Bảo Đại có tên húy Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, là vị vua thứ 13 và cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Ông là người con duy nhất của Vua Khải Định và bà Từ Cung Hoàng Thị Cúc.
Cựu hoàng Bảo Đại ở Paris.
Sách Bảo Đại hay là những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam viết, trong những thập niên đầu của thế kỷ 20, sang Pháp cũng thời thượng như đi Anh hay Thuỵ Sĩ. Con cháu các bậc vua chúa các nước xa xôi đến Pháp rất đông, kể cả các vị vua đã thoái vị hay bị lưu đày... Như vậy, để chính thức trở thành vua, từ lúc 9 tuổi, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy đã được vua cha đưa sang Pháp phó thác cho vợ chồng ông Charles, nguyên Khâm sứ Trung kỳ, giúp đào tạo người kế nghiệp mình theo những lề thói phương Tây.
Ông Charles là người độ lượng và khoan dung; chẳng những ân cẩn và chu đáo theo dõi từng bước việc học tập tại trường, mà trong dịp hè còn đưa Bảo Đại đi nghỉ ở Vichy hay tại nhà riêng ở Prades. Có thể nói, nguyên Khâm sứ Trung kỳ coi Bảo Đại gần như con cháu trong nhà.
Từ buổi ấy, vị hoàng đế tử nhỏ đã mang cốt cách người dân Paris, được dạy dỗ ở đất Thủ đô, đi dạo chơi trên đường phố Thủ đô, nếm trải đủ thú vui nơi đây và sống trong một khung cảnh hoàn toàn Tây. Ông hoàn toanf không biết đến cuộc sống trong nhung lụa bạc vàng đầy bí ẩn nơi cung cấm.
Thời khoá biểu trong những năm niên thiếu của Bảo Đại đã được quy định chặt chẽ, chính xác, thích hợp với việc dạy làm vua trong tương lai. Một viên chức cao cấp người Pháp chịu trách nhiệm trông nom dạy dỗ. Hàng ngày, cứ vào buổi trưa, đi học về, Bảo Đại đến gia đình ông Charles ở phố Bourdonnais và ở đó không được đi đâu cho đến chiều tối.
Bảo Đại học trung học ở trường Condorcet. Ngoài giờ lên lớp buổi sáng, thời gian còn lại là làm những bài tập rất chuyên cần cùng với vài người đồng hương. Các ông thầy người Việt được cử đến dạy chữ Hán và lịch sử An Nam, nhưng chắc chắn là các môn học này không có kết quả cho lắm. Khi về nước cầm quyền, Bảo Đại thú nhận rằng, ông gần như hoàn toàn không biết gì về lịch sử triều đại đã dẫn đến việc quyền hành bị nước ngoài thâu tóm.
Theo sử sách, năm 1925, Vua Khải Định mất, Vĩnh Thụy về nước thọ tang vua cha và ngày 8 tháng 1 năm 1926, ông được tôn lên kế vị làm vua lấy niên hiệu Bảo Đại. Tuy nhiên, vào tháng 3 cùng năm, Bảo Đại trở lại Pháp để tiếp tục học tập. Từ niên khóa 1930, Bảo Đại theo học trường Khoa học Chính trị (Sciences Po). Ông sống trong một căn nhà dành riêng cho tại 13 phố Lamballe. Theo báo LAsie Nouvelle (châu Á mới), ngoài thời gian học, Vĩnh Thụy chơi thể thao. Đây là một điều mới mẻ, một cuộc cách mạng đối với hoàng gia. Những ảnh chụp lúc đó cho thấy, Vĩnh Thụy mặc trang phục quần vợt, quần soóc, áo thun trắng, hay trang phục của người chơi gôn, trượt tuyết. Lúc nào, chàng thanh niên Vĩnh Thụy cũng ăn mặc chỉnh tề, trau chuốt, lịch sự, điển trai.
Thích thú với cách sống Tây như vậy, nhưng số mệnh làm Hoàng đế buộc Bảo Đại phải trở về nước sau 10 năm ở Pháp (năm 1932). Ngày 19 tháng 9 năm 1932, Bảo Đại ra đạo dụ số một tuyên cáo chấp chính và khẳng định chế độ quân chủ Nam triều. Văn bản này hủy bỏ "Quy ước" ngày 16 tháng 11 năm 1925 lập ra sau khi Khải Định chết.
Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu.
Nam Phương Hoàng hậu trước đây cũng du học tại Pháp, bà là một con chiên ngoan đạo của Thiên chúa giáo - tôn giáo phổ biến của phương Tây. Hiếm ông vua Việt nào lấy vợ dị biệt tôn giáo như tín đồ Phật giáo Bảo Đại.
Vốn chất Tây phương thấm đẫm trong máu, chuyện hôn nhân của Bảo Đại cũng rất Tây. Lúc đó, là bậc quân vương của một nước, Vua Bảo Đại vẫn bị thách cưới như thường. Để lấy được Nam Phương Hoàng Hậu (tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan), ông đã phải chấp nhận các điều kiện gắt gao mà nhà gái đặt ra, cụ thể: phải tấn phong cho Nguyễn Hữu Thị lan làm Hoàng hậu chính cung ngay trong ngày cưới (các bà vợ của 12 đời vua trước đó chỉ được phong tước Vương phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu); lễ cưới của hai người phải được tòa thánh La Mã cho phép một cách đặc biệt; sau khi cưới Nguyễn Hữu Thị Lan có quyền được giữ nguyên đạo công giáo và các con, khi sinh ra, phải được rửa tội theo luật công giáo và giữ đạo; Bảo Đại thì vẫn giữ đạo cũ là Phật giáo.
Bảo Đại đã chấp nhận hết. Các con của ông gồm Bảo Long, Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung, Bảo Thăng được sinh ra đều chịu lễ rửa tội của Thiên chúa giáo và đi theo đạo của mẹ. Lễ cưới của vua Bảo Đại phải được sự cho phép của Tòa thánh Vatican...
Ngoài ra, bên cạnh bà vợ theo Thiên chúa giáo, trong thời gian sống tại Pháp, cựu hoàng Bảo Đại còn có thêm 3 bà vợ Tây. Ông yêu bà đầm Vicky, bà thứ phi Tây đầu tiên. Vicky sinh cho Bảo Đại một Hoàng nữ Phương Từ. Chia tay Vicky, cựu hoàng lao vào cuộc tình buồn với cô đầm Clément. Sau vụ tai tiếng đó, ông kết hôn với bà Monique Baudot. Và đây được xem là cuộc tình cuối cùng của ông hoàng.
baodatviet