Từ ngày đầu tiên được chạm vào một chiếc máy ảnh năm 12 tuổi, David Alan Harvey đã biết nhiếp ảnh chính là định mệnh của mình. Và kể từ đó, ông đã chu du hơn 50 quốc gia để ghi lại cuộc sống và con người ở các nền văn hóa khác nhau. Nhiếp ảnh gia người Mỹ 69 tuổi này cho biết, cảm hứng của ông được khơi gợi từ cuộc sống và con người bình thường, không phải chính trị gia, không phải các ngôi sao lớn mà là những con người bình dị chiếm phần đông dân số.
Nhiếp ảnh gia người Mỹ David Alan Harvey.
Năm 1989, David Alan Harvey có chuyến thăm Việt Nam và những hình ảnh gần gũi, bình dị về đất nước, con người Việt Nam do ông chụp giờ đây đã trở tư liệu vô cùng quý giá. Hãy cùng trò chuyện với nhiếp ảnh gia nước ngoài này để hiểu thêm về quá trình ông hòa mình vào nền văn hóa Việt Nam năm 1989 và ghi lại những ký sự ảnh vô cùng thú vị.
Chào ông, ông đã đặt chân đến Việt Nam bao nhiêu lần rồi?
Chào bạn, tôi đã từng đến cả miền Bắc và miền Nam ngay sau thời kỳ chiến tranh. Tôi cũng từng đi cùng Quân đội Nhân dân Việt Nam tới Campuchia nữa. Năm 1989, tôi trở lại Việt Nam chỉ để chụp Hà Nội và đã thực hiện được 2 ký sự ảnh về Hà Nội cho tạp chí National Geographic.
Việt Nam quyến rũ ông ở điểm nào?
Ồ, tôi thấy yêu người Việt Nam ngay khi đặt chân đến đất nước của các bạn. Khi còn nhỏ, Việt Nam trong ấn tượng của tôi chỉ là một nơi đang có chiến tranh. Vì thế, thật tuyệt khi được nhìn thấy con người Việt Nam thực sự và chứng kiến họ đấu tranh vì mục đích thiêng liêng như thế nào.
David Alan Harvey đã từng chu du hơn 50 quốc gia để chụp ảnh.
Ông mất bao lâu để hoàn thành bộ ảnh về Hà Nội năm 1989?
Tôi đã ở Hà Nội suốt 3 tháng để chụp bộ ảnh này.
Làm cách nào mà một người nước ngoài như ông lại có thể thâm nhập sâu vào từng khía cạnh đời sống của Hà Nội đến vậy? Ông có bạn bè ở Việt Nam không?
Sở trường của tôi là chụp ảnh con người. Tôi thích hấp thu một cách sâu sắc bất kỳ nền văn hóa nào mà tôi có cơ hội được tiếp xúc. Tôi sẽ làm quen với con người ở đó, về nhà của họ, ăn cùng họ, đi cùng tới đám cưới, đám ma. Tôi tới trường cùng lũ trẻ, gặp gỡ những con người ở nhiều lĩnh vực, nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc sống. Tôi đã gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ Văn Cao và cả những người sống trên phố. Tôi thích kết bạn và chia sẻ với những con người thuộc các nền văn hóa khác nhau.
Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ khi ông thực hiện bộ ảnh này. Vậy ông còn nhớ hoặc liên lạc với những nhân vật trong ảnh hay không?
Đến bây giờ thì tôi đã mất liên lạc với hầu hết mọi người. Tuy nhiên tôi vẫn nhớ tất cả và tôi chắc rằng họ cũng nhớ tôi. Tôi có mối liên hệ với rất nhiều người nhưng chúng tôi lại sống quá xa nhau. Tôi không dễ dàng thu xếp để trở lại Việt Nam và họ cũng không dễ dàng tới Mỹ. Nhưng nếu gặp lại, chắc chắn chúng tôi sẽ một lần nữa trở thành những người bạn.
Kỷ niệm sâu sắc nhất của ông khi sống 3 tháng tại Hà Nội năm 1989?
Được gặp gỡ và trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực sự là kỷ niệm tuyệt vời. Tôi cũng rất ấn tượng khi được đón Tết ở Hà Nội năm 1989. Nhưng có lẽ tôi yêu tất cả những trải nghiệm của tôi trong từng khoảnh khắc sống tại Việt Nam. Toàn bộ trải nghiệm là một quá trình học hỏi và là một món quà cuộc sống.
Ông có thể chia sẻ một vài câu chuyện thú vị và ấn tượng khi đến Việt Nam chụp ảnh?
