng nhất chính là Lưu mỹ nhân, một kỹ nữ nổi tiếng ở vùng Thái Nguyên của Trung Quốc.
Người ta nói rằng, Lưu mỹ nhân vốn là con gái của Lưu Lương, một thường dân sống ở tỉnh Thái Nguyên, Trung Quốc.
Sau khi lớn lên, Lưu mỹ nhân trở thành một kỹ nữ thuộc quyền quản lý của Tấn Vương Phủ. Vào năm Chính Đức thứ 12, Vũ Tông du hý, tới vùng Thái Nguyên tìm kiếm người đẹp mua vui. Lưu mỹ nhân như những cô kỹ nữ có tiếng khác đều được gọi tới trước mặt Vũ Tông để ông lựa chọn.
Vị Hoàng đế háo sắc vừa nhìn đã ưng ngay Lưu mỹ nhân, vì vậy cho gọi nàng tiến lên phía trước biễu diễn. Không ngờ, tiếng đàn tiếng hát ngọt ngào cộng thêm điệu múa uyển chuyển của Lưu mỹ nhân đã khiến vị Hoàng đế triều Minh mê mẩn. Minh Vũ Tông quyết định đặc cách, giữ Lưu mỹ nhân ở lại bên mình hầu hạ.
Từ đó Lưu mỹ nhân ngày ngày ở cạnh Vũ Tông như hình với bóng, nửa bước không rời, ngày càng được sủng ái. Sau khi về tới kinh thành, Vũ Tông vẫn rất mực say mê cô kỹ nữ tỉnh lẻ họ Lưu, ngày đêm cùng Lưu mỹ nhân đắm chìm trong hoan lạc.
Trong cơn đê mê khoái lạc cùng người đẹp, Vũ Tông quyết định phong cho Lưu thị là mỹ nhân, còn ra lệnh xây cho Lưu mỹ nhân một cung điện thật đẹp để cô ta tới ở.
Lưu mỹ nhân được Vũ Tông sủng ái, tất cả mọi việc đều nghe theo lời của cô ta. Chính vì vậy, đại thần trong triều hễ ai chọc giận Vũ Tông đều tìm tới Lưu mỹ nhân nhờ cô cứu mạng. Lưu mỹ nhân chỉ cần một nụ cười, Vũ Tông lập tức quên sạch, nói gì cũng nghe, đòi gì cũng đồng ý.
Chính vì vậy, dần dần, quần thần trong triều coi Lưu mỹ nhân như một vị cứu tinh, hễ có việc gì cần cầu cạnh là lập tức tìm tới.
Năm Chính Đức thứ 16, Vũ Tông xuất quân nam chính, dẹp loạn Ninh Vương. Thông thường, Hoàng đế xuất chinh không cho phép phi tần đi theo, tuy nhiên lần đó, Vũ Tông đặc cách cho phép Lưu mỹ nhân đi theo để hầu hạ mình. Vũ Tông dẫn quân đi trước, Lưu mỹ nhân ngồi thuyền đi theo đường biển tới sau. Hai người trong cung không rời nhau nửa bước, nay phải chia tay cảm thấy trong lòng buồn bã, sợ có điều gì bất trắc xảy ra.
Lúc ấy, Lưu mỹ nhân bèn rút một cây trầm cài đầu của mình đưa cho Vũ Tông nói rằng: “Khi nào thiếp nhìn thấy chiếc trâm này thì mới xuất phát”.
Vũ Tông cất cây trâm trong áo, nhưng mới đi ra đến ngoại thành thì chiếc trâm rơi mất. Vũ Tông cho người tìm kiếm suốt mấy ngày liên nhưng vẫn không thấy đâu. Khi Vũ Tông dừng chân ở Lâm Thanh Châu, cho sứ giả về báo với Lưu mỹ nhân bắt đầu xuất phát. Lưu mỹ nhân thấy sứ giả không mang theo trâm, nhất định không chịu đi.
Sứ giả về báo cáo với Vũ Tông, Vũ Tông đành phải tự mìn ngồi thuyền đi ngược trở về đón Lưu mỹ nhân rồi hai người cùng theo đường thủy đi xuống phía nam. Trong lúc chiến tranh mà vị Hoàng đế triều Minh vẫn còn dành rất nhiều thời gian cho cô kỹ nữ họ Lưu, đủ thấy rằng, sắc đẹp của Lưu mỹ nhân đã khiến Vũ Tông mê mệt đến thế nào.
Phunutoday