Lời khẳng định như đinh đóng cột đó khiến tôi tò mò và quyết định đi tìm hiểu lịch sử cái tên lừng danh đó. Và tôi đã ngạc nhiên thực sự khi biết rằng: Y Thu Knul không chỉ là ông tổ nghề săn voi của buôn Đôn, mà còn là người có công lập nên bản Đôn ngày nay.
Vợ chồng ông tổ buôn Đôn -Y Thu Knul-Khunjunob ngày đầu
đến khai hoang lập ấp (Ảnh chụp lại của người Pháp do họ Knul cung cấp)
Người khai hoang lập địa bản Đôn
Điều khó khăn nhất trong việc lần ngược dòng lịch sử của tôi về bản Đôn này chính là rào cản ngôn ngữ và sự hiếm hoi những nhân chứng sống. Bản Đôn là vùng đa dân tộc, nhiều ngôn ngữ, có bề dày lịch sử, nhưng tính sơ khai còn thể hiện rất rõ. Mọi câu chuyện trong quá khứ chỉ đọng lại ở miệng hay trong trí nhớ của những người già. Cái phương cách truyền miệng mà từ xưa nay người Tây Nguyên vẫn làm. Vì thế mà những bản sử thi của người Tây Nguyên, kể đến mười mấy đêm không ngủ mới hết, họ truyền cho đời sau nhau bằng miệng, không sót đến một từ.
Sự khác biệt nữa, bản Đôn còn khác những vùng đất mà tôi đi qua, thường có người ghi chép, nghiên cứu lịch sử quê hương, thì bản Đôn tuyệt nhiên không có. Tôi đã nhiều ngày bách bộ, làm quen và trò chuyện với những cụ già, những người am hiểu nhất truyền thống lịch sử ở bản Đôn, họ đã làm tôi vỡ lẽ rất nhiều vấn đề trong quá khứ. Lịch sử luôn có những góc khuất, những bí mật bị lấp chìm. Và những mảng lịch sử đầy hấp dẫn về thuở khai hoang lập địa của xứ bản hùng vĩ này được hé mở ở góc nhìn khác, khá mới mẻ.
Ông Ama Gi, xuân này đã bước sang tuổi 80, con cháu cụ Y Thu, mang trong mình dòng họ danh giá Knul, sau buổi trò chuyện rồi giới thiệu cho tôi hai người "chép" sử trong dòng họ ở bản Đôn: Ông Y Phương (tên khác là Ama Nhĩ)- cháu gọi Khunjunob bằng cụ và cụ Y Thiểu người cũng gọi Khunjunob bằng cố. Họ đã rành mạch kể lại lịch sử bằng cả cái bụng của mình.
Xưa nay, nói đến Khunjunob người ta chỉ biết đến ông với tư cách là một người săn voi giỏi, được vua Thái Lan phong danh Khunjunob (theo tiếng Thái -Lào là Vua săn voi), mà ít ai biết ông còn là một vị tù trưởng có vai trò như Vương ở vùng cao Tây nguyên. Thuở đương quyền Khunjunob còn chính thức mở mối quan hệ ngoại giao với cả vua Xiêm, Lào, Campuchia và cả Pháp ở Đông Dương nữa.
Khunjunob tên thật là Y Thu Knul (1829-1939) ông sống đến 110 tuổi, là người gốc Mơ Nông Bu Dơng. Thuở xưa, gia đình ông thuộc dòng họ tù trưởng ở tận vùng Pắc Xế, biên giới Lào và Campuchia ngày nay. Thời gian này ở vùng Tây Nguyên rộng lớn thường có các dòng họ lớn cát cứ từng vùng, chiến tranh giành lãnh địa với nhau xảy ra liên miên.
Để tránh sự truy sát, trong một lần thua trận Y Thu Knul dắt mẹ, cùng anh chị chú bác chạy sâu vào Tây Nguyên. Sau nhiều ngày, họ đến một vùng đất cây cối um tùm nhô lên như ốc đảo, giữa con suối lớn có nhiều nhánh bao quanh, nhiều ghềnh đá. Thấy địa thế đẹp, họ dựng nhà ở, sau đó đặt tên là buôn Đôn. Theo tiếng Lào, đôn là đảo, hay làng đảo (người Kinh gọi là bản Đôn, người Lào gọi buôn Đôn). Sau đó họ đặt tên khúc sông này là thác Bảy Nhánh. Ngày thác Bảy Nhánh là danh thắng nổi tiếng thuộc buôn N'Drech, xã Ea Huar, huyện Bản Đôn. Lịch sử bản Đôn cũng chính thức có từ đó.
Do đất chật, bị sông ngòi bao bọc, dòng họ Y Thu sống ở đó khoảng 7-8 năm thì quyết định ngược lên thượng nguồn con sông Krôngna (nay là sông Srêpok), đó chính là vùng đất nằm cách hướng đông bắc của buôn Trí, xã Krôngna ngày nay. Y Thu cùng dòng họ quyết định lập buôn, định cư lâu dài. Nhờ bắt được nhiều voi rừng về thuần dưỡng về đổi bán, dòng họ Y Thu nhanh chóng giàu có.
Y Thu thuê người, mua người, đổi người (thuở đó bản Đôn có những bộ tộc sơ khai, còn chế độ mua bán người) từ khắp nơi về rồi dạy cách săn voi, lập nên bản Đôn đông đúc. Khi đông dân ông lại chia ra từng buôn nhỏ, mà hạt nhân chính là bản Đôn. Ông chính thức lấy nghề chính cho buôn làng là nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.
