Trong bộ phim cổ trang “Thanh Bình Lạc” có một tình tiết đối với người hiện đại mà nói thì đó là một tình tiết vô cùng “cẩu huyết”: Cô con gái mà Tống Nhân Tông yêu chiều nhất – Triệu Huy Nhu lại phải lòng một tên thái giám trong cung tên Lương Hoài Cát.
Lương Hoài Cát thực ra là một nhân vật có thật trong lịch sử, còn được ghi vào “Tống sử” và “Tốc thủy ký văn” của Tư Mã Quang. Tuy Triệu Huy Nhu là nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết, nhưng trong lịch sử cũng có nhân vật nguyên gốc, chính là công chúa Trường An Phúc Khang – con gái của Tống Nhân Tông.
Có người nói: “Lịch sử đặc sắc hơn phim ảnh”. Sự thật trong lịch sử, công chúa Phúc Khang và Lương Hoài Cát quả thực từng có một tình yêu thuần khiết khiến người ta phải suýt xoa.
(Ảnh minh họa)
Đầu tiên là nói về công chúa Phúc Khang. Công chúa Phúc Khang sinh năm 1038, là con gái đầu tiên của Tống Nhân Tông, mẫu thân là Miêu Quý Phi. Nhiều người đã biết, Tống Nhân Tông có một hậu cung vô cùng hùng hậu với vô số phi tần, cũng có rất nhiều con cái, tổng cộng có 3 hoàng tử và 13 công chúa. Tuy nhiên, không biết là tại sao tất cả các con trai của Tống Nhân Tông đều chết yểu, trong 13 nàng công chúa đa số cũng đều không sống được tới tuổi thành niên. Vì thế, công chúa Phúc Khang là con gái trưởng của Tống Nhân Tông, trong suốt mười mấy năm, nàng trở thành người con duy nhất của Tống Nhân Tông. Trong tình trạng như vậy, Tống Nhân Tông đương nhiên sẽ cưng chiều cô con gái duy nhất này, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa.
Mặt khác, công chúa Phúc Khang từ nhỏ đã hoạt bát đáng yêu, thông minh lanh lợi, hơn nữa còn rất hiếu thảo, là “con gái rượu” chính hiệu của Tống Nhân Tông. Có một năm, Tống Nhân Tông lâm bệnh nặng, công chúa Phúc Khang ngày ngày ở bên chăm sóc, còn thành khẩn cầu nguyện ông trời phù hộ phụ hoàng, mong ông sớm khỏi bệnh. Điều này khiến Tống Nhân Tông vô cùng cảm động.
(Ảnh minh họa)
Năm 1057, công chúa Phúc Khang 20 tuổi. Chính năm ấy, Tống Nhân Tông tổ chức một nghi thức sắc phong long trọng cho con gái, chính thức sắc phong nàng là Sung Quốc Công Chúa. Đây là lần đầu tiên tổ chức nghi thức sắc phong công chúa long trọng như vậy trong lịch sử triều Tống. Mẫu thân của Phúc Khang công chúa là Miêu Quý Phi vì con gái đắc sủng nên cũng thơm lây, được phong làm Hiền Phi.
Không chỉ có vậy, Tống Nhân Tông còn bỏ ra hàng chục vạn quan tiền để xây dựng phủ công chúa cho Phúc Khang. Trong khi đó, Tống Nhân Tông vốn là một hoàng đế “keo kiệt”, nhiều năm không chịu bỏ tiền tu sửa hoàng cung, ngay cả bữa đêm cũng không được ăn, ấy vậy mà lại chịu bỏ một số tiền lớn ra để xây dựng phủ công chúa, điều này đủ thấy ông yêu chiều Phúc Khang như thế nào.
Chớp mắt, công chúa Phúc Khang đã tới tuổi lấy chồng. Trải qua một lượt tuyển chọn, Tống Nhân Tông gả Phúc Khang cho con thứ của Lý Dụng Hòa là Lý Vĩ. Không thể không nói, khi chọn chồng cho con gái, Tống Nhân Tông đã có chút “ích kỷ” của bản thân. Vì Lý Dụng Hòa là em trai của Lý Thần Phi, Lý Thần Phi lại là mẹ ruột của Tống Nhân Tông, Tống Nhân Tông vẫn luôn canh cánh trong lòng vì việc không hiếu kính với Lý Thần Phi, có lòng muốn bù đắp cho nhà ngoại là cậu của mình, không chỉ đề bạt Lý Dụng Hòa làm Tể tướng mà còn liên hôn với nhà cậu ruột, tăng cường quan hệ của hai gia đình.
