Nhắc đến người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ - vị vua thứ hai nhà Tây Sơn, người đời thường chỉ biết đến hình ảnh một vị tướng lĩnh cưỡi ngựa, bắn cung, vào sinh ra tử để lập nên nghiệp vương. Song ít người biết ông cũng có một đời sống tình cảm vô cùng phong phú, trong đó có mối tình đẹp với Ngọc Hân công chúa.
Theo sử liệu, Ngọc Hân là một trong ba người vợ chính thức của vua Quang Trung. Xưa nay, người đời vẫn ca ngợi mối tình này là mối tình của trai anh hùng - gái thuyền quyên.
Trước khi lên ngôi vua, Nguyễn Huệ là một trong những thủ lĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài giữa hai thế lực phong kiến Trịnh - Nguyễn ở Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Trong khi đó, công chúa Ngọc Hân là con gái thứ 9 của vua Lê Hiển Tông và bà Nguyễn Thị Huyền. Đây là người con gái nổi tiếng về nhan sắc và đức hạnh. Nhờ tài năng văn chương thi phú hơn người nên công chúa được vua cha Lê Hiển Tông hết mực yêu quý.
Mối tình giữa Nguyễn Huệ và Ngọc Hân bắt đầu từ những diễn biến lịch sử chính trị dồn dập ở nước ta vào nửa cuối thế kỷ 18.
Giai đoạn này, hai thế lực phong kiến Trịnh - Nguyễn thống trị hai miền Nam - Bắc nhiều lần chiến tranh nhằm thôn tính nhau. Giữa lúc đó, phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn do anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ lãnh đạo nổi lên và nhanh chóng đánh tan thế lực họ Nguyễn ở Đàng Trong.
Tiếp đó, Nguyễn Huệ đem quân ra đánh ra Đàng Ngoài và cũng nhanh chóng đè bẹp nhà Trịnh. Sau khi tiêu diệt chúa Trịnh, với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh, Nguyễn Huệ vào Thăng Long yết kiến vua Lê Hiển Tông.
Vua Lê đã phong Nguyễn Huệ làm nguyên súy dực chính phù vận Uy quốc công. Về danh nghĩa, ông trao trả quyền chính lại cho vua Lê. Nhưng trên thực tế, ông đã nắm toàn bộ quyền chính ở Bắc Hà.
Ngay sau đó, theo lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh - một vị tướng thời Lê và Tây Sơn, vua Lê đã gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Năm ấy, Ngọc Hân công chúa vừa tròn 16 tuổi.
Lễ cưới của hai người được tổ chức hết sức long trọng ở Thăng Long vào ngày 11 tháng 7 năm 1786 âm lịch. Cưới xong, Ngọc Hân theo Nguyễn Huệ vào Nam. Ông được Nguyễn Nhạc phong làm Bắc Bình Vương ra trấn giữ vùng đất Thuận Hóa.
Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung và phong Ngọc Hân làm Bắc cung Hoàng hậu.
Người ta còn nhắc đến một giai thoại về tình cảm mà Nguyễn Huệ dành cho vợ đó là khi nhà vua đại phá quân Thanh, giữa không khí thắng lợi tưng bừng, vua vẫn không quên sai người mang một cành đào cấp tốc về cho Ngọc Hân ở Phú Xuân.
Người đời vẫn ca tụng mối tình giữa Ngọc Hân và vua Quang Trung là mối tình của trai anh hùng
gái thuyền quyên (Ảnh minh họa: Internet).
Không chỉ yêu Ngọc Hân vì sắc đẹp mà Nguyễn Huệ còn trọng vợ vì tài. Là người giỏi văn thơ nên Ngọc Hân đã trở thành người cộng sự đắc lực cho vua trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Ngọc Hân còn cố vấn giúp vua Quang Trung trong nhiều việc hệ trọng của quốc gia, nhất là việc chấm dứt sự xung đột với người anh Nguyễn Nhạc.
Đổi lại, Nguyễn Huệ cũng được Ngọc Hân xem như một vĩ nhân. Tình cảm mà Ngọc Hân dành cho chồng chất chứa xúc động trong bài thơ “Ai tư vãn”. Đây là tác phẩm thể hiện niềm tiếc thương vô tận đối với người chồng tài giỏi sớm qua đời khi sự nghiệp còn dang dở: “Những ao ước trập trùng tuổi hạc/Nguyền trăm năm ngõ được vầy vui/Nào hay sông cạn, bể vùi/Lòng trời giáo giở, vận người biệt ly”.
Như vậy, khác với nhiều cặp đôi thời nay yêu rồi mới cưới, tình yêu của Nguyễn Huệ với Ngọc Hân công chúa đã đến sau đám cưới. Đó là tình yêu nảy mầm từ một cuộc hôn nhân sắp đặt. Người ta còn coi đây là cuộc se duyên giữa tinh thần thượng võ với vẻ đẹp văn chương.
Điều đặc biệt là sau thiên tình sử Quang Trung - Ngọc Hân, triều đình Việt Nam lại ghi nhận một mối tình đẹp khác mà hai nhân vật chính đều có mối quan hệ gần gũi với cặp vợ chồng trên.
Đó là cuộc hôn nhân giữa Nguyễn Quang Toản (Cảnh Thịnh hoàng đế) - con trai, đồng thời là người kế nhiệm vua Quang Trung lãnh đạo nhà Tây Sơn với công chúa Lê Ngọc Bình - người em gái cùng cha khác mẹ của Lê Ngọc Hân. Như vậy, hai chị em Ngọc Hân - Ngọc Bình đã trở thành vợ của hai cha con Quang Trung - Quang Toản.
Vua Cảnh Thịnh là người con trai thứ của vua Quang Trung với người vợ chính thất. Còn công chúa Ngọc Bình là con gái thứ 23 và cũng là con gái út của vua Lê Hiển Tông với Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều. Một chi tiết gần gũi nữa là mẹ công chúa Ngọc Bình còn là người cùng làng với bà Nguyễn Thị Huyền - mẹ của công chúa Ngọc Hân.
Về năm sinh, có sách nói rằng, công chúa Ngọc Bình sinh năm 1783, khi vua Lê Hiển Tông qua đời ở tuổi 67, tức là bằng tuổi vua Cảnh Thịnh và kém Ngọc Hân đúng 12 tuổi. Tuy nhiên theo sách “18 vị công chúa Việt Nam” thì Ngọc Bình sinh năm 1775, kém Ngọc Hân 4 tuổi và hơn Cảnh Thịnh 8 tuổi.
Về nhan sắc, công chúa Ngọc Bình nổi tiếng với vẻ đẹp sắc nước hương trời. Không những thế, dân gian còn lưu truyền cơ thể bà có một mùi hương thơm rất lạ, có sức cuốn hút vô cùng.
Năm 1792, Nguyễn Quang Toản chính thức lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh.
Đến năm 1795, thái hậu Lê Ngọc Hân làm mối công chúa Ngọc Bình cho Cảnh Thịnh hoàng đế. Từ đó, Ngọc Bình trở thành chính cung hoàng hậu nhà Tây Sơn.
Cuộc hôn nhân giữa công chúa Lê Ngọc Bình và hoàng đế Cảnh Thịnh đã đặt họ cùng với công chúa Ngọc Hân - vua Quang Trung vào một mối quan hệ họ hàng vô cùng phức tạp. Ngọc Hân và Ngọc Bình vừa là chị em lại vừa có mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Còn vua Quang Trung với vua Cảnh Thịnh vừa là cha con vừa là anh em đồng hao.
TTVN