Không hợp tác với Pháp
Tôi cho rằng, ngoài ông Y Phương, ông Ama Gi và ông Y Thiểu thì ở bản Đôn nay chẳng còn ai hệ thống lại được lịch sử buôn làng, cũng như quá trình dòng họ Knul đến khai hoang lập đất. Trong nhiều ngày tìm hiểu, tôi đã hỏi, tìm, liên hệ... nhưng chẳng còn ai ngoài các ông biết rõ về chuyện của người xưa. Thế nên, khi may mắn được gặp các ông, nghe các ông kể chuyện, tôi chăm chú ghi từng dòng, từng câu. Tất nhiên, phải nhờ người phiên dịch rất nhiều, vì phần lớn các cụ là thế hệ đầu, không thông thạo hết tiếng Kinh bằng tiếng bản địa.
Tác giả bên khu mộ Y Thu Knul bề thế nhất trong khu lăng mộ
dành cho người săn voi ở bản Đôn
Các cụ kể: Dưới sự lãnh đạo của Y Thu, người bản Đôn chuyên đi bắt voi rừng về thuần dưỡng. Những con voi đổi bán, cho Y Thu và dòng họ nhiều vàng, bạc, chiêng, ché... nên thanh thế Y Thu vang xa, họ Knul nhanh chóng giàu có và nổi tiếng trong vùng. Ông Y Phương bảo rằng: Họ Knul giàu đến nỗi lập nên một kho bạc mang chính tên của ông - Kho bạc Khunjunob, nay dấu tích nền vẫn còn ở vùng buôn Đôn cũ. Kho bạc đó chứa ngà voi rừng, xương, nanh thú quý hiếm, bạc, cồng, chiêng và nhiều sản vật quý của núi rừng Tây Nguyên.
Khi đã giàu có, ông Y Thu tiếp tục dùng tiền mua đất của các tù trưởng khác trong vùng, mở rộng vùng cát cứ. Điều đặc biệt là dù giàu, nhưng lúc sinh thời Y thu có tư tưởng rất tiến bộ và nhân văn, ông không hề làm giàu bằng cách bóc lột người khác, mọi người ở buôn Đôn đều công bằng sống với nhau.
Những người già từng kể lại rằng: Ông không chủ trương gây chiến tranh với các tù trưởng lân cận để giành đất, mà chỉ bằng con đường thương lượng hay đổi bán mà thôi. Trai bản ông cho làm nhiệm vụ luyện tập sức khỏe đi bắt voi. Nghe người nào trong vùng bị các tù trưởng bóc lột, bắt phải chết ông bỏ tiền mua về làm công dân của bản. Vì thế, nhiều người nghe danh tìm đến xin nhập buôn, dân làng ngày càng đông đúc.
Sinh thời, Y Thu và dòng họ xây dựng buôn Đôn rất trù phú, đường xá, nhà cửa khang trang, dân chúng hiền hòa vui sống. Buôn Đôn có sức hút đến nỗi, nhiều người từ Campuchia, Lào, Thái Lan cũng chạy sang xin nhập buôn để sinh sống. Bằng chứng là hiện nay buôn Đôn có đến 15 dân tộc, trong đó người gốc Lào, Thái, Campuchia chiếm tỷ lệ rất đông. Điểm này là sự khác biệt và độc đáo nhất mà bất cứ buôn nào ở Tây Nguyên đều không có.
Khoảng cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên, hòng thu phục miền cao nguyên rộng lớn này. Nơi đầu tiên Pháp đến với ý định thành lập thủ phủ cho Tây Nguyên chính là buôn Đôn, vì thời đó giữa vùng cao nguyên chỉ có cây rừng và thú dữ thì ở buôn Đôn giao thông rất thuận tiện cũng như giàu có nhất. Nhưng sự có mặt của Pháp đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Y Thu và buôn làng.
Ông bà Ama Gi kể rằng: Khi viên quan Pháp đến thương lượng, hòng đặt đồn bốt tại buôn Đôn, Y Thu kiên quyết không cho. ông nói rằng: "Buôn Đôn chỉ dành cho người buôn Đôn đi bắt voi thôi. Các ông dùng súng ống bắn nhau voi sợ, voi chết chúng tôi làm sao đi bắt voi được. Chúng tôi có nhà, chúng tôi biết đổi bán rồi, không cần các ông". Khi Pháp bắt thanh niên đi lính, Y Thu lại dùng lý: "Trai tráng trong buôn là lực lượng chính đi bắt voi, các ông bắt đi rồi ai bắt voi rừng nuôi dân làng chúng tôi. Các ông cần tiền tôi sẽ cho tiền".
Tuy nhiên, Pháp vẫn dùng thế lực để lập đồn, chúng trồng cây, rau để ăn. Đêm đến ông chỉ đạo dân làng nấu nước sôi đổ vào gốc cho cây chết. Một thời gian sau Pháp tin rằng đất này có độc, có ma, có bùa... về lâu dài không thể sinh sống được, nên chúng rất hoang mang. Khi đã doạ được Pháp, ông mới giới thiệu chúng ra vùng cách hơn ngày đi đường, đó chính là Buôn Mê Thuột, thủ Phủ của Tây Nguyên ngày nay. Ông bà của Y Phương kể lại rằng: Y Thu có thế lực đến nỗi, Pháp muốn làm việc gì ở bản Đôn đều phải xin ý kiến của ông. Nếu hẹn ông làm việc mà không đúng giờ, ông cũng đuổi về, không tiếp.
Kỳ tới: Sự thật về kho bạc khổng lồ của dòng họ lừng danh giữa đại ngàn
Người đưa tin