(Ảnh minh họa)
Lý Vĩ lớn hơn Phúc Khang công chúa 3 tuổi, cũng rất có nghệ thuật tài hoa, là một nhà thư họa (thư pháp, hội họa), trong nhà cũng sưu tầm rất nhiều bức thư họa nổi tiếng thời Ngụy Tấn, thu hút các nhà thư pháp nổi tiếng như Tô Thức, Mễ Phí tới thưởng thức và giao lưu. Tuy nhiên, Lý Vĩ lại có diện mạo bình thường, nếu nói hơi cay nghiệt thì còn là “xấu xí”. Thêm vào đó tính cách Lý Vĩ khá ít nói, khác biệt rất lớn so với Phúc Khang, vì thế cuộc sống hôn nhân của cả hai không hề hạnh phúc.
Trong lúc buồn rầu, u uất, Phúc Khang công chúa đã nảy sinh tình cảm đặc biệt với thái giám Lương Hoài Cát. Khi mới vào cung, Lương Hoài Cát là nội thị của tiền tỉnh. Sau này, sau khi công chúa Phúc Khang ra đời, Lương Hoài Cát được chuyển tới hậu tỉnh để hầu hạ công chúa. Khi Phúc Khang gả cho Lý Vĩ, Lương Hoài Cát được cử đi theo công chúa làm nội thị bồi gả (tùy tùng theo công chúa về nhà chồng).
Xét về mặt ngoại hình, Lương Hoài Cát có ngoại hình khôi ngô, tuấn tú, biết ăn nói, tinh ý, giỏi quan sát, chú ý thái độ của người khác, thế nên dễ dàng được công chúa yêu mến. Do khiếm khuyết về cơ thể, tình yêu của họ được coi là tình yêu không tình dục, chỉ theo đuổi sự hòa hợp về tâm hồn. Phúc Khang công chúa đối xử với chồng lạnh nhạt nhưng lại cười nói vui vẻ với Lương Hoài Cát, thường xuyên chơi đùa cùng nhau, điều này khiến mẫu thân của Lý Vĩ là Dương Thị phải cảnh giác.
(Ảnh minh họa)
Vào một đêm năm 1060, khi công chúa Phúc Khang và Lương Hoài Cát đang uống rượu, trò chuyện trong hoa viên, Dương Thị đứng một bên nhìn lén, không may bị công chúa phát hiện. Thế là Phúc Khang công chúa nổi trận lôi đình, không những đánh Dương Thị một trận mà còn quay về hoàng cung ngay trong đêm, tủi thân khóc lóc với Tống Nhân Tông về chuyện vừa rồi. Thế nhưng không ngờ rằng lại dấy lên một trận sóng gió lớn.
Không phải là vì Phúc Khang đánh mẹ chồng, tuy xét về vai vế, Phúc Khang nhỏ hơn mẹ chồng 2 bậc nhưng bắt đầu từ Tống Chân Tông, sau khi công chúa lấy chồng sẽ tự động được thăng vai vế, được ngang hàng với mẹ chồng, cũng không cần chấp hành những nghi lễ với cha mẹ chồng. Nguyên nhân duy nhất chính là Phúc Khang công chúa nửa đêm hồi cung, mở cửa hoàng cung, phạm phải đại kỵ. Trong thời cổ đại, cân nhắc về tính an toàn, cửa hoàng cung vào ban đêm phải đóng chặt, tuyệt đối không được mở ra.
Cùng lúc, Vương Đào, Đường Giới, Lữ Hối, Tư Mã Quang đều lần lượt dâng tấu lên Tống Nhân Tống kháng nghị việc này. Tống Nhân Tông vốn dĩ có lòng thiên vị công chúa, không tiến hành xử phạt nàng, chỉ hạ lệnh đuổi hết thái giám và cung nữ bên cạnh công chúa, chuyển Lương Hoài Cát tới Tây Kinh Lạc Dương để quét dọn cung uyển. Do tình cảm giữa công chúa và phò mã không hợp, Tống Nhân Tông đưa Phúc Khang công chúa quay về hoàng cung sinh sống. Phò mã Lý Vĩ không hề có lỗi gì, cũng bị phạt tới Vệ Châu.
(Ảnh minh họa)
Điều hoang đường hơn nữa là công chúa Phúc Khang sống trong cung thương nhớ Lương Hoài Cát, thế là bắt đầu nổi tính bướng bỉnh, nhiều lần uy hiếp tự sát. Tống Nhân Tông đành phải đưa Lương Hoài Cát quay về. Đột nhiên dư luận xôn xao, Thái thường Tiến sĩ Phó Nghiêu Du nói: “Đây là chuyện nực cười nhất trong thiên hạ!”. Tống Nhân Tông im lặng không nói.
Năm 1070, cùng với việc công chúa Phúc Khang lâm bệnh qua đời, mối tình gây nhiều sóng gió này cũng đặt dấu chấm hết. Sau đó, Lý Vĩ cũng qua đời vì bệnh năm 1086. Còn Lương Hoài Cát cũng qua đời sau khi công chúa qua đời không lâu.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)