Rất nhiều điều đã xảy ra trong khoảng thời gian đó và tất cả đều thật thú vị. Tôi vẫn nhớ cái lúc mình chạy giữa những tràng pháo Tết đón chào năm mới, thật không thể tin nổi. Đó là khi tôi đến một ngôi làng nhỏ, thật tiếc là tôi không còn nhớ tên của ngôi làng ấy nữa. Khi những bánh pháo khổng lồ bắt đầu nổ, lũ trẻ chạy vào trong và tôi cũng chạy theo chúng. Điều đó nghe hơi điên rồ nhưng tôi thực sự đã làm vậy. Tôi cũng làm rất nhiều điều điên rồ khác nữa.
Hội rước pháo ở làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) vào ngày Tết...
... và cảnh náo nhiệt trong màn thi pháo ở làng Đồng Kỵ để lại ấn tượng sâu sắc
với nhiếp ảnh gia người Mỹ.
Một lần khác, tôi vô tình đi vào một bữa tiệc cưới. Tôi không biết tiếng Việt và ở đó cũng không có ai biết tiếng Anh cả. Nhưng bằng cách nào đó, chúng tôi vẫn có thể giao tiếp với nhau. Tôi uống rất nhiều rượu gạo và say cùng mọi người. Rồi cô dâu chú rể còn mời tôi đến nhà họ và chụp ảnh cô dâu ngồi trên giường nữa.
Vô tình bước vào một tiệc cưới, David Alan Harvey đã chụp được hình ảnh
đám cưới một gia đình người Hà Nội.
Cảnh về nhà chồng.
Phòng cưới của cô dâu chú rể.
Ấn tượng của ông về Hà Nội năm 1989?
Trong ký ức của tôi, Hà Nội khi ấy thật bình lặng, không có tiếng ồn, chỉ có xe đạp. Thành phố thật tuyệt khi không có xe ô tô và âm thanh ồn ã. Tôi thích nhất là khoảng thời gian buổi sáng sớm. Lúc đó, Hà Nội thật thi vị, thật thanh bình.
Có nơi nào ở Việt Nam mà ông hối tiếc chưa có cơ hội đặt chân đến?
Tôi hy vọng sẽ có dịp đến thăm bản của người H’mông.
Ông có ý định quay trở lại thăm Việt Nam trong thời gian tới không?
Tôi rất thích Hà Nội. Hiện tại tôi vẫn chưa có kế hoạch quay trở lại. Tuy nhiên, nếu có cơ hội, tôi hy vọng được ai đó đèo bằng xe máy chạy vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm ngắm cảnh.
Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Mời độc giả cùng xem bộ ảnh Hà Nội năm 1989 do nhiếp ảnh gia David Alan Harvey thực hiện:
Trung tâm Hà Nội năm 1989 nhìn từ trên cao, với hồ Hoàn Kiếm ở góc trên bên phải.
Bò chạy rông trên bờ hồ Giảng Võ, phía trước nhà B1 của khu tập thể
Giảng Võ, Hà Nội.
Đường phố Hà Nội ngày giáp Tết.
Sau một ngày làm việc, người lao động trở về nhà trên cầu Long Biên (Hà Nội)
cây cầu từng bị bom đạn Mỹ phá hủy trong thời chiến tranh.
Một chú chó đã bị làm lông và chuẩn bị biến thành các món ăn tại
một nhà hàng ở Hà Nội.
Người dân cầu nguyện tại một ngôi chùa ở Hà Nội vào dịp Tết Nguyên Đán.
Cảnh tượng "đông như Tết" ở Hà Nội.
Trẻ em trên đường phố Hà Nội ngày Tết.
Em bé trên chiếc xe Peugeot.
Cậu bé bán bóng.
Chơi Tết ở Hà Nội.
Một đám tang ở Hà Nội.
Một gia đình Hà Nội.
Một người phụ nữ mặc trang phục truyền thống, trên tay cầm đĩa hoa quả cúng.
Em bé trong trang phục mùa đông ở Hà Nội.
Một cựu phi công chiến đấu trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam
cùng con trai của mình.
Các người đẹp đang chuẩn bị cho cuộc thi hoa khôi ở Hà Nội.
Hào hứng theo dõi cuộc thi.
Một cậu bé trên cầu Thê Húc, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nhóm nghệ sĩ đang chuẩn bị cho buổi biểu diễn ở nhà hát.
Trong một quán phở ở Hà Nội.
Trên một cánh đồng ở Hà Nội.
Theo Trí Thức Trẻ