Chu Nguyên Chương xuất thân nghèo khổ, có thể thành công trở thành hoàng đế mở ra triều đại nhà Minh cũng đều là nhờ có sự giúp đỡ của rất nhiều các huynh đệ của ông, thế nhưng hoạn nạn cùng chia thì có thể mà phú quý thì không thể cùng hưởng. Để tập trung quyền lực, Chu Nguyên Chương sau khi ngồi vững trên ngai vàng bắt đầu chu sát các công thần. Trong số những công thần cùng Chu Nguyên Chương bình loạn thiên hạ năm xưa, ngoài Thang Hòa cùng một số người trong số ít những người may mắn thoát được thì gần như tất cả đều bị Chu Nguyên Chương triệt tiêu.
(Ảnh minh họa)
Trong số ít những người may mắn đó bao gồm cả anh trai của Quách Ninh Phi là Quách Đức Thanh. Chu Nguyên Chương từng muốn phong ông làm quan lớn, thế nhưng lại bị ông khóc lóc từ chối. Sau này ông may mắn thoát được kiếp nạn mà sống sót cũng có liên quan đến việc này.
Trong hậu cung của Chu Nguyên Chương, có một người là Quách Ninh Phi, là em gái của Quách Đức Thành. Phụ thân của Quách Ninh Phi là Quách Sơn Phủ có tài xem tướng, năm xưa khi Chu Nguyên Chương còn chưa có quyền thế đi ngang qua nhà họ Quách, Quách Sơn Phủ cho rằng Chu Nguyên Chương tương lai chắc chắn sẽ trở thành người tôn quý vô cùng, thế nên đã để con trai Quách Anh và Quách Hưng đi theo ông, đồng thời còn gả con gái của mình cho Chu Nguyên Chương để chăm sóc.
(Ảnh minh họa)
Tính ra, Quách Ninh Phi cũng được coi là đắc sủng, hạ sinh Lỗ Hoang Vương Chu Đàn, còn có 2 nàng công chúa. Sau khi Mã Hoàng hậu và Lý Thục Phi lần lượt qua đời, bà từng đứng lên thay thế lo toan, quản lý các sự vụ trong hậu cung. Còn 2 người anh trai của Quách Ninh Phi, Quách Hưng và Quách Anh cũng rất được trọng dụng, đi theo Chu Nguyên Chương chinh phạt nhiều năm, công lao không nhỏ.
Ngoài Quách Hưng và Quách Anh ra, Quách Ninh Phi còn có một người anh trai thông minh nhưng giả vờ ngờ nghệch – Quách Đức Thành. Quách Anh đi theo Chu Nguyên Chương nam chinh bắc chiến từ rất sớm, sau khi lập nên triều Minh, hàng năm còn thường xuyên luyện binh để củng cố ổn định giang sơn nhà Minh, Chu Nguyên Chương cũng rất tín nhiệm ông, còn cho ông quản lý Cấm quân cung đình. Quách Anh là võ tướng, nhưng việc ông có thể bảo toàn tính mạng cũng là điều không hề dễ dàng. Quách Anh phò tá Chu Nguyên Chương nhiều năm, lúc nào cũng cẩn thận, rón rén, Chu Nguyên Chương ban thưởng rất nhiều, nhưng Quách Anh lại càng khiêm tốn.
Anh trai của Quách Anh là Quách Hưng, là một trong 24 vị tướng của Hoài Tây, cũng lập được rất nhiều công lao hiển hách, được Chu Nguyên Chương tín nhiệm. Nhưng Hồng Vũ (niên hiệu triều Minh) năm thứ 3 cũng lại mất sớm, sau này vì bị liên lụy bởi vụ án của Hồ Duy Dung nên đã bị tước đi tước vị.
(Ảnh minh họa)
So với 2 người anh trai Quách Anh và Quách Hưng, Quách Đức Thành cũng phò tá Chu Nguyên Chương vô cùng trung thành, nhưng công huân của ông không hề hiển hách như Quách Hưng và Quách Anh, tên tuổi cũng không nổi tiếng bằng. Sau khi Chu Nguyên Chương đăng cơ đã sắc phong cho các công thần, rất nhiều các tướng lĩnh đều được phong các chức quan lớn, còn Quách Đức Thành lại chỉ làm Kiêu Kỵ Xã Nhân (người quản lý kỵ binh) nhỏ bé. Tuy nhiên, Quách Đức Thành lại chưa từng phàn nàn gì về đãi ngộ này.
Do Quách Ninh Phi đắc sủng, còn Quách Anh và Quách Hưng cũng đều được phong hầu, Chu Nguyên Chương vô tình nghĩ ra, cảm thấy đãi ngộ dành cho Quách Đức Thành quả thực hơi không phải, vì thế đã định phong cho ông chức quan to. Thế nhưng khi biết chuyện này, Quách Đức Thành từ chối đủ đường, nói đầu óc của mình không được tốt, cả ngày ngoài việc uống rượu ra thì chẳng biết gì, nếu như làm quan lớn thì thực sự là làm hại chính mình, đồng thời còn làm hại cả giang sơn Đại Minh.
Chu Nguyên Chương thấy ông từ chối như vậy cũng chẳng nói gì, chỉ là có hơi không vui. Tuy nhiên, điều mà Quách Đức Thành nói cũng rất có lý, nếu đã không có tài năng mà lại ngồi trên cao làm việc thì quả thực cũng là một rắc rối, vì thế Chu Nguyên Chương đành thưởng cho ông nhiều rượu ngon và tiền bạc hơn.
(Ảnh minh họa)
Quách Đức Thành rất thích rượu, có thể nói là coi rượu như mạng sống, cũng thường xuyên uống say. Chu Nguyên Chương cũng thường xuyên triệu ông vào Ngự Hoa Viên uống rượu, việc này Quách Đức Thành chưa từng từ chối, Chu Nguyên Chương rất vui vì điều này. Có một lần Quách Đức Thành uống say, quần áo xộc xệch, tóc tai xõa xượi, Chu Nguyên Chương cười nói ông đúng là một tên sâu rượu. Quách Đức Thành lại giật giật tóc của mình nói mình rất ghét mái tóc rối này, cạo trọc đầu mới được.
Câu nói lập tức khiến Chu Nguyên Chương nổi giận, vì thời trẻ Chu Nguyên Chương từng cạo đầu làm hòa thượng, sau khi đăng cơ rất kỵ những từ như “hói”, “trọc đầu”, “tăng sư”… Tuy đây chỉ là lời nói trong lúc say của Quách Đức Thành nhưng Chu Nguyên Chương lại ngầm nảy sinh ý định giết ông. Tuy nhiên, Quách Đức Thành lúc này đã say khướt chẳng biết trời đất là gì, những lời ông nói chỉ có thể coi là rượu vào lời ra, Chu Nguyên Chương cũng không thể lập tức ra tay, vì thế đã sai người đưa ông về phủ, sau khi chuẩn bị sẵn sàng rồi trừng trị ông sau.
(Ảnh minh họa)
Sau khi Quách Đức Thành về nhà, ông tỉnh rượu nhớ lại chuyện xảy ra ở Ngự Hoa Viên đã sợ mất hồn mất vía, suy nghĩ thật kỹ bản thân mình đã phạm đại kỵ, Chu Nguyên Chương chắc chắn sẽ không dễ dàng tha cho mình, nhưng nếu bây giờ đi cầu xin thì chắc chắn sẽ không được tha thứ, thậm chí có khả năng còn khiến Chu Nguyên Chương tức giận hơn. Sau một hồi cân nhắc, Quách Đức Thành quả thực đã cạo hết tóc đi thành đầu trọc rồi tiếp tục uống rượu, chỉ là ông đổi địa điểm, Quách Đức Thành vào đền, khoác áo cà sa.
Chu Nguyên Chương thấy bộ dạng này của Quách Đức Thành, mọi nghi ngờ căm hận trong lòng đều tan biến hết, còn cười lớn: "Vốn dĩ ta tưởng Quách Đức Thành ghét tóc của mình là nói dối, không ngờ tên sâu rượu này lại nói thật". Việc làm dại dột của Quách Đức Thành đối với Chu Nguyên Chương mà nói lại là bản tính xui khiến, một người như vậy tuy hơi hoang đường, nhưng lại không có ý đồ gì hết, Chu Nguyên Chương vì thế cũng vô cùng an tâm, không những tha cho ông mà còn cực kỳ yên tâm.
Hồng Vũ Triều (niên hiệu của triều Minh), đa số các công thần đều bị chu sát, còn Quách Đức Thành lại không hề bị liên lụy, điều này cũng bởi trí thông minh, cẩn thận, tính toán chu toàn của ông. Người ta nói, thông minh thì bị thông minh hại, nhưng mọi ngôn từ hành động của Quách Đức Thành mới thực sự là điển hình cho những người thông minh nhưng lại giả vờ ngờ nghệch.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)